Tháng 8 này, 1920 London (tựa Việt: Khai trừ quỷ dữ) trở thành phim kinh dị của Ấn Độ đầu tiên được công chiếu tại các rạp của Việt Nam.
“Dở kinh điển” nhưng lượng người xem cao ngất
Thời gian gần đây, sự xuất hiện dày đặc của các bộ phim truyền hình Ấn Độ trên các kênh truyền hình Việt Nam như tạo thành một “hiện tượng”. Tính đến thời điểm hiện tại, trên VTV3 vừa phát sóng bộ phim truyền hình dài 70 tập Không thể lìa xa; VTV9 từng “đổi món” phát sóng phim Mãi mãi bên nhau (75 tập), đang phát Tình yêu và định mệnh (1.300 tập) và Hẹn tái hôn (250 tập).
Các kênh truyền hình địa phương như THVL1 (Truyền hình Vĩnh Long) đang phát sóng Âm mưu và tình yêu (717 tập); các kênh: TodayTV, Echanel và nhiều kênh khác của truyền hình cáp VTV, SCTV, K+, MyTV, HTVC, AVG cũng phát sóng rất nhiều bộ phim Ấn Độ.
Có vẻ cái thời của phim Hàn đã qua để nhường chỗ cho một “cơn sốt” mới mang tên “phim Ấn”. Nhiều người cho rằng bây giờ cứ hễ bật truyền hình nào lên cũng có thể xem được phim Ấn Độ.
Trái với “rating” dòng phim này luôn đi lên theo hình mũi tên, nhiều người đúc kết ra đến sáu cái dở của phim truyền hình Ấn Độ: cốt truyện phát triển quá rề rà, thường xuyên lặp cảnh “soi” cận mặt nhân vật trong một tập phim, cảnh khóc lóc nhiều như cơm bữa, phim quá dài, môtíp phim na ná nhau và đặc biệt tình tiết rất thiếu cao trào. Chính những cái dở này khiến cho người xem, nhất là người xem Việt Nam đôi khi rất khó chịu nhưng lại vẫn muốn xem.
Theo giới làm phim trong nước, sở dĩ phim Ấn Độ “hút” khán giả Việt là bởi so với mạch phim khá quen thuộc của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan hay Philippines..., phim Ấn Độ mang đến cái nhìn mới mẻ hơn, giống như một món ăn lạ trên bàn ăn vốn dĩ có quá nhiều món quen thuộc.
Cốt truyện phim có chiều sâu, kịch bản được đầu tư tốt và bài bản, diễn xuất của các diễn viên cũng được chăm chút kỹ lưỡng, cách khai thác về góc nhìn văn hóa đầy sắc màu cũng để lại cho khán giả nhiều trải nghiệm thú vị... Chính những điều này đã giúp phim Ấn Độ dễ thu hút được sự quan tâm và đón xem của khán giả. Đó là chưa kể dàn diễn viên phim đẹp lộng lẫy như truyện “ngôn tình”, hầu hết nội dung phim đều gần gũi với cuộc sống của người Việt, đặc biệt là những màn nước mắt đi kèm với những màn nhảy múa rất vui nhộn.
Hai diễn viên chính của bộ phim kinh dị 1920 London là Meera Chopra (trái)và Sharman Joshi bị đánh giá diễn xuất nhợt nhạt. Ảnh: KOIMOI
Phim ma gây… ngủ gục
Được khởi chiếu tại Ấn Độ vào ngày 6-5 vừa qua, 1920 London là bộ phim thứ ba trong loạt phim kinh dị “1920” của đạo diễn Vikram Bhatt. Tập đầu tiên của loạt phim được công chiếu vào năm 2008. Tờ The Economic Times nhận xét bộ phim có một cốt truyện phức tạp, một câu chuyện kiểu “hận tình” được thực hiện dưới màu sắc kinh dị.
Bộ phim thứ ba của loạt phim ngay sau khi được công chiếu tại Ấn Độ đã vấp phải vô số chỉ trích từ gần như mọi tờ báo lớn của Ấn Độ. The Times of India chỉ chấm bộ phim được 2/5 sao. Tờ The National của Ấn Độ nhận định thay vì la hét đến khiếp vía, khán giả xem phim chắc chỉ biết thở dài ngao ngán vì chán nản. Những tình tiết trong bộ phim bị đánh giá là thiếu sáng tạo. Tờ The Economic Times thì cho rằng chỉ có những ai yếu tim đến mức không tưởng mới hét lên khi xem bộ phim này.
Đến lượt khán giả Việt cũng chỉ ra vanh vách những điểm vô lý trong bộ phim. Chẳng hạn như gia đình của nhân vật nữ chính - Shivangi ngăn cấm tình yêu người thầy pháp Jai là vì anh thuộc đẳng cấp thấp chứ chẳng phải vì anh là một tín đồ của “phép thuật đen”. Tình tiết sợi dây chuyền bí ẩn bị ma ám cũng bị đánh giá là “xưa như diễm”. Bộ phim dựa trên gần như mọi tình tiết kinh dị mà các bộ phim khác đã sử dụng “nát” hết từ lâu, như tiếng kẽo kẹt của cửa, cảnh quay căn nhà chìm trong bóng tối, bàn ghế tự di chuyển, người thầy pháp bị nhấc bổng lên không trung hay người chồng ăn thịt sống để chứng tỏ mình bị ám,…
Lời thoại bộ phim cũng bị đánh giá là thiếu đầu tư. Tờ The Economic Times cho rằng người viết thoại đã chọn một phong cách và câu từ quá lỗi thời khiến người xem không cảm được bộ phim. Phần kỹ xảo hậu kỳ cũng không được xử lý chỉn chu và có thể nhận ra rất nhiều điểm sơ sài. Trong khi đó, phần nhạc nền lại phá vỡ không khí nghiêm trọng của một bộ phim kinh dị và không thể đẩy được các tình tiết lên cao trào, tờ The Economic Times nhận định. Dàn diễn viên thì chỉ đóng tròn vai chứ không quá xuất sắc. Vishal Karwal bị gò bó trong vai người chồng bị ma ám quá khuôn sáo nên không thể hiện hết được tài năng của mình. Tờ The National cũng đánh giá diễn xuất của Joshi, ngôi sao sáng của Bollywood nổi tiếng với bộ phim Ba chàng ngốc, lại diễn xuất dưới sức và có thể sẽ ảnh hưởng rất xấu đối với sự nghiệp của anh.
Tại sao biết phim ma Ấn Độ 1920 London dở và bị chê te tua ở nước sở tại mà hệ thống rạp Việt vẫn quyết định nhập về chiếu? Câu trả lời vẫn không ngoài sự tò mò dẫn đến tự tin về lượng khán giả đồng nghĩa với doanh thu.
Như vậy, cho đến giờ này, từ phim truyền hình đến phim điện ảnh Ấn đang làm nên nghịch lý mà khối nhà sản xuất phim Việt thèm thuồng: Dở tệ mà nhiều vẫn người thích xem.