Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng: Được vay ưu đãi thì phải tranh thủ

Dự án đường sắt cao tốc tốn kém cùng với việc gia tăng nợ chính phủ đang khiến nhiều đại biểu băn khoăn, lo ngại. Trấn an những lo lắng này, nghỉ giải lao trong phiên họp Quốc hội ngày 27-5, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói:

Nợ quốc gia được thị trường hóa. Trái phiếu của các chính phủ đều được các tổ chức tài chính trung gian mua bán. Cho nên nợ quốc gia của một số nước diễn biến xấu đang ảnh hưởng tới cả thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế và các hoạt động sản xuất kinh doanh toàn cầu.

Vấn đề này ta cũng đã đề phòng, bằng việc đưa ra hệ số an toàn. Tỉ lệ này thường được đưa ra phù hợp với điều kiện sức khỏe của từng nước. Có nước có thể trên 100% GDP, xấp xỉ 100%, dưới 100%. Còn ta, với trình độ phát triển hiện nay thì khoảng 50% GDP.

. Khả năng trả nợ của ta thế nào, thưa ông?

+ Sau khi xử lý xong nợ của thời kỳ bao cấp, mình trở lại một nước sòng phẳng về nợ nần. Vay mới những năm gần đây chủ yếu là ODA, dài hạn là chính. Các khoản vay thường 20-30 năm, gần đây là 40 năm và đều tính trước khả năng trả nợ. Những khoản này hầu hết đầu tư cho cơ sở hạ tầng, giáo dục, nông thôn. Ngoài nợ quốc gia, phần bảo lãnh cho doanh nghiệp vay cũng phải chọn lọc doanh nghiệp nào, lĩnh vực nào hiệu quả, có khả năng trả nợ.

Năm nay Chính phủ sẽ tính toán để xây dựng chiến lược nợ mới, cân nhắc trong giai đoạn phát triển trung bình thì mức an toàn bao nhiêu là hợp lý. Đây đang là câu hỏi, còn phụ thuộc vào việc đất nước mình trong 10 năm tới, 20 năm tới phát triển với tốc độ nào, có bền vững không.

. Mức dư nợ an toàn của Việt Nam hiện được xác định trong mức 50% GDP. Giờ xây dựng chiến lược nợ mới, sẽ được điều chỉnh thế nào?

+ Kinh tế phát triển thấp, mình giữ ở mức 50%. Nhưng nếu trong trung hạn và dài hạn, khả năng phát triển cao hơn, làm ra nhiều của cải và có nhiều nguồn thu, khả năng trả nợ sẽ lớn hơn. Khả năng trả nợ lớn hơn thì mình có thể vay cao hơn. Nhưng vay cao hơn bao nhiêu cần phải tính.

. Một số nước trong khối EU đang rơi vào khủng hoảng do nợ quốc gia vượt quá khả năng trả nợ. Vậy xây dựng chiến lược nợ mới, Chính phủ lưu ý vấn đề này thế nào?

+ Ngoài việc xem xét tỉ lệ dư nợ mới là bao nhiêu, chúng ta cũng cân nhắc lại cơ cấu, xem Chính phủ vay bao nhiêu, doanh nghiệp vay bao nhiêu, thời hạn vay dài ngắn thế nào cũng cần tính toán… 5-7 năm trước, Argentina từng lâm vào tình cảnh khủng hoảng nợ quốc gia, chủ yếu do bảo lãnh cho doanh nghiệp vay quá nhiều, đến khi nợ doanh nghiệp chuyển sang nợ chính phủ gây khủng hoảng.

. Chính phủ đã đề xuất và được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư hàng loạt dự án lớn, từ điện hạt nhân, khai thác bauxite đến mở rộng Hà Nội. Giờ lại đề xuất thêm dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam 56 tỉ USD, đồ án quy hoạch chung thủ đô Hà Nội 90 tỉ USD. Chính phủ đã tính toán nguồn đầu tư này thế nào?

+ Đều được tính trong bài toán tổng thể của nợ quốc gia. Các dự án này có phần vay ODA, trong đó có khoản tài trợ không hoàn lại hoặc lãi thấp. Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ quốc tế thường cho vay những khoản như vậy, mà ta lại thuộc diện được ưu tiên nên phải tranh thủ. Còn các khoản vay khác phải chuyển dần sang hình thức đầu tư chứ vay 100% thì không có lợi. Để nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào cổ phần hóa doanh nghiệp trong nước là vậy. Họ mang vốn vào, lời ăn lỗ chịu.

. Xin cảm ơn ông!

NGHĨA NHÂN - THÀNH VĂN

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển:

An ninh tiền tệ phải đặt lên hàng đầu

Quốc hội chưa bao giờ đặt ra một chỉ số về mức an toàn nợ nước ngoài. Tỉ lệ khống chế 50% GDP là do Chính phủ và các tổ chức tài chính tự đề ra thôi, không phải là chỉ tiêu pháp lệnh. Tuy nhiên, theo Luật Quản lý nợ công thì Quốc hội quyết định mức nợ công cho phép. Mà nợ công thì bao gồm cả nợ của Chính phủ và nợ quốc gia.

Quan trọng bây giờ là phải có kế hoạch và dự báo về khả năng vay nợ, trả nợ, trong đó quan trọng là khả năng trả nợ. Vay cho mục đích gì, hiệu quả ra sao mới là quyết định chứ con số khống chế an toàn này kia cũng chỉ mang tính tương đối. EU từng đưa ra chỉ tiêu bội chi ngân sách trong khối là 3% và nợ chính phủ không quá 60% GDP. Khi khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra mới thấy nhiều nước EU đã tự phá vỡ chỉ tiêu đó. EU đặt ra tỉ lệ vậy nhưng Nhật, Mỹ lại vay kiểu khác. Mỗi nền kinh tế có thể tự lựa chọn cho mình một dư nợ chính phủ và dư nợ quốc gia ở mức an toàn nhất, có tầm nhìn trung - dài hạn.

Mức vay nợ chính phủ dưới 50% GDP của ta như hiện nay thì an toàn, đảm bảo trả nợ. Nhưng có nới rộng với trung hạn không thì phải cẩn trọng. Quốc hội chắc chắn phải bàn việc đó. Không thể vì mong muốn triển khai mấy dự án siêu lớn kia mà chấp nhận đẩy mức vay nợ tới không an toàn. An ninh tài chính quốc gia luôn phải hàng đầu.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh:

Chính phủ sẽ chỉ đạo hạ mức bội chi

Đến nay chúng ta đã trả đầy đủ các khoản nợ đến hạn. Không có khoản nợ nào mà chúng ta không trả được. Năm 2010 và những năm tới, Việt Nam hướng đến giảm nợ và hạ dần mức bội chi. Trong năm 2009, Đảng và nhà nước đã có nhiều chủ trương tăng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, nguồn thu ngân sách có tăng nhưng không nhiều, đã đáp ứng đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội.

Ở nước ta, bội chi chỉ dành cho đầu tư phát triển kinh tế-xã hội, bội chi không được thực hiện bằng hình thức phát hành tiền mà chỉ dùng nguồn tiền vay trong và ngoài nước. Năm 2009, khủng hoảng kinh tế thế giới đã tác động đến nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Để ngăn chặn sự suy giảm kinh tế, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp về tài chính và tiền tệ. Điểm nhấn của các giải pháp đó là Quốc hội đã cho tăng bội chi ngân sách không quá 7%.

Về các khoản nợ lãi suất thương mại với thời gian ngắn hạn (lãi suất khoảng 13,5%), trong đó có các khoản nợ Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp đầu tư dự án có hoàn vốn là trên 11% tổng số dư nợ. Các khoản nợ này đã được trả, không còn khoản nợ xấu nào. Chính phủ sẽ chỉ đạo hạ mức bội chi ngân sách xuống và phấn đấu giảm dần vào các năm sau. Theo đó, phấn đấu trong năm 2010 giảm bội chi ngân sách xuống 6,2% và giảm dần xuống dưới 5%. (Theo VOV)

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền:

Tiêu cực trong giáo dục vẫn còn nhiều

Ngày 28-5, cũng như các lần đối thoại trước, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với bộ chuyên ngành là Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) để đối thoại với các quốc gia, tổ chức quốc tế có tài trợ cho Việt Nam. Trao đổi với báo chí, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết:

Lần trước ta đã đối thoại về chống tham nhũng trên lĩnh vực y tế nên lần này sẽ phải báo cáo về kết quả đấu tranh trong lĩnh vực y tế thế nào. Tiếp theo sẽ đi sâu vào lĩnh vực giáo dục với báo cáo của bộ này và các cơ quan chức năng khác. Chuẩn bị cho cuộc đối thoại này, Thanh tra Chính phủ đã có một cuộc khảo sát về tham nhũng trong giáo dục, tập trung vào ba vấn đề mà người dân quan tâm: dạy thêm và học thêm; gian lận thi cử và thu phí.

. Kết quả khảo sát phản ánh thế nào về tham nhũng trong ngành giáo dục, thưa ông?

+ Nói chung, tiêu cực trong giáo dục thì vẫn có nhiều. Nhưng những năm qua, Bộ GD&ĐT đã đề ra rất nhiều chương trình chống tiêu cực, đặc biệt là chương trình “Ba không” và cho kết quả bước đầu. Nhưng đánh giá đúng mức thực trạng thế nào thì còn phải chờ qua đối thoại này, xác định mức độ quan tâm của xã hội tới đâu.

. Đúng là ngành giáo dục có “ba không” nhưng vẫn có những nhận xét là phong trào này vẫn hình thức. Ý kiến ông thế nào?

+ Tôi chưa đánh giá được. Nhưng báo cáo của Bộ nói là tích cực, tức là giảm rất nhiều tiêu cực trong thi cử, chạy lớp, chạy trường.

. Xin cảm ơn ông.

NGHĨA NHÂN ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới