Chính phủ khẩn trương hoàn thiện nghị quyết về phòng chống dịch COVID-19

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã có văn bản góp ý chính thức nhiều vấn đề. Các cơ quan của Chính phủ (CP) đang khẩn trương tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của CP về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.

Chính phủ làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật

Các cơ quan chuyên môn của CP đã làm việc cả hai ngày nghỉ cuối tuần để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của CP về việc thực hiện các giải pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 theo Nghị quyết 30 của QH - tức Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, QH khóa XV.

Trước đó, thứ Sáu ngày 6-8, CP báo cáo Ủy ban Thường vụ QH về dự thảo nghị quyết của CP, trong đó xin ý kiến bốn vấn đề mà CP thấy thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ QH theo Nghị quyết 30. Ủy ban Thường vụ QH đã nhóm họp ngay chiều cùng ngày và sau đó, trong ngày cuối tuần đã ban hành Nghị quyết 268 tạo cơ sở pháp lý cho CP hành động.

Bốn vấn đề mà CP đề xuất sau đều thuộc diện khác với quy định của luật hiện hành và chưa được Nghị quyết 30 của QH giao toàn quyền cho CP quyết định. Trong số này, Ủy ban Thường vụ QH đồng tình với ba vấn đề:

(1) Chấp nhận quyết định thành lập cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm COVID-19 đồng thời là giấy phép hoạt động, khác với quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

(2) Cho phép Bộ Y tế được quy định thủ tục hành chính trong thông tư theo thủ tục rút gọn, khác với yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

(3) Cho phép Thường trực HĐND quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền của HĐND và báo cáo HĐND trong kỳ họp gần nhất, khác với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương…

Một phiên họp của Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh minh họa: VGP

Vấn đề thứ tư, CP đề nghị dùng ngân sách nhà nước thanh toán chi phí thực tế cho việc khám chữa cả các bệnh khác trong quá trình điều trị COVID-19. Đề xuất này là vượt Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, vốn chỉ cho phép chi ngân sách cho điều trị bệnh truyền nhiễm.

Ủy ban Thường vụ QH không thông qua đề xuất này. Nghị quyết 268 chỉ cho phép dùng ngân sách chi trả chi phí thực tế khám chữa bệnh liên quan trực tiếp đến điều trị COVID-19, với lý do đảm bảo khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước.

Vaccine: Có thể phê duyệt khẩn cấp nhưng chất lượng phải đảm bảo

Dự thảo nghị quyết của CP đang được chỉnh lý trên cơ sở Nghị quyết 268 của Ủy ban Thường vụ QH. Các nội dung không liên quan Nghị quyết 268 được hiểu là QH đã giao toàn quyền cho CP thông qua Nghị quyết 30, bao gồm cơ chế, chính sách đặc thù trong cấp phép, đăng ký lưu hành, sản xuất thuốc, vaccine.

Tuy nhiên, trong Công văn 33 gửi CP sau phiên họp, cơ quan thường trực của QH đề nghị CP đưa ra một chiến lược tổng thể về vaccine, trong đó có cơ chế phân bổ, sử dụng và phác đồ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 trên cả nước.

Ủy ban Thường vụ QH còn nhấn mạnh: “Để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề cấp giấy lưu hành thuốc điều trị và vaccine phòng COVID-19, kể cả khi được phê duyệt sử dụng khẩn cấp thì các bước quan trọng, các tiêu chí bắt buộc cũng không được bỏ qua. Đồng thời cần cung cấp đầy đủ các dữ liệu khoa học của tất cả các bước thử nghiệm thuốc, vaccine; tổ chức đánh giá dữ liệu này một cách cẩn trọng, phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế”.

Các cơ quan chuyên môn của CP, bao gồm Bộ Y tế, có thể sẽ điều chỉnh chặt chẽ nội dung này trong dự thảo nghị quyết của CP, cũng như dự thảo Thông tư chuyên ngành liên quan về cấp đăng ký, lưu hành có điều kiện vaccine phòng COVID-19.

Phòng chống dịch COVID-19: Chống cả tả khuynh và hữu khuynh

Liên quan đến một số nội dung thuộc thẩm quyền của CP, Công văn 33 của Ủy ban Thường vụ QH góp ý nghị quyết của CP cần có giải pháp khắc phục việc thực hiện thiếu thống nhất, thiếu quyết liệt ở một số địa phương trong phòng chống đại dịch. Đồng thời, nghị quyết cần khắc phục hiện tượng tùy tiện, cứng nhắc gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, làm giảm hiệu quả của công tác phòng chống dịch cũng như việc thực hiện “mục tiêu kép” của cả nước.

Ủy ban Thường vụ QH đề nghị với biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú… CP nên quy định chi tiết các tiêu chí thời gian, không gian, nguy cơ dịch bệnh tương ứng cần áp dụng. Đồng thời, CP phân cấp rõ thẩm quyền, trường hợp nào chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết, trường hợp nào phải báo cáo Thủ tướng.

Các biện pháp đặc biệt về kiểm soát thông tin liên lạc, bắt buộc cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 cũng cần được nêu cụ thể, vì đây là các biện pháp đặc biệt, có thể hạn chế quyền công dân trong một số trường hợp.

Phòng chống dịch đòi hỏi sự quyết liệt, trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp tỉnh, mà đôi lúc cần áp dụng các biện pháp khắt khe hơn so với mức độ diễn biến dịch trên thực tế của địa phương. Tuy nhiên, nghị quyết của CP cần có yêu cầu ràng buộc là các biện pháp ấy vẫn nằm trong khung quy định chung của CP, Thủ tướng. Trường hợp thấy cần áp dụng biện pháp chưa được quy định thì chủ tịch cấp tỉnh phải báo cáo và có ý kiến Thủ tướng trước khi thực hiện.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm