Câu chuyện về việc những người mẹ đi kêu oan để níu lại mạng sống tử tù Hồ Duy Hải đã được nhiều cơ quan báo chí phản ánh. Thế nhưng ít ai biết rằng trong hành trình ấy bà và những người thân đã phải trải qua biết bao khó khăn, thử thách và đánh đổi bằng sự cố gắng không biết mệt mỏi.
Mẹ và bà ngoại Hải ngóng trông Hồ Duy Hải từng ngày. Ảnh: NGÂN NGA
Tài sản trong nhà cứ cạn kiệt dần
Từ TP.HCM đến huyện Thủ Thừa, Long An không xa bởi chỉ phải di chuyển chừng 40 km. Nhưng đến xã Nhị Thành hỏi thăm nhà bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải thì được biết bà Loan cùng con gái đã dọn đi chỗ khác cách đây mấy tháng. Thế rồi chúng tôi cũng tìm ra được chỗ ở mới của bà Loan, nằm sâu trong một con đường nhỏ, bên cạnh cánh đồng, phía sau một ngôi chùa.
Đây không phải là nhà của bà Loan mà là hai mẹ con bà đang ở nhờ nhà người anh. Bàn tay chai sạn gạt vội giọt nước mắt trên má, bà Loan kể về hành trình giữ lại mạng sống cho Hồ Duy Hải với tâm trạng nghẹn ngào.
Bà bảo suốt 12 năm trời cứ trông đến ngày thăm nuôi, bà đến trại giam cách nhà chừng 20 km thăm Hải. Thời gian còn lại bà đi cậy nhờ, cầu cứu khắp nơi kêu oan cho con. Bà phải gom góp tiền bạc để cố gắng lặn lội ra Hà Nội, gõ cửa từng cơ quan với niềm hy vọng phải giữ được mạng sống của con. Khi chúng tôi đến nhà cũng là thời điểm bà mới đi Hà Nội về được mấy bữa ngay trước khi có kháng nghị giám đốc thẩm của VKSND Tối cao.
Bà Loan nhớ lại: “Năm 2007, tôi vừa đi xuất khẩu lao động ở Đài Loan về được vài tháng thì Hải khi ấy mới 23 tuổi bị bắt và vướng vòng lao lý từ đó. Bao nhiêu tiền tích cóp tôi đều dùng mua vé máy bay ra Hà Nội cầu cứu cho con. Tôi gửi đơn khắp nơi với tâm thế người này không xem được hồ sơ thì có người khác xem”.
Thời gian đầu ở Hà Nội do chưa biết đường đi xe buýt nên bà Loan phải mướn xe đạp mỗi ngày 10.000 đồng. Rồi người dân thương tình cho mượn cả bếp nấu nướng không mất tiền. Bà gửi đơn nhiều đến mức ngay cả tiệm phôtô hồ sơ ở Hà Nội cũng nhớ mặt bà. Tới nay bà Loan đã gửi tổng cộng hơn 2.000 bộ hồ sơ. Có những lúc kiệt sức vì mệt mỏi và đói, gặp cán bộ bà đã không còn đủ sức để trình bày sự việc mà ngã xuống đất, sùi cả bọt mép. Sau chẳng còn tiền đi máy bay bà Loan chuyển sang đi tàu lửa, loại ghế cứng.
Sau này hành trình kêu oan của bà Loan có thêm người chị là bà Nguyễn Thị Rưỡi (62 tuổi) để phòng hờ lúc sức khỏe bà suy sụp. Nhưng đến nay bà Rưỡi cũng bị bệnh nên người em út là Nguyễn Thị Ren trong gia đình tiếp tục thay bà Rưỡi cùng chị đi kêu oan cho cháu. Thời gian đằng đẵng trôi đi, giờ thì căn nhà hai mẹ con đang ở cũng phải bán đi ở nhờ nhà người anh.
Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ của tử tù Hồ Duy Hải, luôn tìm mọi cách để níu giữ mạng sống của con, chờ có ngày "đèn trời soi xét". Ảnh: Internet
Chỉ mong con được về nhà
Xuyên suốt câu chuyện với PV, bà Loan cứ liên tục khẳng định: “Con tôi vô tội. Con tôi trắng án 100%”. Nói rồi bà dẫn chứng một loạt những bất thường trong hồ sơ vụ án như thể một người luật sư đã thuộc làu vụ án. Bà bảo các dấu vết vân tay thu được tại hiện trường không trùng khớp với 10 ngón tay của Hồ Duy Hải. Ngay cả nhân chứng cũng khai nhìn thấy một thanh niên và không thể nhận diện được…, vậy sao có thể cho rằng Hải giết người, cướp của được?
Mấy hôm trước bà Loan nhận được thông báo của VKSND Tối cao đã ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm để điều tra lại, bà mừng lắm. Nghe vậy bà tưởng Hải đã được thả nên lật đật cùng gia đình đi đón Hải về nhưng tới nơi cán bộ trại giam không đồng ý và giải thích cho bà hiểu.
Bà Ren kể đã có lúc gia đình sợ Hải không còn sống nên đã đến trại xin cán bộ cho được nhìn cái lưng Hải thôi cũng được. “Giờ chỉ mong Hải được về nhà thì chúng tôi mới yên tâm, những chuyện tiếp theo là chuyện của các cơ quan chức năng. Nếu Hải thực sự cướp của, giết người thì gia đình cũng tẩy chay chứ không riêng gì xã hội” - bà Ren tiếp lời.
Bà Rưỡi là người theo sát bà Loan nhất, bà bảo vụ đi kêu oan này ảnh hưởng đến nhân thân nhiều lắm. Đi tiệc cưới cũng nghe người ta kề vai nói hình ảnh bà lên báo chí, lên cả nước rồi. Nhưng bà vẫn quả quyết rằng tôi đi đòi công bằng, kêu oan cho cháu chứ không ngại ngần gì.
Chia tay chúng tôi, bà Loan nói: “Giờ có kháng nghị là con trai tôi có thêm một cơ hội được sống. Vụ án còn nhiều uẩn khúc oan ức mà họ đòi xử chết con tôi, thử hỏi có người mẹ nào chịu được...”. Nói đoạn, giọng của người mẹ tử tù nghẹn lại nhưng nước mắt thì không thể chảy nữa vì nó đã cạn khô theo năm tháng...
“Sao Hải chưa về?” Đang dở câu chuyện, bà Loan đi vào trong phòng nâng người mẹ hơn 90 tuổi ngồi dậy. “Họ sắp thả Hải, nếu cháu ngoại của má về má vui không, cười cái coi. 12 năm rồi má nhớ nó dữ lắm rồi phải không” - bà Loan lạc giọng. Bình thường bà ngoại Hải không nói được gì nhưng cứ nhắc tên Hải là bà lắp bắp mấy từ trong miệng mà tôi nghe không rõ. Mấy năm đầu Hải mới bị tạm giam, bà ngoại Hải còn đủ sức khỏe vô trại thăm cháu nhưng nhiều năm nay bà không còn đi được nữa, phải nằm một chỗ. Bà Loan kể tiếp lâu lâu bà ngoại Hải cũng hỏi: “Sao Hải chưa về? Mày nói dóc tao hoài, nếu nó về thì kêu nó lại nắm tay tao cái coi”. |