Hiện nay khán giả rất khó quen mặt quen tên các diễn viên phim truyền hình Việt Nam nếu họ không phải là những gương mặt đã xuất hiện khoảng 5-7 năm về trước. Vậy nhưng các gương mặt diễn viên phim Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ… lại được khán giả nhận ra ngay.
Mở tivi là thấy phim ngoại
Bây giờ cứ 12 giờ trưa, đi vào các xóm lao động là nghe thấy tiếng của bộ phim Đài Loan Nhân gian huyền ảo, dù đã được phát sóng hơn cả năm rồi vẫn chưa chấm dứt. Buổi chiều thì rất dễ gặp cảnh nhà nhà mở các bộ phim Đài Loan: Tay trong tay, Gia đình sóng gió, Tình đầu khó phai… với 2-3 phần, vài trăm tập chiếu từ năm này sang năm khác, đài này sang đài khác với chừng ấy gương mặt dù có đổi tên. Buổi tối thì truyền hình nhiều gia đình được phủ sóng bởi các bộ phim Ấn Độ: Cô dâu 8 tuổi, Tình yêu định mệnh, Con gái của cha, Vợ tôi là cảnh sát, Cuộc chiến các nàng dâu… Đó là chưa kể các bộ phim Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Hong Kong gây sốt châu Á như: Hậu duệ mặt trời, Khuynh thế hoàng phi, Thâm cung nội chiến, Anh hùng xạ điêu, Hoa thiên cốt, Thiện nữ u hồn… Và chưa kể các phim Thái, Philippines, Singapore... đang tràn ngập tất cả kênh truyền hình.
Đề tài của phim truyền hình nước ngoài trên sóng Việt cũng vô cùng phong phú từ cổ trang đến hiện đại, từ tình cảm đến hành động, khoa học viễn tưởng, phiêu lưu mạo hiểm, ma quái, cổ tích, huyền thoại…
Không chỉ vậy, nhiều kênh truyền hình còn gia tăng sự có mặt phim ngoại tại Việt Nam một cách mạnh mẽ. HTV2, DDramas luôn tìm cách để nhiều bộ phim Hàn đang “hot” được phát sóng tại Việt Nam cùng lúc khi đang phát sóng tại Hàn Quốc. Đại diện Đài Truyền hình cáp SCTV cũng cho biết SCTV đã ký hợp đồng phát sóng độc quyền hơn 700 tập phim TVB mới nhất trên kênh SCTV9 song song với giờ chiếu tại Hong Kong.
Hoa thiên cốt - một trong các bộ phim nhập làm mưa làm gió màn ảnh nhỏ ở Việt Nam gần đây.
Phim Việt thua lỗ
Hiện lượng phim truyền hình Việt được các hãng phim trong nước sản xuất đã giảm 50%-70%. Gần như phim mới chỉ còn xuất hiện trên sóng của các đài truyền hình lớn hoặc mạnh về kinh tế như VTV, HTV, Truyền hình Vĩnh Long. Gần như các kênh, các đài truyền hình khác trong nước đều phát lại phim cũ. Giờ phát phim truyền hình Việt Nam mới trên các đài cũng bị mất dần, rút ngắn dần. Trước đây khung giờ phim Việt trên HTV gồm có 11 giờ, 17 giờ và 20 giờ, bây giờ chỉ còn buổi tối. Trước đây một tuần HTV7 chiếu năm tập phim Việt mới, giờ chỉ còn ba tập. VTV1 cũng chỉ còn một giờ phát phim Việt mới và rút ngắn số ngày phát phim Việt trong tuần xuống. Thay vào đó, các đài mua phim truyền hình nước ngoài về phát sóng.
Nguyên nhân do phim Việt ngày càng khó thu quảng cáo so với các chương trình game show, truyền hình thực tế mang tính giải trí cao hoặc thua cả tiền quảng cáo thu được so với phim truyền hình nước ngoài. Trong khi đó mỗi tập phim Việt hiện nay nhà đài phải mua từ nhà sản xuất với giá 180-200 triệu đồng và chủ yếu đổi bằng quảng cáo. Còn số tiền bỏ ra để mua phim truyền hình nước ngoài chỉ trên dưới 50 triệu đồng/tập nên các nhà đài đã chọn phương án mua phim nước ngoài. Song với số thu đang quá khó khăn từ quảng cáo hiện nay, nhiều nhà sản xuất bảo rằng mình bị lỗ.
Bà Bích Liên, Giám đốc Công ty Sóng Vàng, một hãng sản xuất phim truyền hình mạnh, uy tín với nhiều phim ăn khách, chia sẻ thẳng thắn: “Với phim truyền hình Việt Nam hiện nay, chúng tôi chỉ mong hòa vốn là may. Còn hiện nay chúng tôi đang bị lỗ dù đã giảm lượng phim sản xuất xuống chỉ còn một nửa. Chúng tôi cố cầm cự vì mối quan hệ tốt, tình cảm với các đài lâu nay, vì công ăn việc làm của rất nhiều người, vì đã 10 năm chúng tôi sản xuất phim truyền hình nên đã thành cái nghiệp, không nỡ bỏ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng như nhiều hãng khác sẽ không thể trụ hoài nếu cứ lỗ từ năm này sang năm khác”.
Phim Việt buộc phải cạnh tranh bằng chất lượng
Theo bà Bích Liên, nếu muốn giúp phim Việt có thêm sức mạnh, Nhà nước cần một chính sách bảo hộ phim Việt mạnh mẽ hơn nữa. Riêng chính các đài truyền hình, kênh truyền hình trong nước phải biết san sẻ, biết vì lợi ích chung mà ủng hộ phim Việt, chia sẻ nguồn thu quảng cáo từ các nguồn khác sang đầu tư lại cho phim Việt chứ không để các nhà sản xuất tự bơi. Hiện Đài Truyền hình Vĩnh Long là nơi làm việc điều tiết này tốt nhất. Các hãng phim cho biết đài này đã và đang mua phim của họ bằng tiền tươi với giá 200 triệu đồng/tập chứ không phải chỉ đổi bằng quảng cáo, giúp họ có lời chút ít. Dĩ nhiên để được đài này mua, các hãng phim phải cạnh tranh nhau quyết liệt về chất lượng phim bởi đài có sự lựa chọn với đòi hỏi chất lượng cao.
Về sức cạnh tranh đang bị yếu thế của phim Việt với phim nước ngoài nói chung và các chương trình giải trí khác nói riêng, diễn viên Minh Luân có cách nhìn riêng: “Đã có một thời, cách nay vài năm thôi, cứ phim truyền hình Việt Nam là khán giả háo hức xem. Vậy rồi nhà nhà làm phim, người người làm phim, phim làm ra ẩu đến mức chính mình còn không chấp nhận nổi thì làm sao người khác xem mà chấp nhận. Chất lượng cứ xuống dần như thế, khán giả bỏ phim Việt là phải. Tình hình khó khăn của phim Việt hiện nay có yếu tố tích cực là bắt người làm phim truyền hình chúng tôi phải nghiêm khắc với mình hơn, chuyên nghiệp hơn, làm ra sản phẩm hay hơn, phải lấy lại chất lượng để công chúng tin tưởng lại”.
AVIKA GOR, ngôi sao phim truyền hình Ấn Độ Cô dâu 8 tuổi: Diễn viên phải biết rất nhiều thứ Ở Ấn Độ, một diễn viên không phải chỉ cần biết diễn xuất thôi mà còn phải biết rất nhiều thứ như học về âm thanh, ánh sáng, bối cảnh, âm nhạc và nhảy múa… để làm tốt công việc của mình, tôi đã học tất cả những thứ đó. Tôi còn học cả những khóa về biên kịch, sản xuất phim và tự làm đạo diễn một bộ phim ngắn với bạn bè. Tôi vừa trở về từ Liên hoan phim Cannes để quảng bá cho bộ phim ngắn của mình. |