Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thăm vị trí cắm mốc số 314 - mốc giới cuối cùng trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Chuyến công tác của Phó Thủ tướng tại các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang và trước đó là các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum nhằm khảo sát tình hình phân giới cắm mốc, thúc đẩy trao đổi thương mại xuyên biên giới và kết nối hạ tầng giữa Việt Nam và Campuchia trong bối cảnh ASEAN đang hướng tới cộng đồng vào cuối năm 2015, hay rộng hơn là xu thế liên kết khu vực Đông Á.
Phó Thủ tướng đã thăm Đồn biên phòng Long Bình, tỉnh An Giang. Ảnh: VGP/Hải Minh |
Việt Nam và Campuchia dự kiến cắm tổng số 314 vị trí, tương ứng với 371 cột mốc. Đến nay, hai bên đã xác định trên thực địa 312/371 cột mốc, đạt 84%; xây dựng 302/371 cột mốc. Các tỉnh Kon Tum, Đồng Tháp và Bình Phước đã hoàn thành công tác xây dựng các mốc chính, cơ bản hoàn thành công tác phân giới trên thực địa.
Về giao lưu thương mại, các tỉnh biên giới phía Tây Nam có những điều kiện thuận lợi nhất định trong giao dịch thương mại với Campuchia một phần nhờ hệ thống giao thông thuận lợi. Nếu Tây Ninh có đường xuyên Á đi qua thì An Giang có lợi thế cả về đường bộ và đường sông (sông Hậu đoạn giáp biên giới với Campuchia) còn Kiên Giang vừa có biên giới đất liền vừa có biên giới biển.
Trong những năm qua, Chính phủ cùng với các Bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực việc xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển cửa khẩu, chợ biên giới… để thúc đẩy giao lưu thương mại với Campuchia nói riêng cũng như các nước láng giềng nói chung nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế.
TheoHải Minh (plo.vn)