Phóng sinh và hệ sinh thái thủy sinh

(PLO)-  Chuyện mua chim phóng sinh sẽ nảy ra nhu cầu săn bắt chim hoang dã bằng những kiểu bẫy tàn độc như lấy kim chỉ may mù mắt chim mồi, rải thuốc độc, cắt gân cánh, bỏ đói, nuôi nhốt chật hẹp. 
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khoảng 20 năm gần đây, tự nhiên rộ lên chuyện một số nhà chùa đứng ra tổ chức cho các tín đồ các chuyến đi phóng sinh. Chuyện bán chim cá để phóng sinh trước chùa trước kia cũng có, nhưng nó chỉ diễn ra bên ngoài nhà chùa, không có sự tham gia của các thầy tu trong chùa. Nay nhà chùa đứng ra tổ chức hẳn hoi như một kiểu “tour phóng sinh”, giống như “tour vãng 10 cảnh chùa”,…

Cá, ốc, lươn... chờ được phóng sinh. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Cá, ốc, lươn... chờ được phóng sinh. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Phóng sinh là một việc làm nhân đạo. Khi thấy một con vật bị bẫy, bị trói, bị bắt nhốt, bị đem bán đi để dẫn đến cái chết đau đớn của nó, ta đứng ra xin lại, hay bỏ tiền để mua hay chuộc rồi đem về chữa trị (nếu nó bị thương), cho nó ăn (nếu nó bị đói), rồi cuối cùng phải thả nó trong trạng thái khoẻ mạnh, có khả năng tự tìm thức ăn, trở lại môi trường sống của nó hay trả nó về bầy đàn của chúng. Đó chính là hành động phóng sinh đúng nghĩa, mang tính nhân văn và phù hợp với khoa học tự nhiên.

Hiện nay, các “phong trào” phóng sinh tổ chức quyên tiền, mua lại cá, rùa từ những trại nuôi cá. Điều cần thấy rõ, là họ mua những hầm cá đã quá lứa mà chủ nhân của các hầm cá này khó bán, bị thương lái chê, nhà máy chế biến từ chối mua vào. Chủ hầm cá để nuôi tiếp thì tốn tiền thức ăn, tốn tiền nhân công chăm sóc quá nên bán rẻ với số lượng lớn. Ít thấy ai mua cá giống nhỏ từ các trại ươm cá, có chứng nhận sạch bệnh.

Phóng sinh tổ chức tại chùa. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Phóng sinh tổ chức tại chùa. Ảnh: TRÚC PHƯƠNG

Các loại cá quá lứa này, suốt ngày chỉ biết ngóc miệng chờ thức ăn làm sẵn quăng xuống, chúng hoàn toàn không có khả năng tìm thức ăn, không bắt mồi được từ thiên nhiên, không có khả năng tự vệ chống trả hay trốn chạy với những yếu tố bất lợi. Thả ra tự nhiên, chắc chắc chúng sẽ chết đói hoặc bị các loài khác tấn công. Hoặc một số loài trở nên hung hãn như rùa tai đỏ, cá lau kiếng, cá hổ, cua…, tiêu diệt các loài bản địa hoặc giành thức ăn của các loài bản địa, kể cả các loại thức ăn không hạp với chúng để sống còn. Một số cá nuôi đang bị nhiễm bệnh, khi thả xuống sông có thể là nguồn phát tán dịch bệnh ra diện rộng hơn, lúc đó rất khó ngăn chặn. Đây là những vấn đề đáng lo.

Chuyện mua chim phóng sinh sẽ nảy ra nhu cầu săn bắt chim hoang dã bằng những kiểu bẫy tàn độc như lấy kim chỉ may mù mắt chim mồi, rải thuốc độc, cắt gân cánh, bỏ đói, nuôi nhốt chật hẹp.

Ngay cả việc mua động vật lớn thả phóng sinh, nếu không có kiến thức sinh thái và khoa học, hiểm hoạ cũng sẽ lớn không ngờ. Trong môi trường thuỷ vực, mỗi vùng tự nhiên đã quy định một số loài nhất định, số quần thể giới hạn tương ứng với nguồn thức ăn tự nhiên mà loài thuỷ sinh đó có thể tự kiếm thức ăn để tồn tại. Nếu thả thêm nhiều số loài khác như cá trê, cá basa, cá lóc, các chép, cá thát lác,…, kể cả một số người thả luôn rùa tai đỏ, cá lau kiếng, cua…. với số lượng lớn sẽ tạo ra một sự xáo trộn sinh thái, nhiều loài sẽ chết tức tưởi dần dần vì đói, bị thương tật, bị nhiễm bệnh, bị ngộ độc, bị shock nước, ….

Ngay cả những người đi phóng sinh, cả tín đồ lẫn tu sĩ, khi tiếp xúc trực tiếp với cá, rùa, chim, thú, không hề có trang thiết bị bảo hộ cần thiết như găng tay, khẩu trang, thuốc khử khuẩn,… thì cũng có thể có nguy cơ bị lây nhiễm một số bệnh sinh vật phóng sinh như bệnh ghẻ lở, bệnh nấm da, khuẩn E. Coli, sốt Ebola, cúm A, đậu mùa khỉ và một số dịch bệnh lạ khác… cho chính bản thân mình, đem bệnh về chùa chiền và cộng đồng tín hữu.

Nên tỉnh táo nhận thức, nếu không, tưởng rằng làm phước thiện nhưng vô tình gây ra cái đau đớn cho chúng sinh, ác nghiệp đôi khi là đây.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm