Ngày 6-3, BS Nguyễn Huy Phương, Khoa Chấn chương chỉnh hình, BV Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết phẫu thuật thành công một ca bệnh rất hiếm gặp tại Việt Nam – bệnh hoại tử vô mạch lồi cầu đùi.
Bệnh nhân là Nguyễn Văn Đ, 54 tuổi, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, nhập viện trong tình trạng đau chân phải gần 3 tháng, đi lại khó khăn. Ông Đ. có triệu chứng đau khớp gối phải từ trước Tết. Gần ba tháng chịu đựng đau đớn, khó đi lại, ông mới đi khám và phát hiện ra bệnh lý. Cách đây bốn năm, ông Đ cũng được mổ thay khớp háng do bị hoại tử xương khớp háng.
PGS.TS Trần Trung Dũng - Phó Giám đốc BV Xanh Pôn cho biết, trường hợp bệnh nhân Đ là ca mổ đầu tiên tại BV Xanh Pôn mà người bệnh vừa hoại tử chỏm xương đùi, khớp gối, lại từng thay khớp háng trước đó.
BS Phương, người trực tiếp mổ cho bệnh nhân cho biết: Sau khi thăm khám, chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ thấy có một ổ tiêu xương rất lớn nằm ở vùng lồi cầu đùi trong ở xương đùi phải. Bệnh nhân được chẩn đoán bị hoại tử vô mạch lồi cầu đùi ở khớp gối phải. Hoại tử vô mạch lồi cầu đùi là tình trạng tiêu xương dưới sụn, có thể dẫn đến thoái hoá nặng khớp gối, tàn phế nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Trường hợp bệnh nhân Đ khi phát hiện đã ở giai đoạn cuối của hoại tử xương khớp gối, buộc phải phẫu thuật để thay khớp gối nhân tạo.
Trong lúc phẫu thuật, các bác sĩ thấy phần lồi cầu đùi trong xương đùi của bệnh nhân bị khuyết xương rộng, khoảng 3 đến 5cm nên đã trám một lớp xi măng xương và tiến hành thay khớp gối nhân tạo cho bệnh nhân.
Sau 8 ngày, bệnh nhân đã hồi phục rất tốt, đầu gối có thể gập 45 độ, đã đi lại được và xuất viện trong ngày 6-3. Sau khi xuất viện, bệnh nhân sẽ phải tập vật lý trị liệu từ 1-2 tháng mới có thể đi lại bình thường.
Bác sĩ BV Xanh Pôn đang thăm khám cho bệnh nhân đã được phẫu thuật
Theo PGS.TS Trần Trung Dũng, triệu chứng đau đặc trưng của bệnh lý này là đau khớp gối, đau tăng khi vận động cơ học như đi lại, lên xuống cầu thang và đau kể cả khi bệnh nhân nghỉ ngơi. Cơ chế bệnh lý của hoại tử khớp gối là do tổn thương mạch máu cung cấp nuôi xương hay còn gọi là nhồi máu xương, xương bị tắc mạch và hoại tử. Khi bị phù xương và tăng áp lực lên tế bào xương làm người bệnh đau đớn, không đi lại được, cần phải khoan giảm áp, để dịch xung quanh tế bào và các tổ chức hoại tử thoát ra, làm giảm áp lực cho tế bào chưa chết.
Nguyên nhân của bệnh lý này chủ yếu là do cơ chế thiếu máu nuôi cầu đùi trong; do mật độ chất khoáng của người bệnh (bệnh nhân càng cao tuổi thì tỷ lệ bệnh lý càng cao).
Theo PGS. TS Trần Trung Dũng, ở Việt Nam hiện nay chưa có tổng kết về bệnh lý này. Tuy nhiên với vài trường hợp mà bác sĩ từng tiến hành phẫu thuật thì bệnh lý này hay gặp ở nam giới ở độ tuổi trung niên.