Những người ở quê tôi có thói quen đi xem bói đầu năm. Năm rồi tôi có đi xem, thấy thầy bói nói chẳng đúng đâu vô đâu giống như dạng mê tín dị đoan. Đã vậy thầy bói còn bày vẽ cúng này cúng kia để lấy tiền nhiều người với chi phí rất cao. Tôi không biết những người tổ chức xem bói như vậy có vi phạm không pháp luật không, nếu có thì chế tàu cụ thể như thế nào?
Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Long An
Luật sư Lê Văn Hoan, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời: Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo thì tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.
Hoạt động tín ngưỡng là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.
Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người; bảo đảm để các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
Nhà nước tôn trọng, bảo vệ giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo, truyền thống thờ cúng tổ tiên, tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng đáp ứng nhu cầu tinh thần của Nhân dân.
Tuy nhiên, việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi (bày vẽ cúng kiếng đủ kiểu để lấy tiền) là một trong các hành vi bị nghiêm cấm.
Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 15 Nghị định 158/2013 (xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch, văn hóa, thể thao…), Nghị định 28/2017 sửa đổi, bổ sung Nghị định 158/2013, quy định: “Hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi” có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.
Đồng thời, người xem bói trục lợi còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp do thực hiện hành vi này mà có.