Bồi thẩm đoàn Paris đã quyết định đưa ra lệnh truy tìm và bắt giữ cựu Chủ tịch LĐBĐ châu Á (AFC) ông Mohammad Bin Hammam. Vị cựu đứng đầu bóng đá châu Á này có liên quan đến việc môi giới, nhận hối lộ và hối lộ nhiều quan chức cao cấp của Ban chấp hành LĐBĐ thế giới (FIFA) qua các nhiệm kỳ của Chủ tịch Sepp Blatter.
Ông Mohammad Bin Hammam là một doanh nhân người Qatar. Sau quá trình điều tra kéo dài, ông Mohammad Bin Hammam cùng nhiều quan chức cấp cao của FIFA dính vào cáo buộc nhận tiền nhằm giúp Qatar đánh bại ứng cử viên Mỹ trong cuộc đua giành quyền đăng cai World Cup 2022.
Qatar được trao quyền đăng cai World Cup 2022 là ở nhiệm kỳ cuối của Chủ tịch FIFA Sepp Blatter. Ông Mohammad Bin Hammam lúc đó là Chủ tịch AFC, kiêm phó Chủ tịch FIFA. Vốn là người Qatar lại có chức vụ cao trong AFC, FIFA nên ông dễ dàng "bôi trơn" và tác động lên các quan chức có thể định đoạt lá phiếu đăng cai World Cup 2022. Số tiền "bôi trơn" để Qatar đăng cai World Cup 2022 là khổng lồ.
Cơ quan điều tra của Pháp sau một thời gian dài điều tra thì sáng 27-9, Bồi thẩm đoàn Paris đã tuyên bố lệnh truy bắt quốc tế với cựu Chủ tịch AFC Mohammad Bin Hammam liên quan đến cáo buộc hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ. Ông Bin Hammam đã bị đình chỉ hoạt động bóng đá từ lâu vì liên quan đến những cáo buộc trên.
Tuy nhiên, quá trình điều tra cho thấy, vị cựu lãnh đạo AFC 74 tuổi này “dính” quá sâu và quá lớn vào việc hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ để Qatar giành được quyền đăng cai World Cup 2022. Ngoài ra ông còn biển thủ số tiền không hề nhỏ mà phía Qatar chuyển giao dùng làm “bôi trơn” cho các cử tri là các cựu Ủy viên Ban chấp hành FIFA để mua những lá phiếu ủng hộ Qatar làm chủ nhà World Cup.
Vụ án “FIFAgate” như một phát pháo đánh vào đế chế FIFA vốn được xem là bất khả xâm phạm của ông Sepp Blatter. Ở đó các quan chức cao cấp, các Ủy viên Ban chấp hành FIFA ăn hối lộ rất khủng, mua bản quyền giá rẻ, bán lại giá cao qua các công ty sân sau. Ở Đông Nam Á, cựu Chủ tịch LĐBĐ Thái Lan Worawi Makudi cũng dính vào vụ bê bối này.