Philippines xác minh bản đồ Trung Quốc

Ngày 13-1 tại Philippines, người phát ngôn tổng thống thông báo Bộ Ngoại giao đã chỉ thị cho Đại sứ quán Philippines ở Bắc Kinh xác minh tin nói nhà xuất bản bản đồ quốc gia Trung Quốc xuất bản bản đồ mới gồm hơn 130 đảo lớn nhỏ ở biển Đông.

Theo báo Inquirer, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết tạm thời chưa bình luận gì về thông tin liên quan đến bản đồ mới của Trung Quốc.

Cùng ngày, theo thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Philippines, tàu phá ngư lôi USS Guardian của Mỹ đã ghé vịnh Subic để tiếp tế nhiên liệu và thực phẩm. Dự kiến ngày 14-1, tàu USS Guardian của Mỹ sẽ đến TP Puerto Princesa. Tàu thuộc hạm đội 7 của Mỹ, được triển khai thường trực tại căn cứ Mỹ ở Sasebo (Nhật).

Liên quan đến 10 tàu tuần duyên Nhật sẽ cấp cho Philippines năm 2014, cơ quan tuần duyên Philippines dự kiến sẽ tuyển 300 người. Những người được tuyển sẽ trải qua một năm huấn luyện trước khi làm việc trên tàu.

Trong khi đó ngày 12-1 (giờ địa phương), trả lời báo Wall Street Journal (Mỹ), tướng Shigeru Iwasaki, tham mưu trưởng liên quân lực lượng phòng vệ Nhật, cho biết Nhật cần củng cố năng lực quốc phòng ở phía tây nam, đặc biệt là khu vực quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Philippines xác minh bản đồ Trung Quốc ảnh 1

Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida (phải) gặp Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Brunei Mohamed Bolkiah hôm 12-1. Ảnh: INFOFOTO

Ông ghi nhận hải quân và không quân Trung Quốc đang chuyển dịch hoạt động đến sát hải phận và không phận gần các đảo tây nam Nhật.

Ông nhận xét khả năng quốc phòng của Nhật vẫn chưa hoàn hảo vì ngày 13-12-2012, một máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nhưng radar mặt đất của Nhật không phát hiện.

Báo Wall Street Journal hỏi báo chí Nhật đưa tin máy bay chiến đấu Nhật được phép bắn cảnh cáo máy bay Trung Quốc xâm phạm không phận Nhật và điều này có đúng hay không. Tướng Shigeru Iwasaki trả lời không quân Nhật sẽ tuân thủ quy trình của Tổ chức Hàng không dân sự Quốc tế (ICAO) để phản ứng thích hợp.

Ông nhấn mạnh Nhật sẽ dựa vào tàu tuần duyên để tuần tra ở các vùng biển nhạy cảm chứ không triển khai tàu hải quân để tránh nguy cơ leo thang xung đột. Ông cho rằng Trung Quốc và Nhật nên thiết lập cơ chế liên lạc hàng hải và quy trình thông tin liên lạc với nhau nếu xảy ra sự cố khẩn cấp.

Ngày 12-1 tại Brunei, Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida đã hội đàm với người đồng cấp Brunei Mohamed Bolkiah. Hai bên đã thảo luận về hoạt động gia tăng của tàu Trung Quốc ở biển Đông, biển Hoa Đông và nhất trí cần giải quyết tranh chấp theo đường lối hòa bình.

Theo Đài truyền hình NHK (Nhật), Ngoại trưởng Brunei nói đối phó với chủ nghĩa bành trướng Trung Quốc là vấn đề chung của Nhật và ASEAN và Brunei sẽ phát huy vai trò trong vấn đề này khi giữ chức chủ tịch ASEAN.

Ngày 13-1, trong chuyến thăm Úc, Ngoại trưởng Fumio Kishida và người đồng cấp Úc Bob Carr nhất trí tăng cường hợp tác an ninh. Báo Mainichi (Nhật) cho biết hai bên cũng đã trao đổi về tình hình an ninh châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng và vấn đề biển Đông.

THẠCH ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm