Con chơi game bị phạt, cha mẹ có phải chịu thay?

Mới đây, Công an thị trấn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (VPHC) với tổng số tiền là 180 triệu đồng đối với 12 người chơi game trong đêm.

Phải xét độ tuổi khi xử phạt

Cụ thể, tối 13-7 (thời điểm huyện Hồng Ngự đang áp dụng Chỉ thị 15 để chống dịch COVID-19), bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người, 12 người này (trong đó có cả chủ quán game) vẫn tụ tập chơi game. Do vậy, mỗi người bị xử phạt VPHC 15 triệu đồng.

Trong số những người bị phạt có người chưa thành niên. Vậy người chưa thành niên, chưa làm ra tiền thì có bị nộp phạt hay không? 

12 người chơi game bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người trong mùa dịch bị phạt tổng cộng 180 triệu đồng. Ảnh: TÂN HỢP/BAODONGTHAP

ThS Lê Hoài Nam, giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM, cho biết: Việc xử lý người chưa thành niên VPHC chỉ được thực hiện trong trường hợp cần thiết nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội.

Theo Điều 5 Luật Xử lý VPHC năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị xử phạt VPHC đối với lỗi cố ý, còn người từ đủ 16 tuổi trở lên sẽ bị xử phạt hành chính về mọi VPHC.

Do đó, hành vi vi phạm của nhóm người tụ tập chơi game bất chấp lệnh cấm trước hết cần phải xem xét đến độ tuổi khi xử phạt, cụ thể là các em nằm trong độ tuổi nào.

Những người này sẽ bị xử phạt 30-40 triệu đồng theo điểm b khoản 5 Điều 12 Nghị định 117/2020 do có hành vi “không thực hiện quyết định cấm tập trung đông người tại vùng đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch”.

Tuy nhiên, vì là người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) nên mức xử phạt sẽ không được vượt quá 1/2 mức tiền phạt áp dụng đối với người thành niên (đủ 18 tuổi trở lên) nếu các em này từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi. Còn trường hợp từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ không áp dụng hình thức phạt tiền.

Cha mẹ phải nộp phạt thay

Cũng theo ThS Lê Hoài Nam, khoản 3 Điều 134 Luật Xử lý VPHC quy định trường hợp không có tiền nộp phạt hoặc không có khả năng thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả thì cha mẹ hoặc người giám hộ của các em phải thực hiện thay. Quy định này nhằm mục đích xác định trách nhiệm của cha mẹ hoặc người giám hộ trong việc quản lý, giáo dục đúng mực các em để trở thành công dân tốt cho xã hội.

Đồng tình, luật sư (LS) Lê Văn Thanh, Đoàn LS TP.HCM, cho biết thêm: Đối với trường hợp dưới 16 tuổi không áp dụng hình thức phạt tiền, có thể áp dụng các biện pháp cảnh cáo, nhắc nhở, quản lý tại gia đình… tùy thuộc vào tính chất, mức độ của từng hành vi vi phạm.

Theo LS Thanh, việc chơi game trong môi trường kín, không tuân thủ khoảng cách an toàn, không tuân thủ 5K theo quy định của Bộ Y tế là rất nguy hiểm, dễ làm lây lan dịch bệnh.

Những người này đã có hành vi “không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng”.

Theo điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định 117/2020 thì các hành vi nêu trên sẽ bị xử phạt VPHC 10-20 triệu đồng.

“Nếu gây hậu quả nghiêm trọng làm lây lan dịch bệnh thì tùy mức độ, các hành vi này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo Điều 240 BLHS 2015” - LS Thanh lưu ý.

 

Khi nào bị xử lý hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh?

Hành vi chơi game của các em bất chấp lệnh giãn cách nếu làm dịch bệnh lây lan thì có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người, theo điểm c khoản 1 Điều 240 BLHS với mức hình phạt 1-5 năm tù.

Cần lưu ý, theo Công văn 45/2020 của TAND Tối cao hướng dẫn việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng chống dịch bệnh COVID-19 thì đối tượng áp dụng phải là người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh COVID-19 đã được thông báo cách ly nhưng lại trốn khỏi nơi cách ly hoặc không tuân thủ quy định về cách ly.

Cạnh đó, để truy tố tội này thì hậu quả phải là “làm lây lan dịch bệnh”. Do đó, việc có áp dụng hình phạt theo tội này hay không cần thỏa mãn các điều kiện trên.

Điều 12 BLHS quy định: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà bộ luật này có quy định khác.

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một số điều của BLHS. Mức hình phạt tù có thời hạn đối với người chưa thành niên phạm tội áp dụng theo Điều 101 BLHS

ThS LÊ HOÀI NAM, giảng viên
Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm