Ngày 23-9, TAND Cấp cao tại TP.HCM xét xử phúc thẩm lưu động tại TP Cần Thơ đối với bị cáo Phan Thanh Mộng do có kháng cáo của bị cáo và kháng nghị của viện trưởng VKSND TP Cần Thơ.
Cụ thể, VKS kháng nghị đề nghị đổi tội danh đối với bị cáo từ tội tham ô tài sản sang tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí (tội danh mà viện đã truy tố trước đó). Bị cáo cũng kháng cáo xin đổi sang tội danh này và xin giảm nhẹ hình phạt.
VKS truy tố tội này...
Theo cáo trạng, Công ty Lương thực Sông Hậu được thành lập năm 1999 theo quyết định của Bộ NN&PTNT, trực thuộc Tổng Công ty Lương thực miền Nam, có chức năng phân phối lương thực, thực phẩm trên các tỉnh miền Tây. Trung tâm phân phối lương thực, thực phẩm thuộc công ty này.
Năm 2010, Thủ tướng ban hành quyết định chuyển Tổng Công ty Lương thực miền Nam thành công ty TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Năm 2016, Trung tâm phân phối lương thực, thực phẩm bổ nhiệm Phan Thanh Mộng giữ chức vụ cửa hàng trưởng cửa hàng lương thực, thực phẩm An Bình. Mộng có nhiệm vụ chính là chịu trách nhiệm về tiền hàng, công nợ, quản lý xuất nhập hàng hóa, quản lý và theo dõi tài sản, công cụ, dụng cụ tại cửa hàng. Cửa hàng trưởng không được phép trực tiếp bán hàng…
Tuy nhiên, Mộng đã bán hàng trực tiếp với khách hàng là bà Nguyễn Thị Trinh (ngụ Vĩnh Long) từ tháng 3-2017 đến đầu tháng 8-2017 trái với quy định.
Từ ngày 29-7-2017 đến 3-8-2017, bà Trinh đặt mua hàng của Mộng 6.745 thùng sữa Vinamilk các loại, trị giá hơn 2,1 tỉ đồng. Khi giao hàng xong, bà Trinh không thanh toán tiền cho Mộng và Mộng cũng không thanh toán tiền cho Công ty Lương thực miền Nam. Sau đó, Mộng chỉ nộp lại được 161 triệu đồng để khắc phục hậu quả nên Công ty Lương thực Sông Hậu tố cáo vụ việc đến công an.
Bị cáo Phan Thanh Mộng tại phiên tòa phúc thẩm ngày 23-9. Ảnh: NHẪN NAM
... tòa xử tội kia nặng hơn
Cáo trạng của VKSND TP Cần Thơ truy tố Mộng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Xử sơ thẩm vào ngày 17-6, TAND TP Cần Thơ đã chuyển tội danh sang tội tham ô (tội nặng hơn), đồng thời tuyên phạt bị cáo này 20 năm tù. Sau đó, VKS có kháng nghị và bị cáo kháng cáo như đã nói.
Tại phiên xử phúc thẩm ngày 23-9, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã triệu tập bà Trinh (người mua sữa từ bị cáo Mộng) đến tòa để làm rõ một số nội dung liên quan.
Tại tòa, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM giữ quyền công tố tiếp tục đề nghị tòa chấp nhận kháng cáo, một phần kháng nghị của VKS cấp dưới. Viện đề nghị tòa hủy án sơ thẩm để điều tra làm rõ hành vi của một số người liên quan đến vụ án mà cấp sơ thẩm chưa làm rõ ý thức chiếm đoạt tài sản của bị cáo đối với công ty.
Luật sư của bị cáo cho rằng bị cáo không phạm tội tham ô vì bị cáo không thể hiện rõ hành vi chiếm đoạt và đề nghị tòa hủy án.
Sau khi xét xử, HĐXX đã có phần nhận định và phân tích rất chi tiết về bốn yếu tố cấu thành tội phạm của hai tội danh mà VKS truy tố, kháng nghị và tòa đã xét xử sơ thẩm.
Theo tòa, hành vi phạm tội của bị cáo được TAND TP Cần Thơ xử về tội tham ô tài sản là đúng người, đúng tội, không oan. Mức hình phạt của bị cáo đã được tòa án cấp sơ thẩm cân nhắc giữa tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ. Bị cáo không cung cấp được chứng cứ nào chứng minh có thêm tình tiết giảm nhẹ mới nên không có căn cứ xem xét.
Từ đó, tòa tuyên không chấp nhận kháng nghị của VKS và kháng cáo của bị cáo, y án sơ thẩm, phạt bị cáo Mộng 20 năm tù về tội tham ô tài sản.
Sự giống và khác nhau về dấu hiệu cấu thành của hai tội Theo tòa phúc thẩm, tội tham ô tài sản và tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí có những điểm giống và khác nhau rất đặc trưng. Về điểm giống nhau, tòa cho rằng chủ thể của hai tội phạm này đều có đặc trưng là người có chức vụ, quyền hạn. Bị cáo Mộng có đặc điểm đặc trưng này. Về mặt chủ quan, hành vi phạm tội là lỗi cố ý, bị cáo Mộng có lỗi cố ý. Về mặt khách thể của tội phạm, cả hai tội đều xâm phạm chế độ quản lý của Nhà nước. Điều này giống với kết luận của cáo trạng. Về mặt khách quan, hai tội này đều có chung thủ đoạn là lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện không đúng các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế. Điểm khác nhau duy nhất để phân biệt người phạm tội đã phạm vào tội gì là dấu hiệu mục tiêu hướng tới của hành vi phạm tội được phản ánh trong mặt khách quan của tội phạm. Tòa nhận định: Theo Điều 353 BLHS 2015, hành vi phạm tội tham ô tài sản được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản do mình có trách nhiệm quản lý. Mục tiêu hướng tới của tội phạm là tài sản. Trong vụ này, mục tiêu hướng tới của bị cáo (đã được làm rõ tại phiên tòa) là lấy được sữa ra khỏi kho. Theo Điều 219 BLHS 2015 thì hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí được hiểu là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện không đúng các quy định về quản lý kinh tế. Hành vi phạm tội hướng tới là làm sai các quy định quản lý kinh tế dẫn đến bị thất thoát tài sản, không phải là hướng tới sữa của công ty. Tòa cho rằng mục đích hướng tới của bị cáo là lấy hàng (sữa). Ở đây, việc thực hiện không đúng các quy định về quản lý kinh tế chỉ là hành vi mà bị cáo Mộng đã thực hiện chứ đó không phải là mục đích mà bị cáo hướng tới. Do vậy, hành vi của bị cáo đã thực hiện là tham ô tài sản. Việc bị cáo mang hàng đi đâu, bán cho ai, bán cho bà Trinh hay cho các đối tượng khác chỉ là quá trình tiêu thụ tài sản, không phải là dấu hiệu xác định bị cáo phạm tội gì. Hành vi của bị cáo hoàn thành từ khi bị cáo lấy sữa ra khỏi công ty. |