Quay lén phim ở rạp đem bán: Coi chừng đi tù!

Trên số báo ngày 7-8, chúng tôi đã đề cập đến trường hợp lần đầu tiên đã tóm được người quay lén phim tại rạp CGV Pandora City (quận Tân Phú, TP.HCM) khi bộ phim Max điên: Con đường tử thần (Mad Max: Fury Road) vừa phát hành. Bà Trần Thị Ngọc Sa, Trưởng bộ phận pháp lý CJ CGV Việt Nam, cho biết: “Ngay khi phát hiện khán giả quay lén, chúng tôi đã nhờ Công an phường Tây Thạnh, quận Tân Phú đến lập biên bản. Theo lời khai của khán giả này với công an thì mỗi lần quay một bộ phim anh này sẽ gửi bản quay sang Úc cho bạn và được nhận lại 200 USD/phim (khoảng 4,2 triệu đồng)”.

Mới đây, UBND quận Tân Phú đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với người có hành vi quay lén phim nói trên là 25 triệu đồng, kèm theo đó là buộc tiêu hủy tang vật vi phạm gồm một máy ghi hình và ba thẻ nhớ.

Hành vi quay lén phim rạp đã có chế tài hành chính và cả hình sự. Vấn đề đặt ra là khi nào thì hành vi này bị xử phạt hành chính, khi nào bị xử lý hình sự?

Phim Max điên: Con đường tử thần đã bị quay lén tại rạp CGV Pandora City, quận Tân Phú, TP.HCM ngay khi vừa ra rạp. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)

Chưa có hướng dẫn cụ thể

Luật sư Châu Huy Quang, luật sư điều hành hãng luật R&T LCT Lawyers, cho biết hành vi trên tạo ra bản sao tác phẩm một cách trái phép. Bản sao này được coi là sản phẩm xâm hại quyền tác giả, chủ sở hữu bản quyền tác phẩm (bao gồm tác phẩm điện ảnh). Hiện nay, chế tài xử lý cho hành vi này gồm xử phạt hành chính, dân sự và hình sự. Về hành chính, phạt tiền đến 35 triệu đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả, buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm. Về dân sự, tại Luật Sở hữu trí tuệ (2005), tòa án có quyền áp dụng các biện pháp dân sự bao gồm: Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm; buộc xin lỗi cải chính công khai, buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại; buộc tiêu hủy...

Còn ở lĩnh vực hình sự, tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan là tội xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định tại Điều 170a BLHS. Cụ thể, người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình; phân phối đến công chúng bản sao tác phẩm, bản sao bản ghi âm, bản sao bản ghi hình xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 500 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến hai năm.

Hiểu như thế nào là “quy mô thương mại”, luật sư Nguyễn Thành Công - Đoàn Luật sư TP.HCM nhấn mạnh: Cho đến nay sau khi BLHS 1999 sửa đổi vào năm 2009 chia tách tội danh liên quan đến xâm phạm sở hữu thành Điều 170a.

“Tuy nhiên, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về tội danh và giải thích thuật ngữ xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan “với quy mô thương mại” là thế nào. Với nội dung điều luật thì có thể hiểu việc sao chép trái phép mà nhằm mục đích bán lấy tiền thì đã có thể bị xử lý hình sự theo điều luật này” - luật sư Công nhận định.

Quay lén rồi bán: Hình sự!

Luật sư Châu Huy Quang cho rằng cụm từ “quy mô thương mại” được hiểu từ Điều 61 của Thỏa ước TRIPs (hiệp định liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, Việt Nam là thành viên). Theo đó, cụm từ này được hiểu là các hành vi xâm hại quyền được thực hiện một cách có tổ chức, chủ đích nhằm mục đích sinh lợi, gây ảnh hưởng lớn đến quyền khai thác quyền sở hữu trí tuệ của tác giả, chủ sở hữu tác phẩm hợp pháp.

Đồng tình với các ý kiến trên, Thẩm phán Vũ Phi Long, Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM, cũng cho rằng khái niệm “quy mô thương mại” trong BLHS không được nêu rõ. Nhưng khái niệm này trong BLHS được hiểu tương thích với Điều 61 của TRIPs.

“Với hành vi quay phim lén tại rạp, nếu chỉ quay cóp phim cho bạn bè xem, bản thân lưu trữ làm kỷ niệm hay phục vụ cho cá nhân thì không bị coi là tội phạm mà chỉ là hành vi vi phạm hành chính. Còn khi việc quay lén trên nhằm vào mục đích mua bán nhiều sản phẩm, nhiều lần nhằm thu lợi bất chính nghĩa là đã có quy mô thương mại và sẽ bị xử lý hình sự” - Thẩm phán Vũ Phi Long nhận định.

Việc quay lén Max điên: Con đường tử thần (Mad Max: Fury Road) đã được camera quan sát của rạp ghi lại và người quay lén đã bị công an khu vực mời đến lập biên bản. Đây có thể xem là trường hợp hi hữu các nhà phát hành bắt được tận tay.

Trước đó, vụ việc phim Siêu nhân X trong dịp tết vừa qua bị tung bản quay lén ngay sau ngày đầu tiên ra mắt cũng làm các nhà sản xuất, phát hành phim đau đầu. Ngay sau khi bản phim bị tung lên mạng, Cục An ninh mạng và Cục An ninh chính trị nội bộ đã vào cuộc để xác định thủ phạm. Sau đó cơ quan công an đã tìm được người phát tán phim Siêu nhân X để mở rộng điều tra.

Hầu hết ngay khi phát hiện phim bị tung lên các trang mạng, các nhà phát hành phim đều liên lạc với các trang mạng để kết hợp gỡ bỏ bản phim vi phạm. Tuy nhiên, không phải trang mạng nào cũng có thể gỡ bỏ bởi các trang mạng có máy chủ ở nước ngoài thì hầu như các nhà phát hành Việt Nam bó tay.

QUỲNH TRANG

Quy mô thương mại nên được hiểu là nhiều sản phẩm, mua bán nhiều lần để thu lợi bất chính chứ không nên chỉ xoáy vào định lượng cụ thể. Bởi lẽ trong thời đại công nghệ phát triển, định lượng theo số lượng, thời lượng, bộ nhớ là không thể.

Thẩm phán VŨ PHI LONG, Phó Chánh tòa
Hình sự TAND TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm