Phó Thủ tướng: Rút giấy phép nhà thuốc nâng giá khẩu trang

Khẩu trang tăng giá và lao động người Trung Quốc tại Việt Nam là vấn đề được hội nghị quan tâm.

Thu gom khẩu trang bán cho Trung Quốc

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết hiện cả nước có 30 đơn vị sản xuất khẩu trang ba lớp với công suất mỗi ngày 1.245.000 cái và khoảng 20 đơn vị sản xuất khẩu trang N95 với công suất mỗi ngày khoảng 32.000 cái. “Số lượng nói trên hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu sử dụng trong ngày của người Việt Nam” - ông Khánh nói.

Theo ông Khánh, có công ty đã đi vào sản xuất từ mùng 6 tết. Một số công ty khác sẽ sản xuất lại khẩu trang vào những ngày sắp tới. “Hiện Bộ Công Thương và Bộ Y tế được Thủ tướng Chính phủ giao đôn đốc các cơ sở khẩu trang tăng cường sản xuất để đủ cung cấp cho thị trường” - ông Khánh nói thêm.

Ông Khánh còn cho biết hiện xảy ra tình trạng găm hàng, đầu tư và trục lợi mặt hàng khẩu trang. Chính vì vậy, từ ngày 31-1, quản lý thị trường cả nước đồng loạt ra quân kiểm tra và xử lý các sai phạm. “Sau khi xử phạt, các cơ sở vi phạm đã bán đúng giá và thực hiện việc niêm yết giá khẩu trang” - ông Khánh cho biết thêm.

Dân TP.HCM tìm mua khẩu trang để phòng chống lây nhiễm bệnh. Ảnh: QUỲNH TRANG

Ông Khánh còn cho biết hiện xảy ra tình trạng thu gom khẩu trang rồi xuất bán cho Trung Quốc.

Đề nghị lao động Trung Quốc chậm vào lại Việt Nam

Liên quan đến lao động người Trung Quốc tại Việt Nam, ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết hiện có khoảng 29.300 lao động người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam. “Dịp tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhiều lao động người Trung Quốc đã về nước ăn tết” - ông Thanh cho biết thêm.

“Bộ LĐ-TB&XH đề nghị bộ, ngành khuyến nghị các đơn vị có sử dụng lao động Trung Quốc đã về Trung Quốc thì chậm vào Việt Nam, đợi khi hết dịch. Nếu do đặc thù công việc, lao động Trung Quốc phải vào Việt Nam thì đơn vị chủ quản phối hợp với y tế địa phương giám sát chặt những người này” – ông Thanh nói.

Người tham dự lễ hội phải đeo khẩu trang

“Các lễ hội đang diễn ra phải giảm quy mô, số lượng người tham dự. Cán bộ, công chức không được tham dự lễ hội” – bà Trịnh Thị Thu Thủy, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL, nói.

Trả lời vấn đề tổ chức các lễ hội tụ tập đông người thường diễn ra sôi động vào thời điểm sau tết, bà Thủy cho biết bộ đã có công điện khẩn triển khai đến các tỉnh, thành đề nghị thực hiện các biện pháp nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh

Theo đó, bộ yêu cầu các tỉnh, thành tạm dừng khai mạc các lễ hội chưa diễn ra để tránh tụ tập đông người, tạo điều kiện cho virus lây lan. Đối với những lễ hội đã tổ chức rồi phải giảm quy mô, số lượng người tham dự, thời gian tổ chức lễ hội. Trong quá trình tổ chức lễ hội, các tỉnh, thành phải đảm bảo điều kiện phòng chống dịch. 

Người tham dự lễ hội tại các khu di tích phải được yêu cầu đeo khẩu trang, khuyến cáo hạn chế du xuân, tụ tập đông người. Ngoài ra, các cán bộ, công chức các bộ, ngành, địa phương không được tham gia lễ hội để làm gương cho người dân. 

“Lễ hội không tổ chức thời điểm này có thể tổ chức thời điểm khác, quan trọng là tập trung cho công tác phòng chống dịch...” - bà Thủy nêu. 

Cũng theo bà Thủy, có địa phương thắc mắc việc áp dụng tạm dừng khai mạc lễ hội có được áp dụng cho các lễ hội tôn giáo hay không. “Không có ngoại lệ và theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc” nhằm đảm bảo tính mạng, sức khỏe của nhân dân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tôi mong muốn các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cho người dân hiểu” – bà Thủ nó

Sở Y tế tỉnh, TP rút giấy phép hoạt động nếu phát hiện hiệu thuốc nâng giá khẩu trang. Bên cạnh đó, từ giờ phút này, người dân phát hiện nhà thuốc nâng giá khẩu trang thì báo cho quản lý thị trường và cơ quan y tế để  kiểm tra và xử lý.

Đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra hoạt động kinh doanh khẩu trang trong các hệ thống siêu thị và xử lý nếu phát hiện tình trạng nâng giá. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT chỉ đạo bưu điện kiểm soát và thu giữ những kiện hàng chứa khẩu trang gửi ra nước ngoài. 

Phó Thủ tướng Chính Phủ VŨ ĐỨC ĐAM

--------------------

 Có nhiều biện pháp để phòng tránh dịch bệnh, trong đó đeo khẩu trang, rửa tay là một trong các biện pháp.

Việc rửa tay phải được thực hiện thường xuyên và rửa bằng xà phòng hiệu quả hơn nước sát trùng nên người dân không cần đổ xô đi mua nước rửa tay. Ngoài ra, phân tích chủng virus nCoV gây bệnh có trọng lượng phân tử to hơn các loại virus khác nên khi người bệnh hắt hơi, khả năng virus không bay lơ lửng trong không khí mà rơi xuống bề mặt nhiều hơn. Do đó, việc rửa tay và sát khuẩn các bề mặt là hết sức quan trọng.

Vì vậy, trong tình hình học sinh vẫn đi học bình thường, đề nghị các cơ quan vệ sinh, phun khử trùng lớp học để hạn chế virus bề mặt và tuân thủ các khuyến cáo đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng cho học sinh và báo cáo khi có học sinh có biểu hiện của bệnh như ho, sổ mũi, sốt. Khi có những yếu tố có thể lây lan bệnh, có cảnh báo của cơ quan y tế thì Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu UBND các địa phương đóng cửa trường học đó.

GS-TS NGUYỄN THANH LONG, Thứ trưởng Bộ Y tế

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm