Cục quản lý thị trường (QLTT) TP.HCM cho biết ngày 10-4, Đội QLTT số 18 phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế - Công an huyện Hóc Môn; Công an xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn kiểm tra cơ sở sản xuất thuốc nuôi trồng thủy sản tại địa chỉ 62/5B; điểm chứa thành phẩm, phương tiện, nguyên liệu dùng trong sản xuất cạnh nhà 62/5B cùng thuộc ấp Xuân Thới Đông 1, xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn do ông NTĐ làm chủ.
Ông NTĐ hoạt động sản xuất, gia công thuốc nuôi trồng thủy sản nhưng không có giấy chứng nhận kinh doanh. Tại thời điểm kiểm tra, ông Đ. thừa nhận toàn bộ phương tiện, nguyên liệu sản xuất được mua trôi nổi trên thị trường không có hóa đơn chứng từ. Đồng thời ông Đ. không xuất trình được hợp đồng sản xuất, gia công liên quan đến việc sản xuất hàng hóa nhãn hiệu Yucca Zeo của Công ty TNHH SX & TM Thủy sản NL.
Theo đó, Đội QLTT số 18 tạm giữ tang vật gồm bột xử lý nước, thuốc đề kháng cho tôm, thuốc điều trị động vật, bột xử lý môi trường, chất xử lý nước, nguyên liệu bột xử lý nước, nguyên liệu bột xử lý nước nuôi tôm...
Cụ thể: 32 bao nguyên liệu thực phẩm hiệu Dextrose Monohydrate loại 25 kg/bao, có ghi ngày sản xuất 19-1-20202, hạn sử dụng 18-1-2022, xuất xứ Trung Quốc.
Tám thùng nguyên liệu bột xử lý nước nuôi tôm hiệu Oxyteracyline Hydrochloride, trên nhãn ghi toàn chữ nước ngoài, thể hiên tên Công ty Dafeng Huashu Pharmaceutical Co.,Ltd...
Hai thùng thuốc kích thích tăng trọng cho tôm, hiệu Pervisor, loại 200 g/gói, hạn sử dụng 3-10-2021, phân phối Công ty TNHH SX TM Brics, địa chỉ 331/70/11 Phan Huy Ích, quận Gò Vấp. Một thùng bột xử lý nước không nhãn hàng hóa, không thể hiện nguồn gốc, xuất xứ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng.
13 bao nguyên liệu hạt xử lý nước loại 50 kg/bao và hai bao nguyên liệu hạt xử lý nước loại 25 kg/bao, không nhãn hàng hóa, không thể hiện nguồn gốc, xuất xứ, không ngày sản xuất, không hạn sử dụng.
38 thùng carton chứa các chai dung dịch lỏng không nhãn hàng hóa, không thể hiện nguồn gốc, xuất xứ. Hai thùng carton chứa vỏ bao bì, tem, nhãn các loại.
Phương tiện dụng cụ sản xuất gồm một cái cân Nhơn Hòa, một cái máy may miệng bao Hikari, Gk9-2 và một cái máy đóng ngày sản xuất, hạn sử dụng…
Ngày 9-4, Đội QLTT số 9 phát hiện Công ty Song Thiên sản xuất khẩu trang có dấu hiệu giả mạo tên, địa chỉ của thương nhân khác. Ảnh: Linh Sơn
Cùng ngày Đội QLTT số 9, phối hợp với lực lượng chức năng kiểm tra Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Song Thiên tại địa chỉ số 254/17K Dương Đình Hội, phường Tăng Nhơn Phú B, quận 9.
Tại thời điểm kiểm tra, Công ty Song Thiên đang hoạt động sản xuất khẩu trang bốn lớp. Trên sản phẩm có thông tin nhà sản xuất là Công ty Song Thiên, địa chỉ 67/18 Trần Văn Kỷ, quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra phát hiện hơn 11.200 cái khẩu trang thành phẩm loại 50 cái/ hộp. Trên hộp có nhãn ghi khẩu trang kháng khuẩn bốn lớp, nhà sản xuất là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Song Thiên, địa chỉ 67/18 Trần Văn Kỷ, quận Bình Thạnh, TP. HCM. 2.000 cái khẩu trang chưa may quai, chưa đóng hộp cùng 1.600 vỏ hộp khẩu trang và 180 vỏ thùng carton.
Nguyên liệu sản xuất có 500 kg vải không dệt các loại, 11 kg vải không dệt đang sử dụng dở dang.
Về máy móc sản xuất, có một máy ép khẩu trang, một máy đính quai khẩu trang, một máy ép nhiệt logo và hai máy may đường viền khẩu trang.
Đội QLTT số 9 đã lập biên bản đối với Công ty Song Thiên có dấu hiệu sản xuất khẩu trang có bao bì giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác. Và tạm giữ toàn bộ tang vật trên để tiếp tục xử lý theo quy định.
Theo Cục QLTT TP.HCM từ ngày 31-1 đến 8-4, các Đội QLTT đã kiểm tra 102 vụ vi phạm, tạm giữ hơn 3,1 triệu cái khẩu trang các loại, 300 cuộn sợi carton, tám cuộn vải không dệt, 3,3 kg dây viền và dây quai đeo khẩu trang. Hơn 2.300 cái vỏ hộp khẩu trang cùng gần 7.000 đơn vị sản phẩm nước rửa tay, gel rửa tay các loại. Cục QLTT TP.HCM đã xử lý 87 vụ, phạt hành chính với tổng số tiền hơn 1,1 tỉ đồng, tịch thu hơn 311.000 cái khẩu trang… Đồng thời tiêu hủy hơn 84.000 cái khẩu trang, 3.100 chai nước rửa tay, 150 kg gel rửa tay khô và hoàn trả 102.400 cái khẩu trang. |