Phim truyền hình Việt với căn bệnh “đầu voi đuôi chuột”

(PLO)- Đa số phim truyền hình hiện nay bị đánh giá càng về sau càng “đuối sức”, dài dòng, lan man với nhiều tình tiết vô lý và kết phim gây thất vọng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hơn năm năm trở lại đây, cùng với sự bùng nổ của mạng xã hội, hàng loạt dự án phim truyền hình đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo khán giả Việt.

Càng về cuối càng “đuối sức”

Nhiều dự án được khán giả đón nhận và bàn luận như: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Về nhà đi con, Hoa hồng trên ngực trái, Sinh tử, Hương vị tình thân, Thương ngày nắng về, Cây táo nở hoa… Mở đầu cho sự bứt phá của phim truyền hình trên VTV phải nhắc đến Người phán xử (2017), 47 tập của đạo diễn Khải Anh. Phim thuộc thể loại tâm lý tội phạm, phản ánh bộ mặt cũng như luật của thế giới ngầm với nhân vật chính là ông trùm Phan Quân (cố NSND Hoàng Dũng). Bộ phim đã có những câu nói cũng như tình huống cực kỳ viral trên mạng xã hội vào thời điểm đó. Tuy nhiên, sau loạt tình tiết hấp dẫn thì tập cuối phim khiến khán giả không khỏi thất vọng bởi không tạo được sự bất ngờ.

Hương vị tình thân khiến khán giả không hài lòng bởi tình tiết lê thê, dài dòng. Ảnh: NSX

Hương vị tình thân khiến khán giả không hài lòng bởi tình tiết lê thê, dài dòng. Ảnh: NSX

“Cái kết của Người phán xử quá dở, giống hầu hết các phim Việt chiếu giờ vàng khác. Cứ ban đầu hào hứng, kịch tính bao nhiêu… thì kết lại nhạt nhẽo, lộ liễu và sến sẩm bấy nhiêu, chẳng có nhiều bất ngờ. Có lẽ người ta mải đầu tư chi tiết với thắt mở nút vào hết đoạn đầu và giữa phim rồi nên đến cuối bị đuối. Một cái kết phim mà có quá nhiều người chết một cách không cần thiết. Cái kết lại tròn trịa kiểu đã là thiện phải thắng ác, cứ ác sẽ bị trừng trị. Tròn trịa đến mức chẳng có chút nhân văn và đời thường tí nào” - một khán giả chia sẻ.

Nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan dẫn đến “đầu voi đuôi chuột” nhưng thực trạng này vẫn có thể khắc phục được nếu biên kịch biết dừng đúng lúc. Đồng thời, biên kịch có thể thuyết phục được NSX để giữ nội dung, không cố tình kéo dài tình tiết quá đà để tăng số lượng tập mà giảm chất lượng phim.

Nhà biên kịch
ĐỖ THỊ THANH HƯƠNG

Hay như bộ phim Hương vị tình thân (2021) của đạo diễn Nguyễn Danh Dũng, dự án được Việt hóa từ tác phẩm My only one của Hàn Quốc, dự kiến có 120 tập nhưng kết thúc ở tập 136. Nếu ở phần I Hương vị tình thân liên tục đạt rating khủng với nội dung hấp dẫn, lôi cuốn thì phần II phim lại vấp phải tranh cãi, chỉ trích của khán giả bởi nội dung nhàm chán, dàn trải… Chuyện tình cảm của cặp đôi Phương Nam (Phương Oanh) và Long (Mạnh Trường) dài dòng, gây khó chịu cho người xem. Với Cây táo nở hoa của đạo diễn Võ Thạch Thảo cũng khiến khán giả thất vọng không kém khi kéo dài phim hơn 20 tập so với ban đầu nhưng tình tiết lại ngày càng dài dòng và tập cuối của phim lại kết thúc chóng vánh.

Thương ngày nắng về của đạo diễn Bùi Tiến Huy cũng rơi vào trường hợp tương tự khi sa đà vào việc xây dựng câu chuyện, nhân vật nhằm kéo dài thời lượng. Bước sang phần II, bộ phim chủ yếu xoay quanh mâu thuẫn của gia đình Khánh - cô con gái cả của bà Nga (NSƯT Thanh Quý). Khánh (Lan Phương) liên tục bị đẩy vào bi kịch…

Biết dừng đúng lúc để phim hay hơn

Nói về vấn đề “đầu voi đuôi chuột” của phim truyền hình, nhà biên kịch Đỗ Thị Thanh Hương chỉ ra một số nguyên nhân như biên kịch đưa ra nhiều tình tiết, nhân vật nhưng không đủ sức kiểm soát dẫn đến đuối dần khiến nội dung phim thiếu hợp lý. Nhà sản xuất (NSX) cùng đạo diễn thấy phim thu hút nên yêu cầu biên kịch kéo dài thêm nội dung để tăng số lượng tập dẫn đến lê thê.

Nhà biên kịch Đông Hoa cho rằng ngày nay có nhiều kịch bản viết theo nhóm và nếu nhóm trưởng không đủ sức kiểm soát dễ dẫn đến tình trạng nhân vật không đồng nhất tính cách qua các giai đoạn. Đó là chưa kể một số kịch bản phim khi đến tay bộ phận biên tập các nhà đài thì nhiều tình tiết được sửa đổi, khai thác thêm. Vấn đề là phim truyền hình Việt đều không thể làm số tập ngắn như thế, mà thường ít nhất 30 tập trở lên mới đủ cho biên kịch có thu nhập và NSX có thể lấy lại tiền đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận từ quảng cáo. “Tôi nghĩ NSX nên tính thù lao theo chất lượng kịch bản mà không phải theo tập. Nghĩa là kịch bản phân loại A, B, C và mỗi loại có mức thù lao khác nhau. Đồng thời, nhà đài cũng nên tính toán lại phương thức hợp tác với NSX phim để NSX có đủ tự tin mang đến khán giả những phim ít tập nhưng cô đọng, hấp dẫn...” - nhà biên kịch Đông Hoa bày tỏ.

Kéo dài phim để thu quảng cáo?

Với vấn đề phim dài dòng, “đuối sức”, nhiều khán giả cho rằng nhà đài kéo dài phim để thu lợi nhuận quảng cáo. Lý do này càng trở nên thuyết phục khi theo tính toán từ báo giá quảng cáo của Trung tâm Quảng cáo và dịch vụ truyền hình của VTV (TVAD), bộ phim Người phán xử từng đạt kỷ lục về giá quảng cáo với 220 triệu đồng cho TVC 30 giây. Với 10 phút quảng cáo trong bộ phim này, nhà đài có thể thu được hơn 4 tỉ đồng. Và 47 tập phim thì lợi nhuận từ quảng cáo vượt xa con số 100 tỉ đồng. Cả một đời ân oán dài 72 tập cũng mang lại cho nhà đài số tiền hơn 150 tỉ đồng.

Hương vị tình thân ngày càng lạm dụng quảng cáo trước, giữa khung giờ phát sóng. Khán giả chỉ ra có tới ba quảng cáo 5 giây, 9 TVC 15 giây, 2 clip 20 giây và 5 clip 30 giây. Thời lượng dành cho quảng cáo gần bằng với thời gian một tập phim.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm