Chiều 10-6, với 449/457 đại biểu (ĐB) tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Luật này sẽ có hiệu lực từ 1-1-2021.
Thêm chức năng giám định tư pháp cho Viện Tối cao
Khi thảo luận dự án luật này, một trong những nội dung gây nhiều tranh luận liên quan đến đề xuất bổ sung chức năng giám định tư pháp cho VKSND Tối cao.
Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay: Nhiều ý kiến tán thành việc bổ sung “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao” là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự với nhiệm vụ giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị giữ nguyên quy định hiện hành (Điều 12).
Do còn ý kiến khác nhau, UBTVQH đã chỉ đạo tổng thư ký QH xin ý kiến ĐBQH dưới hình thức biểu quyết điện tử theo hai phương án. Kết quả, có 359 ĐBQH cho ý kiến, trong đó 248 ý kiến (hơn 69%) tán thành với phương án thống nhất bổ sung “Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc VKSND Tối cao” là tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự.
Trong khi đó, 110 ý kiến ĐBQH (chiếm gần 31%) tán thành phương án giữ nguyên như quy định hiện hành.
“UBTVQH đề nghị QH cho tiếp thu theo đa số ý kiến các vị ĐBQH” - bà Nga nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng khẳng định vấn đề này đã được cân nhắc kỹ trên cơ sở thực tiễn hoạt động tố tụng nhằm đáp ứng yêu cầu công tác điều tra, xử lý tội phạm về tham nhũng, tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu sau đó đề nghị các ĐBQH biểu quyết riêng về nội dung này, trước khi QH thông qua toàn bộ dự thảo luật. Kết quả, với 409/459 ĐB tán thành, QH đồng ý bổ sung chức năng trên cho VKSND Tối cao. Trong khi đó, 46 ĐBQH bỏ phiếu không tán thành, bốn ĐB không bỏ phiếu.
Trước đó, tại phiên họp thứ 41 của UBTVQH, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho hay ngay từ đầu Bộ Công an đã thể hiện quan điểm không đồng ý, tuy nhiên đây chỉ là ý kiến của bộ này. Quan điểm của Chính phủ thể hiện theo ý kiến của đa số thành viên Chính phủ như dự thảo trình ra QH.
Các ĐBQH tiến hành biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Ảnh: QH
Thời hạn giám định tối đa là bốn tháng
Một nội dung khác còn có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận liên quan đến quy định về thời hạn giám định (Điều 26a). Theo dự thảo, với các vụ việc thông thường, thời hạn giám định tối đa là ba tháng. Đối với vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn, thời hạn giám định tối đa là bốn tháng.
Bà Lê Thị Nga cho biết có ý kiến cho rằng quy định như dự thảo là “chưa rõ ràng”, cần cụ thể hơn để bảo đảm sự thống nhất.
Tuy nhiên, UBTVQH nhận thấy đối với trường hợp giám định theo vụ việc, ở từng lĩnh vực giám định (đầu tư, tài chính, ngân hàng, xây dựng, giao thông, khoa học và công nghệ...), do quy chuẩn chuyên môn và quy trình thực hiện hoàn toàn khác nhau nên thời hạn giám định cũng không thể giống nhau.
“Để bảo đảm tính khả thi, Luật Giám định tư pháp chỉ quy định thời hạn tối đa, còn thời hạn ở từng lĩnh vực chuyên môn được giao cho bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực quy định cụ thể” - bà Nga nói. Đây là lý do UBTVQH đề nghị giữ quy định thời hạn giám định tư pháp như dự thảo luật.
Giao cho cơ quan chuyên môn chủ trì
Ngoài ra, quá trình thảo luận, quy định trưng cầu giám định trong trường hợp cần có sự phối hợp giữa nhiều cơ quan, tổ chức giám định (Điều 25) cũng còn có ý kiến khác nhau. Có ý kiến tán thành với quy định tại khoản 4 Điều 25 về giao trách nhiệm cho một cơ quan, tổ chức chuyên môn về giám định tư pháp chủ trì việc thực hiện giám định. Ý kiến khác đề nghị chỉnh lý, giao trách nhiệm này cho người trưng cầu giám định tư pháp.
Về nội dung này, UBTVQH cho rằng giám định tư pháp là hoạt động chuyên môn, khoa học, do vậy quá trình tiến hành giám định phải do chính cơ quan, tổ chức chuyên môn trong lĩnh vực giám định tư pháp thực hiện.
“Nếu giao cho cơ quan trưng cầu giám định (cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng) chủ trì, phối hợp việc thực hiện giám định tư pháp sẽ không bảo đảm tính độc lập, khách quan và không phù hợp với tính chất của hoạt động này” - bà Nga cho hay.
Vì vậy, UBTVQH đề nghị QH cho giữ quy định về giao trách nhiệm cho một trong các cơ quan, tổ chức thực hiện giám định tư pháp làm đầu mối tổ chức việc giám định như dự thảo luật.
Không đồng ý hạ tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên Trình bày báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật của UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định hiện hành về tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên. Việc sửa tiêu chuẩn này theo hướng giảm thời gian đã qua thực tế chuyên môn trong lĩnh vực đào tạo từ năm năm xuống còn ba năm. Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng do yêu cầu đặc biệt về chuyên môn của giám định viên tư pháp, ngoài các điều kiện về trình độ đào tạo thì thời gian công tác thực tế đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp có ý nghĩa rất quan trọng. Cho rằng quy định trên đã phát huy tác dụng trong thực tiễn, UBTVQH đề nghị cho giữ quy định như hiện hành để bảo đảm chất lượng đội ngũ giám định viên tư pháp. |