Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang: 'Tỉnh chưa từng hứng chịu thiệt hại lớn như những ngày qua'

(PLO)- Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão số 3, tỉnh Hà Giang ước tính bị thiệt hại khoảng 1.500 tỉ đồng.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, tỉnh Hà Giang bị thiệt hại nặng về người và tài sản, hàng nghìn ngôi nhà bị ngập sâu trong nước. Hiện, địa phương này đang tiếp tục nỗ lực thực hiện công tác khắc phục hậu quả mưa lũ, giúp người dân sớm ổn định cuộc sống.

Chia sẻ với PLO, ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, cho biết tỉnh chưa bao giờ phải hứng chịu những thiệt hại lớn như trong những ngày vừa qua.

Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang: 'Tỉnh chưa từng hứng chịu thiệt hại lớn như những ngày qua'
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Trần Đức Quý. Ảnh: VÕ TÙNG

Thiệt hại chưa từng có trong lịch sử

. Phóng viên: Ông có thể thông tin khái quát về những thiệt hại mà hoàn lưu bão số 3 đã gây ra trên địa bàn tỉnh Hà Giang?

+ Ông Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang: Trong những tháng vừa qua, tại tỉnh Hà Giang diễn ra thời tiết cực đoan, gây thiệt hại rất lớn.

Theo ước tính, trong 3 tháng vừa rồi, tỉnh bị thiệt hại khoảng 1.500 tỉ đồng. Tất cả các huyện đều chịu ảnh hưởng, thiệt hại rất lớn về người, tài sản, hạ tầng do lũ lụt, sạt lở đất. Có lẽ là trong suốt lịch sử, tỉnh Hà Giang chưa bao giờ phải hứng chịu những thiệt hại lớn như thế này.

Ngày 7-9, do ảnh hưởng của bão số 3, khu vực tỉnh Hà Giang đã bắt đầu có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trạm khí tượng Hà Giang đã quan trắc được gió mạnh cấp 5.

Từ đêm 7 đến 9-9, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 100-300mm, có nơi trên 350mm. Mưa lớn gây ra lũ quét, sạt lở đất và ngập úng ở nhiều địa phương trong tỉnh. Trên sông Lô và sông Gâm trong ngày 8 đến 9-9 xuất hiện lũ.

Do ảnh hưởng của bão số 3 và hoàn lưu bão, tỉnh Hà Giang ghi nhận 1 người tử vong, 1 người mất tích và 1 người bị thương, gần 1.200 ngôi nhà bị ảnh hưởng, trong đó nhà phải di dời khẩn cấp 82 nhà; bị vùi lấp hoàn toàn 16 nhà; bị đất, đá sạt lở vào 308 nhà; bị nước lũ cuốn trôi 8 nhà; bị ảnh hưởng do tốc mái, cây đổ 118 nhà; bị ngập úng 664 nhà.

bão số 3 01.jpg
Tỉnh Hà Giang chịu ảnh hưởng nặng nề do mưa lũ gây ra, ước tính thiệt hại khoảng 1.500 tỉ đồng. Ảnh: CÔNG AN TỈNH HÀ GIANG

Tổng diện tích lúa, ngô, hoa màu, cây trồng bị thiệt hại là hơn 1.600ha. Một số tuyến kênh mương trên địa bàn các huyện Yên Minh, Bắc Quang và Vị Xuyên bị hư hỏng do sạt lở tả luy dương với khối lượng đất đá lớn gây vùi lấp, hư hỏng nặng.

Nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn toàn tỉnh bị sạt lở với hàng nghìn m3 đất đá, các phương tiện giao thông bị cô lập, nhiều tuyến đường liên thôn bị sạt lở, ngập úng, riêng TP. Hà Giang ngập úng cục bộ 18 điểm.

Nhiều khu dân cư bị ảnh hưởng do sạt lở đất. Từ ngày 8 đến 10-9, sạt lở đất đã vùi lấp hoàn toàn 5 hộ dân. Hiện nay, nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, đá.

Cùng với đó, có 1 chợ, 1 hội trường thôn và 1 trạm y tế bị đổ sập.

Trăn trở của lãnh đạo tỉnh Hà Giang

. Công tác khắc phục, ổn định tinh thần, cuộc sống của người dân sau bão lũ như thế nào, thưa ông?

+ Làm thế nào để người dân những vùng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, lũ quét có thể đảm bảo ổn định đời sống, tinh thần là trăn trở của lãnh đạo tỉnh Hà Giang.

Tỉnh đã tập trung, huy động tất cả các cấp, các ngành để khắc phục hậu quả thiên tai. Nhờ có sự vào cuộc của toàn bộ cộng đồng, cũng như sự hỗ trợ của Trung ương và các địa phương khác, về cơ bản, hiện cuộc sống người dân đã tương đối ổn định.

Cụ thể, tỉnh Hà Giang đã tổ chức cứu trợ khẩn cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho các hộ có nguy cơ thiếu đói do mưa lũ, nhất là các hộ có nhà bị đổ, lũ cuốn trôi, hộ ở vùng ngập sâu, sạt lở chia cắt, đảm bảo không để người dân bị đói, rét.

IMG_7607.JPG
Quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học trao 2 tỉ đồng cho Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang để chung tay xây dựng cầu Tân Điền. Ảnh: VÕ TÙNG

Chúng tôi bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà do mưa lũ; huy động lực lượng hỗ trợ người dân sửa chữa, dựng lại nhà ở, dọn vệ sinh môi trường, không để bùng phát dịch bệnh sau mưa lũ.

Đồng thời, lực lượng chức năng tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm, nhất là khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét, khu vực bị ngập sâu; tổ chức di dời khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực sạt lở, khu vực có nguy cơ sạt lở cao đến nơi an toàn, đảm bảo đời sống thuận tiện để người dân yên tâm sinh sống trong những ngày tiếp theo.

Tỉnh cũng đã triển khai sửa chữa, khắc phục công trình hạ tầng thiết yếu, nhất là trạm y tế, hệ thống điện, nước sinh hoạt, công trình giao thông, thủy lợi, hồ đập bị hư hại để chủ động ứng phó với đợt thiên tại mới, nhanh chóng khôi phục sản xuất ngay sau lũ, góp phần ổn định đời sống nhân dân.

Chúng tôi chủ động bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn đảm bảo an toàn giao thông tại các ngầm tràn, khu vực bị ngập sâu, không để xảy ra những trường hợp thiệt hại đáng tiếc về người; duy trì lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.

. Đối với những hộ gia đình có thiệt hại về người, tỉnh Hà Giang có chủ trương hỗ trợ như thế nào, thưa ông?

+ Với những trường hợp gia đình bị thiệt hại về người, tỉnh Hà Giang sẽ huy động sự đóng góp, hỗ trợ về kinh phí để những người còn sống làm lại nhà, tạo mặt bằng định cư, yên tâm sinh sống, với mong muốn làm sao để người dân sớm ổn định tinh thần, sinh hoạt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm