Cụ thể, trước đó, vào ngày 8-8, anh H. (18 tuổi, ngụ Long An) đến phòng khám để tư vấn về tình trạng của dương vật. Bác sĩ tại đây đã thăm khám, cho anh H. làm các xét nghiệm và chẩn đoán anh bị dài da bao quy đầu, cần phẫu thuật cắt bỏ với giá 2,8 triệu đồng. Lúc này anh đem theo 3 triệu đồng nên đồng ý phẫu thuật.
Tuy nhiên, trong lúc anh H. đang trên bàn mổ thì bác sĩ thông báo anh có u mềm dưới dương vật và tư vấn cần cắt bỏ. Nhưng bác sĩ không báo giá phẫu thuật cắt bỏ u mềm là 12,8 triệu đồng. Sau khi tiểu phẫu xong, anh H. choáng váng khi được báo tổng chi phí phẫu thuật gần 16 triệu đồng.
Lúc này, phòng khám yêu cầu anh H. gọi điện thoại cho người nhà đem tiền đến đóng. Cuối cùng, phía phòng khám đã đồng ý để người nhà anh H. đóng thêm 5 triệu đồng và đưa anh H. về. Như vậy, tổng cộng anh H. đã đóng 8,5 triệu đồng trong khi ca phẫu thuật có chi phí 16 triệu đồng như phòng khám đã đưa ra trước đó và vẫn được phòng khám cho về.
Giá các dịch vụ anh H. phải chi trả, trong đó có điều trị u mềm lấy bằng nạo thương tổn giá 12,8 triệu đồng. Ảnh: HL
Trao đổi với PV, đại diện phòng khám cũng xác nhận diễn biến sự việc như trên. Bác sĩ người Trung Quốc Li Xiao Ping trực tiếp phẫu thuật cho anh H. xác nhận: “Dưới dương vật của bệnh nhân có u mềm và bệnh nhân đã được tư vấn, đồng ý phẫu thuật”.
Giải thích thắc mắc tại sao phòng khám không phát hiện ra u trong dương vật của bệnh nhân ngay từ đầu để tư vấn mà đợi đến khi ở trên bàn mổ, đại diện phòng khám chia sẻ: “Có nhiều cái mổ ra mới biết được chứ kết quả chẩn đoán hình ảnh, siêu âm, X-quang không nhìn thấy hết được”.
Khi chúng tôi đặt vấn đề giá tổng cộng bệnh nhân H. phải đóng là gần 16 triệu đồng, tại sao khi đóng 8,5 triệu đồng vẫn được cho về thì đại diện phòng khám nói rằng: “Trên lương tâm người bác sĩ, giờ bệnh nhân nói không có tiền thì làm sao ép bệnh nhân được, phòng khám đành chấp nhận thiệt thòi”.
Liên quan đến phòng khám này, trước đó nhiều bệnh nhân đến khám, điều trị đã có đơn tố cáo đến Thanh tra Sở Y tế TP.HCM và báo chí cũng đã nhiều lần phản ánh.
Trước đó, vào cuối năm 2017, trong cuộc làm việc giữa Sở Y tế TP.HCM với các phòng khám có bác sĩ Trung Quốc trên địa bàn TP.HCM, TS-BS Bùi Minh Trạng, nguyên Chánh Thanh tra Sở Y tế, đã chỉ ra các bước phòng khám Trung Quốc “vẽ” bệnh để moi tiền bệnh nhân, như vào phòng khám chỉ xét nghiệm, siêu âm vài trăm ngàn đồng nhưng khi lên bàn mổ thì bị hù dọa bệnh nặng, vẽ bệnh lên đến vài chục triệu đồng... Đặc biệt, liên quan đến việc chẩn đoán nhiều lần, ông Trạng đề nghị các phòng khám phải chẩn đoán toàn diện bệnh nhân, bàn luận và đưa ra phương pháp điều trị ngay từ đầu. Nếu một bệnh nhân mà bị chẩn đoán 2-3 lần thì Sở sẽ mời bác sĩ chẩn đoán đến làm việc và xem xét lại trình độ bằng cấp.