Ngày 2-6, Cục Điện ảnh, Bộ VH-TT&DL đã tổ chức hội thảo Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành - phổ biến phim tại rạp của Trung tâm (công ty) Phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, TP trực thuộc trung ương khu vực phía Nam.Trước đó, ngày 31-5, một hội thảo tương tự dành cho các tỉnh, thành khu vực phía Bắc cũng đã được tổ chức tại Hà Nội.
Rạp đầu tư nước ngoài hốt bạc tỉ
Trong khoảng ba năm qua, rất nhiều phim Việt đạt con số doanh thu trên dưới 100 tỉ đồng… Theo thống kê của Cục Điện ảnh thì doanh thu từ chiếu phim tăng 20%-30% mỗi năm. Tuy nhiên, hầu hết đều rơi vào các tỉnh, thành lớn như TP.HCM, Hà Nội… với hệ thống rạp chiếu của các nhà đầu tư nước ngoài hoặc các đại gia trong nước: CGV, Lotte, BHD, Galaxy…
Ngược lại, mô hình Trung tâm (công ty) Phát hành phim và chiếu bóng tại 63 tỉnh, thành đang bị động. Theo bà Ngô Phương Lan - Cục trưởng Cục Điện ảnh Việt Nam thì tình hình chung các rạp này là rạp xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu và thiếu nguồn phim.
Rạp Cầu Bông trên đường Đinh Tiên Hoàng, TP.HCM đã chuyển đổi công năng từ lâu thành billard cà phê và hát với nhau. Ảnh chụp chiều 2-6. Ảnh: HTD
Rạp nhà nước “tự chết”
Hiện trên cả nước có 93 rạp chiếu phim do Nhà nước quản lý. Trong đó có 58 rạp với 103 phòng chiếu đang hoạt động; 10 rạp không hoạt động, 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng.
Bên cạnh đó, Nhà nước cũng đang quản lý 18 trung tâm phát hành phim và chiếu bóng nhưng không có rạp chiếu phim. Hầu hết đại diện các tỉnh, thành đều cho biết rạp chiếu phim nhà nước tại địa phương đều ở vị trí đắc địa nên dần dần đều bị Nhà nước thu hồi, chuyển đổi công năng. Trung tâm Điện ảnh Khánh Hòa, Công ty Cổ phần Điện ảnh Cần Thơ, Trung tâm Văn hóa, điện ảnh và du lịch Gia Lai… đều trong tình trạng không còn rạp để chiếu. Các đơn vị này chỉ còn sống lay lắt bằng kinh phí tổ chức các buổi chiếu phim lưu động phục vụ ngày lễ lớn, vùng sâu, vùng xa…
Ngay với các tỉnh, thành có cố gắng quẫy đạp để kiếm nguồn thu từ chiếu phim thì cũng rơi vào cảnh lép vế so với hệ thống rạp của tư nhân, rạp nước ngoài đầu tư vì không dễ thay đổi giá vé theo quy định để hút khách.
Bên cạnh đó, ngoài phần rạp chiếu cũ thì máy móc chiếu phim tại các rạp hầu như không có. Các rạp địa phương hầu hết vẫn sử dụng máy chiếu phim nhựa mà thời phim nhựa đã qua lâu lắm rồi; chỉ có vài rạp có máy chiếu HD hay máy chiếu kỹ thuật số 2K. Như tại 32 tỉnh, thành khu vực phía Nam chỉ có 22 máy chiếu kỹ thuật số 2K, trong đó riêng ba đơn vị của TP.HCM là Công ty Cổ phần Điện ảnh Sài Gòn, Fafilm TP.HCM và Trung tâm Lưu trữ phim TP.HCM (rạp Tân Sơn Nhất) đã chiếm 15 máy.
Nói về tình trạng này, bà Ngô Phương Lan chia sẻ thẳng thắn: “Nhà nước không có kinh phí, chúng tôi chỉ xây dựng cơ chế, chiến lược mà thôi… Còn việc đầu tư trang thiết bị, xây dựng rạp ở địa phương, Cục cũng không có câu trả lời”.
Tư nhân chung tay với Nhà nước Ngay tại hội thảo, rất nhiều đơn vị tư nhân đề nghị cần một sự chung tay giữa các đơn vị tư nhân và Nhà nước. “Chúng ta nên tập hợp các doanh nghiệp tư nhân lại, cùng nhau đưa ra phương án để phim đến được với công chúng. Có phim chiếu được, có công chúng thì các trung tâm chiếu phim địa phương mới sống. Hiệp hội Phát hành phim sẽ lãnh nhận trách nhiệm này” - ông Trần Cảnh Tuệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và phổ biến phim Việt Nam, khẳng định. Để tháo gỡ khó khăn về máy chiếu phim kỹ thuật số cho các tỉnh, ông Nguyễn Anh Quảng, Giám đốc EV Cinema - nhà cung cấp thiết bị cho các rạp chiếu phim tại Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các đơn vị chiếu phim nhà nước về máy chiếu phim theo ba hình thức: Liên kết kinh doanh, cho thuê và bán đứt. Hợp tác sẽ giúp các rạp chiếu được phim định dạng số và tránh tình trạng có rạp mà không thể chiếu phim”. Dưới góc độ nhà sản xuất, chúng tôi không dám đưa phim trình chiếu các rạp nhà nước bởi việc bảo vệ bản quyền phim rất khó. Địa phương không mã hóa được nguồn phim nên phim đưa về địa phương dễ bị “chôm”. Chúng tôi đã bỏ ra kinh phí lớn để đưa phim về tỉnh nhưng rồi phim lại bị mất cắp thì thu chưa thấy đâu chúng tôi lại lỗ. Ông NGUYỄN TRINH HOAN, Giám đốc HK Film |