Ngày 22-5, TAND tỉnh Sơn La tiếp tục xét xử 12 bị cáo trong vụ gian lận điểm kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại địa phương này.
Tòa triệu tập nhiều nhân chứng và người liên quan, trong đó có phụ huynh hoặc người thân của các thí sinh (TS). Họ có những lời khai khó tin về việc tại sao con em của mình được nâng điểm.
“Điểm từ trên trời rơi xuống”
Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên phòng khảo thí) khai được Trần Văn Điện (cựu cán bộ thư viện) chuyển thông tin của bốn TS để nhờ nâng điểm. Kết quả, cả bốn đều đậu vào các trường đại học tốp đầu.
Tuy nhiên, đối chất tại tòa, Điện phủ nhận lời khai này. Giống như phiên sơ thẩm hồi tháng 10-2019 (thời điểm chưa bị khởi tố - PV), Điện thừa nhận mình có đưa thông tin của bốn TS cho Nga nhưng để nhờ xem điểm trước chứ không phải nhờ nâng điểm.
Điện nói không rõ Nga có xem được không, phải đến khi được cơ quan điều tra (CQĐT) triệu tập đến làm việc thì mới biết tất cả đều bị hạ điểm sau khi Bộ GD&ĐT chấm thẩm định.
Chủ tọa hỏi Điện suy nghĩ gì khi chỉ nhờ xem điểm mà cả bốn TS đều được nâng điểm. Bị cáo đáp chỉ vì nể nang bạn bè, họ nhờ thì bị cáo biết vậy.
“Bị cáo không biết, vậy số điểm đó từ trên trời rơi xuống phải không?” - chủ tọa truy vấn. Điện trả lời: “Vâng!” rồi về chỗ.
Tiếp đó, HĐXX cho hỏi hàng loạt phụ huynh hoặc người liên quan của những TS được nâng điểm.
Ông Lê Minh Loan (cán bộ công an nghỉ hưu) là người đưa thông tin của hai TS cho Nguyễn Minh Khoa (cựu phó Phòng PA03, Công an tỉnh). Khoa tiếp tục đưa cho Lò Văn Huynh (cựu trưởng phòng khảo thí). Cả hai TS này đều được nâng điểm để đậu vào trường công an nhân dân.
Tại tòa, ông Loan nói được phụ huynh của hai TS nhờ xem điểm, biết Khoa có quan hệ với các cá nhân trong hội đồng thi nên ông nhận lời. Ông Loan cho hay các gia đình muốn biết điểm sớm để chủ động đăng ký nguyện vọng xét tuyển cho con em.
Thấy vậy, chủ tọa liền vặn: “Ông được nhờ xem điểm nhưng thực tế cả hai được nâng điểm, vậy có vượt quá phạm vi lời nhờ?”. Ông Loan chỉ nói do nể nang tình cảm anh em nên đồng ý giúp, chứ cũng không biết các cháu sẽ được nâng điểm.
Tương tự, nhiều phụ huynh hoặc người thân TS đều cho hay họ chỉ nhờ xem điểm chứ không nhờ tác động hay can thiệp điểm. Thậm chí, có người còn nói “rất ngạc nhiên” khi con mình bị hạ hàng chục điểm sau khi chấm thẩm định.
Các bị cáo Lò Văn Huynh, Nguyễn Minh Khoa, Trần Văn Điện và Nguyễn Thị Hồng Nga (từ trái qua) tại tòa. Ảnh: T.P
Nộp cả tỉ đồng nhưng không ai nhận là chủ
Nguyễn Thị Hồng Nga khai sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi, Trần Văn Điện có đến nhà đưa 1,04 tỉ đồng và nói rõ đây là số tiền do gia đình bốn TS được nâng điểm cám ơn. Nga và người thân đã giao nộp 1 tỉ đồng cho CQĐT.
Thế nhưng Điện tiếp tục bác bỏ. “Bị cáo chỉ vào nhà, đứng chơi và nói chuyện” - Điện thanh minh về lời khai của Nga. Có mặt tại tòa, phụ huynh bốn TS trên cũng khẳng định không hề hứa hẹn, trao đổi vật chất gì với Điện.
Đáng chú ý, Đặng Hữu Thủy (cựu hiệu phó Trường THPT Tô Hiệu) khai nhận của bà Nguyễn Thị Kim (kế toán Trường THPT Tô Hiệu), Bùi Thị Xuân (cán bộ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La), Nguyễn Thị Xuyên (giáo viên Trường THCS Mường Bằng) và Nguyễn Thị Mai Hà (giáo viên Trường THPT Tô Hiệu) thông tin của bốn TS.
Khi gửi, những người này nhờ Thủy xem giúp điểm nhưng vì “hiểu sai ý” nên Thủy can thiệp vào bài thi, nâng điểm luôn.
Sau đó, Thủy được bà Kim đưa 150 triệu đồng, bà Hà 150 triệu đồng, bà Xuyên 200 triệu đồng và bà Xuân hứa sẽ đưa 270 triệu đồng. Hiện Thủy đã trả lại toàn bộ số tiền trên cho gia đình các TS.
Trái với lời khai của Thủy, tại CQĐT cũng như tòa, bốn phụ nữ đều không thừa nhận việc hứa hẹn, đưa tiền cho Thủy. Do đó, cơ quan tố tụng kết luận không đủ căn cứ quy kết Thủy về tội nhận hối lộ.
Hay như Lò Văn Huynh, bị cáo này từng khai nhận của Nguyễn Minh Khoa 1 tỉ đồng để nâng điểm cho hai TS và đã giao nộp cho CQĐT.
Tuy nhiên, sau khi bị khởi tố bổ sung về tội đưa hối lộ, Huynh bất ngờ thay đổi lời khai rằng không thỏa thuận, cũng không nhận của Khoa 1 tỉ đồng. Số tiền này là tiền bán đất và tiết kiệm của gia đình mà có, đề nghị HĐXX trả lại cho bị cáo.
Về phần mình, Khoa cương quyết không thừa nhận việc nhờ Huynh nâng điểm mà chỉ nhờ xem điểm, cũng không hề hứa hẹn hay đưa cho Huynh 1 tỉ đồng.
Dù vậy, cơ quan tố tụng xác định sự thay đổi lời khai của Huynh là không có cơ sở, các chứng cứ đủ căn cứ để buộc tội Khoa và Huynh phạm tội đưa, nhận hối lộ.
Ngược lại với các trường hợp trên, hai bị cáo Lò Thị Trường và Hoàng Thị Thành đều thừa nhận lần lượt đưa cho Huynh 300 triệu đồng và Cầm Thị Bun Sọn (cựu phó trưởng phòng chính trị tư tưởng) 440 triệu đồng để “cám ơn” vì giúp con mình.
Cựu phó giám đốc sở phủ nhận chỉ đạo nâng điểm Suốt hai ngày xét xử, Trần Xuân Yến (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT) cho rằng lời khai của cấp dưới và nhiều tình tiết trong cáo trạng là không chính xác. Ông Yến thừa nhận chuyển danh sách 13 TS (trong đó, tám người do cựu giám đốc sở Hoàng Tiến Đức đưa) cho Nguyễn Thị Hồng Nga nhưng chỉ nhờ xem điểm, chứ không nhờ nâng điểm. Sau khi có kết quả chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT, ông mới được CQĐT thông báo cả 13 TS trên đều bị giảm điểm. Cựu phó giám đốc sở cũng phủ nhận lời khai của Nga về việc mình là người chỉ đạo kế hoạch sửa bài, nâng điểm thi. Bị cáo chỉ nhận có thiếu sót khi đóng, mở niêm phong mà chỉ lập một biên bản, lẽ ra phải lập hai biên bản riêng biệt. Tuy nhiên, đây là sơ suất chứ không phải nhằm tạo điều kiện cho các bị cáo khác rút bài thi rồi sửa chữa, nâng điểm… |