Tình hình nợ quốc gia gần sát mức an toàn trong khi nhiều siêu dự án đang được quyết định với số tiền hàng triệu tỉ đồng dự kiến phải đi vay cũng là tâm điểm bên hành lang Quốc hội.
“Báo động đỏ” thất thoát, lãng phí
Với các số liệu tin cậy, các đại biểu đã chỉ ra việc lãng phí tài nguyên quốc gia và chỉ trích ngành điện gây thiệt hại cho xã hội khi cắt điện tràn lan…
Đại biểu (ĐB) Lê Như Tiến (Quảng Trị) dẫn nhận định của Viện Tư vấn phát triển (CODE) tại Hội nghị tài nguyên khoáng sản và phát triển bền vững ở Việt Nam ngày 14-5: Việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên, các nguồn năng lượng rất lãng phí và kém hiệu quả. Hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản bộc lộ nhiều bất cập từ cấp phép đến quản lý, khai thác, sử dụng…
Lãng phí từ hữu hình đến vô hình
Từ 427 doanh nghiệp năm 2000, hiện đã lên tới 1.500 doanh nghiệp, đó là chưa kể hàng ngàn băng nhóm khai thác tự do mà các cơ quan quản lý bất lực. Chúng ta từng nghe về hải tặc, lâm tặc, nay xuất hiện thêm “tặc” mới: vàng tặc, thiếc tặc, quặng tặc, than tặc, đá tặc, cát tặc, titan tặc...
Hậu quả là tài nguyên thiên nhiên thất thoát, lãng phí, cạn kiệt, môi trường bị tàn phá, kéo theo hàng loạt hệ lụy mặt xã hội như tội phạm, tệ nạn xã hội, đạo đức băng hoại…
“Chúng ta không khỏi giật mình khi cơ quan điều tra tổn thất, lãng phí về khai thác tài nguyên công bố: Tổn thất, lãng phí trong khai thác than hầm lò là 40%-60%, apatit là 26%-43%, quặng kim loại 15%-30%, dầu khí lên đến gần 50%... các thất thoát, lãng phí này làm mất đi hàng trăm tỉ đồng ngân sách nhà nước” - ĐB Tiến không giấu được sự lo lắng và bức xúc.
Đầu tháng 10-2009, dưới chân cầu Quảng Huế trên quốc lộ 1A (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), một bãi gỗ khổng lồ đã trôi về theo cơn lũ. Đây là hậu quả của việc tàn phá rừng đầu nguồn. Ảnh: MAI KỲ
Điện năng cũng thất thoát, lãng phí lớn. Chúng ta đầu tư nhiều ngàn tỉ đồng cho một nhà máy nhiệt điện hoặc thủy điện, mỗi nhà máy chỉ góp vào lưới điện quốc gia từ 2% đến 3% tổng điện năng của cả nước nhưng tổng lượng điện thất thoát từ 11% đến 15%…
Ông Tiến tiếp: Một dạng lãng phí vừa hữu hình vừa vô hình nữa là trung bình mỗi ngày diễn ra hơn 20 lễ hội, hàng ngàn hội nghị, hội thảo, tọa đàm, giao lưu, gặp mặt, lễ động thổ, lễ khởi công, lễ khánh thành, lễ kỷ niệm truyền thống, lễ đón nhận các loại danh hiệu…
Các điều luật về Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí dường như bị làm ngơ và bị lạm dụng...
“Lãng phí, thất thoát thực sự đã báo động đỏ, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về bài học quản lý của các cơ quan quản lý nhà nước…” - ông nói.
Truy trách nhiệm “ngắt cầu dao điện”
ĐB Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên-Huế) nói: Mùa hè, nhu cầu sử dụng điện cao thì lại bị cắt điện. Gần hai tháng qua, ngành điện cắt theo kiểu luân phiên trên cả nước. Có trên 95% hộ gia đình sử dụng điện sẽ gây bức bối trong diện rộng, tạo tâm trạng xã hội không tốt, cắt điện không còn là vấn đề nhỏ…
Ông Mạo hỏi: Tại sao nhiều năm liền thiếu điện? Giải thích việc thiếu điện vì nhu cầu cao, tăng trưởng kinh tế cao, các hồ thủy điện thiếu nước… là chưa thỏa đáng và chưa phải là nguyên nhân căn bản. Có phải thiếu điện là do cơ chế quản lý độc quyền của ngành điện?
Ông minh chứng: Các tổ chức, cá nhân sử dụng điện đều ký hợp đồng với ngành điện. Khi nói đến hợp đồng thì hai bên có quyền và nghĩa vụ trong ấy. Thực tế, ngành điện chưa chịu bất cứ một trách nhiệm nào về việc cắt điện, nhất là điện sinh hoạt. Vì không có trách nhiệm trong việc mất điện, cắt điện nên khi thủy điện giảm nguồn, ngành điện không chịu tăng cường các máy phát bằng máy dầu. Phải chăng đây cũng là một trong những lý do khiến cho việc mất điện kéo dài?
Ông chất vấn luôn Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng: Trách nhiệm của Bộ trong việc thiếu điện và lý do chính của việc thiếu điện trong thời gian vừa qua là gì? Giải pháp tháo gỡ vấn đề trong tương lai như thế nào?
ĐB Lê Như Tiến cùng quan điểm: “Thiếu điện thì cắt điện, đó là cách giải thích rất hồn nhiên mà chưa hình dung được tác hại nặng nề với tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội và đời sống nhân dân. Thật xót xa khi ngư dân các tỉnh miền Trung đánh bắt hải sản về không có điện làm lạnh, không có đá ướp lạnh, hàng trăm tấn hải sản ươn ôi, bốc mùi, bán không ai mua, cho không ai lấy. Nhiều hộ dân phải thuê xe chở đi chôn hàng vạn quả trứng gà, trứng vịt đang ấp trong lò bị hư hỏng do mất điện. Những thiệt hại này không thấy ngành điện nghĩ đến việc đền bù cho dân…”.
“Chúng ta có thể tạm dừng đầu tư một số công trình chưa thật thiết yếu như sân gôn, đại lộ, trung tâm hành chính, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí… để tập trung xử lý nguồn điện. Ngành điện nên nghĩ đến những giải pháp cơ bản, lâu dài là phát triển nguồn điện năng, chống lãng phí, thất thoát, chống độc quyền hơn là dùng biện pháp ngắt cầu dao như hiện nay” - ĐB Tiến nhấn mạnh.
Vì giới hạn thời gian nên Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên đề nghị vấn đề nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài nguyên, bảo vệ môi trường “được trả lời vào các diễn đàn khác”…
Giữa tháng 6 mới hết thiếu điện Trước phản ứng gay gắt của một số ĐB Quốc hội về việc cắt giảm điện, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng đã có trao đổi ngắn với báo chí. Theo ông, việc hướng dẫn, tuyên truyền ngành điện chưa làm tốt nên nhân dân còn bức xúc, cho rằng cắt giảm điện không công bằng. Còn thực tế, thiếu điện hơn một tháng qua chủ yếu do các yếu tố khách quan. “Năm 2009, tổng sản xuất điện khoảng 19.000 MW, phụ tải cao nhất chỉ 15.000 MW. Như thế, về lý thuyết ta vẫn còn gần 4.000 MW dự phòng. Nhưng sang năm nay, Nam Bộ nắng nóng sớm và gay gắt; Bắc Bộ thì nước thủy điện xuống thấp, chỉ đạt 50%-60%, chưa kể còn phải xả nước phục vụ tưới tiêu. Cho nên cung ứng điện rất căng” - ông Hoàng nói. Về chủ trương cắt giảm điện, ông cho biết Chính phủ đã công bố rõ là ưu tiên điện cho những vùng trọng điểm kinh tế-xã hội, thứ nữa là cho sản xuất, đặc biệt là hàng xuất khẩu. Tiếp theo là thứ tự ưu tiên cho trường học, bệnh viện, phục vụ những sự kiện quan trọng của đất nước. Trường hợp buộc phải tiết giảm thì phải có thông báo trước và cắt điện luân phiên, đảm bảo công bằng. Theo ông Hoàng, nếu thời gian tới “mưa thuận gió hòa” thì từ giữa đến khoảng 20-6, cung ứng điện sẽ được cải thiện, trở về mức bình thường… N.NHÂN |
VĂN TIẾN