Phôi bằng tốt nghiệp ĐH-CĐ mới: Không có “xung đột” giữa các văn bản

Báo chí gần đây phản ánh việc mẫu phôi bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa in và phát hành thiếu mất dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” quen thuộc.

Dư luận hoang mang đặt câu hỏi: Liệu có phải hàng vạn mẫu phôi bằng này bị lỗi hay không?

Thông tư mới khác quyết định cũ

Thực tế, Quyết định 33/2007/QĐ-BGDĐT ngày 20-6-2007 của bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân, tại Điều 9 quy định nội dung chung của các văn bằng, chứng chỉ phải có dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.

Tuy nhiên, hơn hai năm sau, tháng 8-2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành nhiều thông tư, trong đó có Thông tư 22. Các thông tư này quy định về các mẫu bằng tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ. Theo đó, tất cả mẫu bằng nói trên đều không còn dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” phía dưới dòng “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Việc không có dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” liệu có sai? Trong văn bản gửi báo Tuổi Trẻ mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khẳng định: “Bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ không phải là văn bản quy phạm pháp luật hay công văn hành chính. Vì vậy, mẫu bằng không thể hiện thể thức trình bày theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật hoặc công văn hành chính”. Thêm vào đó, mẫu bằng được xây dựng trên cơ sở tham khảo bằng tốt nghiệp ĐH của một số nước cũng như mẫu giấy tờ mang tính quốc tế của một số bộ, ngành. Theo đó, “những giấy tờ mang tính quốc tế của một số bộ, ngành cũng chỉ ghi “Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Phôi bằng tốt nghiệp ĐH-CĐ mới: Không có “xung đột” giữa các văn bản ảnh 1

Mẫu văn bằng không có dòng chữ “Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”.

“Quy định đã rõ”

Tuy nhiên, lại có câu hỏi đặt ra: Hai văn bản pháp quy (trường hợp này là Quyết định 33 năm 2007 và Thông tư 21, 22 năm 2009) về cùng một vấn đề lại có nội dung trái ngược nhau thì phải tuân theo văn bản nào? Lý lẽ của sự băn khoăn này là Quyết định 33 vẫn còn hiệu lực vì chưa có một quy chế văn bằng, chứng chỉ mới nào thay thế quy chế hiện hành.

Ngày 22-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), phân tích Điều 2 của cả Thông tư 21 và 22 đều có ghi rõ: “Các quy định trước đây trái với thông tư này đều bãi bỏ”. Điều này nghĩa là tuy Quyết định 33 vẫn còn hiệu lực nhưng những quy định tại Quyết định 33 trái với hai thông tư nêu trên đều bị bãi bỏ. Còn những quy định khác trong Quyết định 33 không trái với hai thông tư thì vẫn còn hiệu lực pháp luật. Như vậy, “hoàn toàn không có sự “xung đột” giữa các văn bản trên” - ông Sơn nói.

Dù sao đi nữa thì không thể phủ nhận việc thay đổi mẫu phôi bằng tốt nghiệp ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp… đã gây nhiều phản ứng tiêu cực: các cơ sở đào tạo bất ngờ, sinh viên hoang mang, dư luận đặt nhiều nghi ngại… Lẽ ra trước một sự thay đổi đặc biệt tác động tới số đông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, tuyên truyền rộng rãi tới các trường, tới sinh viên và toàn xã hội thì chắc sự việc đã không bị “phức tạp hóa” như vừa rồi.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm