Phòng học đặc biệt ở Trường Tuổi Thơ 7

Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 có một phòng học rất đặc biệt là phòng can thiệp sớm. Đây là căn phòng được thiết kế dành riêng cho những em học hòa nhập tại trường. Mỗi ngày, ngoài các giờ học tại lớp như các bạn, các em sẽ có một tiết (30 phút) lên học riêng với các giáo viên chuyên về giáo dục đặc biệt. Và giờ dạy chỉ duy nhất một cô một trò trong không gian yên tĩnh, thoáng mát.

“May mắn khi con gặp cô Hà”

“Em la hét, chạy nhảy; em sợ tiếng ồn, người lạ; em lại chậm nói. Cho nên giáo viên phải biết nắm bắt tâm lý để điều chỉnh. Hôm vừa rồi nhà trường tổ chức lễ hội, có bé hòa nhập bỗng dưng cầm đĩa hắt thức ăn tung tóe khắp nơi. Khi đó, biết em khó chịu vì xung quanh ồn ào, tôi chạy nhanh đến ôm lấy em và bảo “Con hãy nhìn bạn, bạn ăn xong mang đĩa cho vào thau đựng. Con và cô cùng làm nhé!”. Bé nghe lời và ngoan ngoãn thực hiện theo” - cô Hà nhớ lại.

Theo cô Hà, do là trẻ hòa nhập, mỗi bé mỗi tính khác nhau. Trong khi một ngày cô phải dạy đến 6-7 bé. Đa phần các bé chậm phát triển ở một lĩnh vực và hành động theo bản năng. Cho nên để bé hợp tác thì giáo viên phải khiến bé cảm thấy được yêu thương, an toàn.

“Có một bé có năng khiếu về âm nhạc nhưng bé lại sợ đám đông và tiếng ồn. Đang chơi vui vẻ nhưng chỉ cần nghe tiếng nhạc bật to, bé la hét hoảng loạn. Tôi chạy lại ôm lấy bé. cảm nhận được sự an toàn, bé dần bĩnh tĩnh trở lại. Nhiều lần tôi muốn bé tham gia biểu diễn trong các sự kiện của trường nhưng cứ đứng trước đám đông, nghe tiếng loa vang to, bé lại hoảng loạn” - cô Hà nói.

Dạy trẻ hòa nhập ngoài kỹ năng, kiến thức thì giáo viên phải có tình yêu trẻ và sự kiên nhẫn. “Có những bé tôi dạy nguyên tháng trời mới có thể kẻ một đường thẳng. Hay có những bé tôi phải dạy một thời gian dài mới chịu nhìn vào mắt khi trò chuyện. Đó là những bé tránh giao tiếp bằng mắt. Để bé nhìn vào mắt khi trò chuyện, đồ chơi nào trẻ thích tôi cũng phải đưa lên mặt mình giới thiệu. Chỉ có như vậy, trong quá trình nhìn ngắm đồ vật, các bé mới chịu nhìn thẳng vào mắt tôi. Bản thân phải luôn tin tưởng vào khả năng của trẻ thì trước sau gì trẻ cũng tiến bộ, dù đó chỉ là một tiến bộ rất nhỏ” - cô Hà tâm sự.

Nhắc đến cô Hà, một phụ huynh có con đang theo học lớp can thiệp sớm thốt lên: “May mắn khi con tôi gặp được cô Hà. Từ khi được cô dạy dỗ, con tiến bộ rõ rệt”.

Vị phụ huynh này cho hay trước đây cháu hay chơi một mình, chậm nói. Qua tư vấn của bạn bè, biết Trường Mầm non Tuổi Thơ 7 có dạy hòa nhập lại có phòng can thiệp sớm, chị cố gắng xin cho con học. “Cô dạy rất tận tâm. Ngoài thường xuyên gọi điện thoại cho tôi để nói về tình hình của bé, cô còn hướng dẫn trực tiếp cho tôi những bài học để dạy trẻ lúc ở nhà. Hơn nữa, cô và giáo viên lớp hòa nhập của bé luôn phối hợp với nhau nên sau một thời gian theo học, con nói nhiều, lại chơi với bạn. Thấy con phát triển, tôi biết ơn cô giáo vô cùng”.

Cô Trịnh Thị Thu Hà đang chuẩn bị đồ dùng cho một buổi học. Ảnh: NVCC

Thiết kế đồ chơi vì yêu trò

Phòng can thiệp sớm của trẻ hòa nhập có rất nhiều đồ chơi với đủ màu sắc sặc sỡ. Ngoài những đồ chơi có sẵn, các cô còn tự tay thiết kế những bộ đồ chơi dành riêng cho mỗi bé. Mới đây nhất, cô Hà cùng với giáo viên trong trường đã thiết kế bộ đồ chơi theo “Mô hình ống điện đa giác quan”. Mô hình trên đã giành giải nhất hội thi sáng tạo đồ chơi cho trẻ khuyết tật toàn quốc.

Cô Hà cho biết chính hiệu phó chuyên môn là người đã đưa ra ý tưởng. Sau đó cô và mọi người cùng nhau góp ý, tự tay làm nên một bộ đồ chơi có tác dụng trị liệu nhiều lĩnh vực phát triển của trẻ. “Khung đồ chơi được làm bằng ống điện. Mô hình gồm rất nhiều mặt, tất cả mặt trong lẫn ngoài mỗi mặt đều là một bộ đồ chơi giúp trẻ phát triển về nhận thức, ngôn ngữ, vận động thô, vận động tinh và phát triển xúc giác, kỹ năng xã hội. Như bộ thảm để bé có thể xếp đi theo màu, đi theo số hay nhảy lò cò; bộ đồ chơi những con sâu để các bé ráp thành các con số hay những bộ rối kể chuyện” - cô Hà nói.

Cũng theo cô Hà, đối với trẻ mầm non, tri giác, trực quan sinh động là cần thiết, vấn đề này càng trở nên quan trọng đối với các bé hòa nhập. Bởi chính những bộ đồ chơi bền, đẹp, chuyên sâu mới thu hút được các em đến với việc học và tăng hiệu quả học tập.

“Con tặng cô Hà”

Trong suốt chín năm dạy học, tôi nhận được duy nhất một món quà từ cậu học trò nhỏ. Khi nhập học, em lầm lì, ít nói. Cha mẹ ly hôn, em sống với bà nội và cha. Chính cú sốc ấy khiến em không trò chuyện với mọi người. Tôi tìm cách tiếp cận, gần gũi. Em dần mở lòng và bắt đầu nói những tiếng đầu tiên. Ngày 20-10 đang ngồi dạy tại phòng, chính em đi cùng giáo viên lên tặng tôi tấm thiệp do em tự làm. Tôi lặng người vì xúc động…

 Trịnh Thị Thu Hà 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm