Xóa áp lực ép trẻ mầm non học chữ: Phải bắt đầu từ thầy cô, cha mẹ

Như Pháp Luật TP.HCM ngày 29-2 đã nêu trong bài Xóa áp lực ép trẻ mầm non học chữ, hiện nay không chỉ quận Tân Phú, nhiều quận, huyện khác cũng bắt đầu vận động phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 không cho trẻ học chữ trước. Tuy nhiên, để làm được điều đó cần có sự chuẩn bị từ nhiều phía.

Mầm non tư xé rào dạy trước

Một phụ huynh có con học lớp lá ở Trường Mầm non Thủy Tiên (quận Tân Phú) nói: Ngay trong hệ thống trường mầm non giữa công lập và tư thục chưa có sự thống nhất về việc nên hay không nên cho trẻ học chữ trước. Trường công nói không nhưng trường tư vẫn dạy chữ, chính điều này ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh. “Nghe người có con học ở các trường tư thục khoe con họ biết đọc, biết viết còn con mình vẫn chưa biết chữ tôi không yên tâm. Vì không muốn con thua thiệt nên tôi phải tìm cách cho con học chữ” - phụ huynh này phân trần.

Chị TD có con học lớp 1 Trường Tiểu học Trần Văn Ơn (quận Gò Vấp) lại cho rằng đôi khi chính giáo viên tạo áp lực cho phụ huynh. Chị kể, ngay từ mầm non nhiều trẻ đã biết đọc, biết viết, vào trường lúc nào cũng í ới đọc những bảng hiệu treo trong trường. Chị không muốn cho con học chữ nhưng cô giáo lại nói: “Tại sao chị không dạy chữ cho cháu? Trong lớp các bạn biết chữ nhiều lắm rồi đó!”. Đến khi vào lớp 1, thỉnh thoảng đi học về cháu lại nói với mẹ: “Mẹ ơi, hôm nay cô giáo lại chê con đọc chậm quá”. Chính vì thế  chị phải tìm gia sư dạy kèm cho con. Giáo viên không khuyến khích dạy chữ trước nhưng đôi khi trong cách dạy và truyền đạt gây lo lắng cho trẻ và phụ huynh.

Xóa áp lực ép trẻ mầm non học chữ: Phải bắt đầu từ thầy cô, cha mẹ ảnh 1

Phụ huynh hiểu đúng giáo dục mầm non và chương trình lớp 1 sẽ yên tâm không dạy chữ cho trẻ trước lớp 1. Trong ảnh: Phụ huynh cùng các con đang vui chơi tại Trường Mầm non Tuổi thơ 7, quận 3. Ảnh: PHẠM ANH

Lớp 1, cô lúng túng, phụ huynh lo

Theo bà Chung Bích Phượng, Phó Trưởng phòng GD&ĐT quận Tân Phú, phòng có nghe nhiều phản ánh từ phía phụ huynh về việc cho con học chữ trước vì áp lực từ  trường tiểu học. Các cháu mới học được một, hai tuần, giáo viên đã bắt đọc thơ, đọc khẩu hiệu trong lớp, viết bảng thông báo này, yêu cầu kia… Những điều này hoàn toàn sai nguyên tắc sư phạm, áp đặt lên trẻ tâm lý lo lắng khiến phụ huynh tìm cách cho con học trước.

Chị HC có con học lớp 4 ở quận Gò Vấp cho biết trước đây con chị bắt đầu học chữ từ năm lớp chồi ở trong trường mầm non. Đến lớp 1 phải học thêm chữ tại nhà cô giáo. Cách dạy của cô giáo lớp 1 lại giống như chỉ dành cho những trẻ biết chữ rồi. “Một đứa trẻ vào lớp 1 chưa biết đọc, biết viết nhưng khi học được khoảng một tháng, giáo viên đã cho bài chính tả để trẻ viết thì làm sao trẻ viết được?” - chị C. nói.

Tuy nhiên, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Bình Thạnh đưa ra một nhận định khác: Cứ đầu năm học, giáo viên lớp 1 rất mệt mỏi vì hàng chục em bước vào lớp là có hàng chục mức hiểu biết khác nhau. Có em đọc viết thành thạo, có em biết đọc sơ sơ, có em biết mặt chữ nhưng không biết đọc, viết, có em không biết gì cả… Vì thế, giáo viên buộc phải chia nhóm học sinh để có cách giảng dạy phù hợp, vừa chung lại vừa riêng với từng nhóm học sinh. Một số phụ huynh lại hiểu lầm giáo viên “phân biệt đối xử”. “Để xóa được tâm lý này, chỉ có thể tuyên truyền nhưng phải mất ít nhất bốn đến năm năm mới cơ bản xóa được. Đến khi nào bước vào lớp 1, có 30/30 em không biết chữ và bắt đầu học chữ, khi đó phụ huynh và giáo viên mới yên tâm. Điều này rất khó nếu không có sự đồng thuận của phụ huynh” - hiệu trưởng này chia sẻ.

Dạy sai chuẩn sẽ bị xử lý nghiêm

Sở đã chỉ đạo, cấm giáo viên tiểu học có những nhận xét mang tính tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh trong quá trình dạy học. Hiện nay, chương trình tiểu học nói chung, lớp 1 nói riêng đã theo một quy chuẩn cả về phương pháp và tâm lý học sinh. Giáo viên lớp 1 buộc phải dạy đúng phương pháp, không được dạy vượt khả năng học bình thường của trẻ. Trong lớp, tùy hiểu biết của từng học sinh khi bước vào lớp 1, giáo viên phải có cách thức dạy hợp lý như kèm các em yếu nhiều hơn, điều chỉnh các em biết chữ rồi viết đúng hơn… Sở yêu cầu các phòng giáo dục quận, huyện phải kiểm tra chặt chẽ việc giảng dạy tại các trường, tuyên truyền, tập huấn phương pháp cho giáo viên. Nếu trường nào có sai sót, cần chấn chỉnh ngay. Nếu cần thiết, Sở sẽ kiểm tra và xử lý ngay.

Ông LÊ NGỌC ĐIỆP, Trưởng phòng Giáo dục tiểu học Sở GD&ĐT TP.HCM

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm