Lễ trao giải cuộc thi ảnh đẹp “Vì môi trường xanh 2013”

Phía sau những bức ảnh lay động về môi trường

Các bức ảnh lọt vào vòng chung kết thể hiện những góc nhìn riêng, có sức lay động, cùng mang đến cho người xem thông điệp “Hãy cùng nhau bảo vệ môi trường”.

“Chắc chắn mình sẽ đến tham dự buổi trao giải cuộc thi ảnh “Vì môi trường xanh 2013” do báo Pháp Luật TP.HCMphối hợp cùng Công ty Ajinomoto Việt Nam tổ chức. Mình đến không phải chỉ để nhận giải mà còn để gặp gỡ, giao lưu với những anh chị em có cùng niềm đam mê. Qua đó, chia sẻ những kinh nghiệm về nhiếp ảnh để cùng nhau sáng tác, gửi gắm những thông điệp bảo vệ môi trường đến mọi người” - anh Ngô Công Hoàng (43 tuổi, ngụ Bình Dương), tác giả có ảnh lọt vào vòng chung kết cuộc thi, tỏ ra hào hứng khi nhận lời mời của chúng tôi. Đấy cũng là tâm trạng chung của các tác giả có ảnh lọt vào vòng chung kết cuộc thi.

Cùng xúc động về… rác

Vốn là kỹ sư ngành điện với thu nhập ổn định nhưng niềm đam mê nhiếp ảnh đã kéo anh Hoàng qua một lĩnh vực khác, có phần khó khăn hơn. “Trước đây mình làm cho một công ty nhà nước, công việc khá ổn. Do mê chụp ảnh quá nên mình bỏ nghề điện, chuyển sang nghề chụp ảnh cưới - anh Hoàng chia sẻ, giọng đầy cảm xúc khi nói về đam mê của mình. Anh bộc bạch thêm: “Mình làm nghề chụp ảnh cưới đã được bảy năm rồi nhưng chơi ảnh nghệ thuật thì mới được chừng hai năm. Hôm nhận được tin có ảnh lọt vào vòng chung kết cuộc thi do báo Pháp Luật TP.HCMtổ chức mình rất vui. Vui vì tác phẩm của mình đã chuyển tải được thông điệp về công tác bảo vệ môi trường. Mình nghĩ đây là thông điệp rất lớn lao và đầy ý nghĩa mà cả xã hội đang rất quan tâm”.

Phía sau những bức ảnh lay động về môi trường ảnh 1
 
Tác phẩm đoạt giải nhất: Nhặt rác vì tình yêu Hà Nội của tác giả Dương Văn Hải.

Nói về những bức ảnh gửi dự thi, anh Hoàng nhớ lại: “Mình có ba bức ảnh lọt vào vòng chung kết. Trong đó, mình thích nhất là tác phẩm Thầm lặng. Đó là bức mình chụp cảnh những phụ nữ ở TP Đà Lạt thầm lặng quét rác trong cơn mưa giá lạnh. Mình hy vọng bức ảnh này sẽ làm cho người xem cảm động về công việc của những người lao công quét rác. Qua đó, những hành động xấu khi xả rác nơi công cộng sẽ giảm dần”. Hỏi về mong muốn đoạt giải thưởng nào từ bức ảnh trên, anh Hoàng cười xòa: “Ai dự thi mà chẳng muốn ảnh của mình đoạt giải cao nhất. Nhưng nếu không đoạt giải nhất thì mình cũng không buồn vì mong muốn trong tận đáy lòng khi mình tham dự cuộc thi này là muốn thông qua niềm đam mê riêng đóng góp một chút công sức để kêu gọi mọi người chung tay cùng nhau bảo vệ môi trường”.

Cùng chủ đề về rác, tác giả Dương Văn Hải (SN 1983, ngụ Hà Nội) cũng nhớ như in về “hoàn cảnh ra đời” của bức ảnh được lọt vào vòng chung kết cuộc thi: “Bức ảnh đó tôi chụp vào một buổi sáng Chủ nhật, tháng 10-2013 tại khu vực bờ hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội. Hôm đó Hà Nội trời mưa. Trong bức ảnh có hai nhân vật. Thứ nhất là người mặc áo mưa đỏ. Đó là ông Ninomiya Tohru, quốc tịch Nhật. Ông Ninomiya Tohru là giám đốc một công ty có vốn đầu tư của Nhật có trụ sở đặt tại quận Long Biên, Hà Nội. Người thứ hai mặc áo mưa màu cam là một cô gái trẻ người Việt Nam. Họ cùng nhau nhặt rác để làm cho cảnh quang bờ hồ thêm sạch đẹp”.

Phía sau những bức ảnh lay động về môi trường ảnh 2
 
Tác phẩm đoạt giải nhì: Kênh Tàu Hủ - Bến Nghé ngày nay của tác giả Phạm Tuấn Kiệt.

Dừng một lúc, anh Hải kể tiếp: “Mình rất ấn tượng với ông Ninomiya. Cứ Chủ nhật hằng tuần, bất kể mùa đông hay mùa hè, bất kể trời mưa hay nắng, ông Ninomiya đều dậy rất sớm và ra hồ Hoàn Kiếm nhặt rác cùng mọi người. Có những chỗ như gốc cây, gầm ghế đá nhân viên vệ sinh môi trường không quét được rác, ông Ninomiya và mọi người đã tới và làm sạch. Do đó, mình phải tìm góc chụp làm sao thể hiện được sự cần mẫn và rất nghiêm túc trong quá trình nhặt rác của người đàn ông đã ngoài 60 tuổi mang quốc tịch Nhật này”.

Lấy tích cực “soi” tiêu cực

Dù bản thân bức ảnh đã thể hiện được thông điệp về bảo vệ môi trường nhưng anh Hải vẫn muốn chia sẻ thêm suy nghĩ của mình với mọi người, nhất là những ai đang sinh sống tại Hà Nội: “Ông Ninomiya Tohru là người Nhật, vậy mà ông vẫn cần mẫn nhặt rác nhiều năm liền. Thế tại sao chúng ta - những người đang sinh sống ở thủ đô lại đi xả rác ra môi trường”.

Không hẹn mà gặp, cùng chung suy nghĩ về cách tiếp cận và chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường qua những hình ảnh tích cực, anh Phạm Tuấn Kiệt (ngụ TP.HCM) nói: “Có hai cách kêu gọi bảo vệ về môi trường. Một là dùng hình ảnh tiêu cực để phê phán. Hai là chọn cách tích cực để khơi gợi. Cá nhân tôi thích chọn cách dùng hình ảnh tích cực hơn vì cái tiêu cực bây giờ nhiều quá”.

Phía sau những bức ảnh lay động về môi trường ảnh 3
 
Tác phẩm đoạt giải ba: Biến đổi khí hậu của tác giả Lê Hữu Dũng.

Sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, chứng kiến bao cảnh đổi thay của TP, nhất là sự thay đổi của dòng kênh nên anh Kiệt đã quyết định dùng những bức ảnh về sự “xanh hóa những dòng kênh đen” để gửi dự thi. Trong đó, bức ảnh nhìn từ trên cao về dòng kênh Tàu Hủ - Bến Nghé đang chuyển mình đẹp đẽ đã được lọt vào vòng chung kết cuộc thi. Nói về tác phẩm này, anh Kiệt hứng thú: “Mình rất thích chụp các cảnh đẹp ở TP.HCM từ trên cao. Ở góc nhìn đó, mình sẽ thấy TP có rất nhiều cảnh đẹp, độc đáo và cũng rất lạ. TP có nhiều quang cảnh đẹp như thế, độc đáo như thế thì chúng ta phải cùng nhau bảo vệ để môi trường ngày càng xanh và sạch hơn”.

Tính đến ngày 20-5, sau khi đăng tải những tác phẩm lọt vào vòng chung kết cuộc thi trên báo Pháp Luật TP.HCM điện tử (PLO), chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực từ bạn đọc. Nhiều bạn đọc tỏ ra rất thích thú về cuộc thi này, nhất là thông điệp chung được gửi gắm qua những góc nhìn của các tác giả gửi ảnh dự thi. “Tấm nào mình cũng thích. Tấm nào cũng xứng đáng được giải. Điều quan trọng nhất là những bức ảnh đó đã lay động được lòng người. Mình nghĩ ai xem những bức ảnh này cũng sẽ yêu môi trường hơn và cũng sẽ có những hành động đẹp để bảo vệ môi trường ngày cành xanh - sạch - đẹp” - một bạn đọc bày tỏ.

TRUNG THANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm