Philippines kiện TQ ra tòa án quốc tế: Philippines kêu gọi các nước ủng hộ

Ngày 23-1, tại cuộc họp báo ở Manila (Philippines), Trợ lý Ngoại trưởng Philippines Gilberto Asuque đã giải thích thêm về sự kiện Philippines kiện Trung Quốc (TQ) ra tòa án trọng tài thành lập theo Điều 287 và phụ lục VII của Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS).

Ông lưu ý vụ kiện không nhằm mục đích phân xử chủ quyền hay phân định ranh giới biển mà chỉ đề nghị tòa án trọng tài căn cứ theo UNCLOS đặt định nghĩa vụ của TQ, đồng thời buộc TQ phải tôn trọng các đặc quyền thăm dò và khai thác tài nguyên của Philippines ở vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Philippines.

Ông giải thích theo UNCLOS, bước tiếp theo của vụ kiện như sau:

● Thành lập hội đồng trọng tài gồm năm người. Theo phụ lục VII, TQ và Philippines mỗi nước sẽ chỉ định một trọng tài; ba trọng tài còn lại sẽ do hai nước cùng thỏa thuận đề cử. Trong đơn kiện, Philippines đã chỉ định chuyên gia luật quốc tế người Đức Rudiger Wolfrum, thẩm phán Tòa án quốc tế về Luật Biển (ITLOS), tham gia hội đồng trọng tài.

Hai bên có 60 ngày (kể từ ngày nhận được thông báo đơn kiện) để thành lập hội đồng trọng tài. Điều 3 (phụ lục VII) quy định trong 60 ngày hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận đề cử một hay nhiều trọng tài, chánh án ITLOS sẽ đề cử các trọng tài còn thiếu từ danh sách trọng tài do tổng thư ký LHQ quản lý.

Philippines kiện TQ ra tòa án quốc tế: Philippines kêu gọi các nước ủng hộ ảnh 1

Trung Quốc gọi bãi cạn Scarborough là Hoàng Nham đảo. Đá nổi lớn nhất của bãi cạn cách Philippines 219,89 km và cách Trung Quốc 857,45 km. Ảnh: southseaconversations.wordpress.com

Trợ lý Gilberto Asuque khẳng định nếu TQ từ chối tham gia vụ kiện, Philippines vẫn sẽ theo đuổi quy trình tố tụng theo phụ lục VII.

Ông cho biết chính phủ đã chỉ thị cho các cơ quan ngoại giao Philippines trên thế giới gửi công hàm về nội dung vụ kiện cho các nước và các tổ chức quốc tế. Công hàm đề nghị các nước ủng hộ nỗ lực của Philippines trong việc tìm kiếm giải pháp hòa bình và lâu dài cho tranh chấp ở biển Đông.

Trả lời Đài Phát thanh Úc ngày 23-1, GS Carl Thayer ở Học viện Quốc phòng Úc (ĐH New South Wale) cho biết:

Trước tiên, tòa cần xác minh tuyên bố chủ quyền của TQ có vi phạm luật pháp quốc tế hoặc có nền tảng vững chắc hay không.

Tiếp theo, tòa xác định tòa có thẩm quyền tài phán đối với vấn đề nêu trong vụ kiện hay không.

Sau đó, tòa thành lập các thủ tục tố tụng riêng, tổ chức điều trần và đưa ra phán quyết. Phán quyết mang tính ràng buộc nhưng sẽ không có cơ chế thực thi.

GS Carl Thayer nhận định dù không có cơ chế thực thi nhưng nếu tòa phán quyết đường chín đoạn phi pháp, TQ sẽ phải chịu nhiều sức ép từ cộng đồng quốc tế và cộng đồng pháp lý quốc tế.

Báo Bưu điện Hoa Nam (Hong Kong) ngày 23-1 ghi nhận sự kiện Philippines có thể kiện TQ mà không cần TQ đồng ý đã thể hiện một đặc điểm riêng biệt của UNCLOS so với các công ước khác của LHQ.

Không giống như Tòa án Công lý quốc tế, tòa án trọng tài được lập theo phụ lục VII của UNCLOS có thể không phân xử về chủ quyền nhưng cũng có thể phân xử nhiều vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở biển.

TQ ký UNCLOS năm 1994 và yêu cầu miễn tham gia các tranh chấp trong một số lĩnh vực nhất định, trong đó có hoạt động quân sự và vùng nước lịch sử. Tuy nhiên, Philippines vẫn có thể đơn phương kiện TQ về đánh bắt trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế của Philippines ở bãi cạn Scarborough.

LÊ LINH - DUY KHANG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm