Phóng xạ rò rỉ hiện chưa quá nguy hiểm

Giới chức Nhật đã sơ tán những người dân khỏi vùng bán kính 20 km quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima I sau vụ nổ làm bay mái của nhà máy này. Người ta phát hiện thấy chất phóng xạ rò rỉ ra không khí cùng những luồng hơi phụt ra từ nhà máy. Một số chuyên gia đã lên tiếng trấn an, giải thích về thành phần hóa học của chất phóng xạ bị rò rỉ.

Tử thần: Đồng vị phóng xạ iodine-131

Trong tất cả các loại hạt phóng xạ, chỉ một số ít là nguy hiểm chết người nếu chúng tập trung lại với mật độ lớn. Những chất này được gọi là “đồng vị phóng xạ” - các dạng khác nhau của một nguyên tố hóa học có khả năng phân rã và bức xạ phóng xạ.

Trong luồng khí rò rỉ từ lò phản ứng hạt nhân của Nhật, những thành phần phổ biến nhất gồm có iodine-131, cesium-137, xenon-133, xenon-135 và krypton-85. Trong các đồng vị phóng xạ này, nguy hiểm nhất là iodine-131, có thể gây ung thư tuyến giáp và máu trắng một khi nạn nhân hít vào người. Các chất khí như krypton-85 và xenon-133 thì không tác động gì tới xương và mô nhưng có thể gây hại cho những cơ quan khác trong cơ thể. Tuy nhiên, theo hai nhà khoa học hạt nhân Mỹ Dave Lochbaum và Neil Sheehan, thực tế là cơ thể người hằng ngày cũng đã hấp thụ một lượng phóng xạ nào đó, tỏa ra từ các tia vũ trụ hoặc từ màn hình tivi, máy tính. Còn thứ phóng xạ - sản phẩm phụ của nhà máy hạt nhân - thì phải tập trung thành một mật độ rất lớn mới có thể gây nguy hiểm.

Phóng xạ rò rỉ hiện chưa quá nguy hiểm ảnh 1

Đo mức phóng xạ cho người dân sống gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ngày 13-3. Ảnh: REUTERS

Mặc dù nồng độ phóng xạ tại một phòng điều khiển lò phản ứng hạt nhân cao gấp 1.000 lần mức bình thường, các quan chức Nhật vẫn khẳng định rằng nồng độ phóng xạ thoát ra bên ngoài nhà máy là không quá nguy hiểm. Dù vậy, họ vẫn khuyến cáo người dân địa phương uống nước đóng chai, ở yên trong nhà, đeo khẩu trang che mũi và miệng.

Riêng nhằm đối phó với đồng vị phóng xạ iodine-131, chính quyền địa phương cũng đã lên kế hoạch phân phát thuốc có chứa kali iốt cho dân chúng. Chất này sẽ cung cấp cho tuyến giáp một dạng iốt bền vững nhằm bảo vệ tuyến giáp trước khi nó hấp thụ loại đồng vị phóng xạ nguy hiểm nọ.

Phát tán sang VN không đáng kể

PGS-TS Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, cho biết Việt Nam vẫn theo dõi liên tục tình hình ảnh hưởng của phóng xạ từ vụ nổ nhà máy điện hạt nhân của Nhật qua hai trạm quan trắc tại Hà Nội và Đà Lạt. “Nhiều khả năng vụ nổ ở Nhật không ảnh hưởng đến Việt Nam. Viện đang theo dõi diễn biến ở Nhật và tìm hiểu thêm tài liệu để rút kinh nghiệm sắp tới trong công tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam”.

Ngày 13-3, Chính phủ Việt Nam đã quyết định trợ giúp nhân dân Nhật 200.000 USD để góp phần khắc phục hậu quả do trận động đất và sóng thần gây ra.

Một cán bộ lãnh đạo Cục Kiểm soát và An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ Khoa học và Công nghệ) giải thích hiện chưa thể khẳng định dự đoán phóng xạ từ vụ nổ nhà máy hạt nhân tại Nhật phát tán khắp Thái Bình Dương. Thực tế vụ nổ không đến mức quá nặng nề như vụ Chernobyl tại Ukraine năm 1986. Việt Nam với Nhật không xa nhưng gió thổi từ Nhật ra Thái Bình Dương là thổi ra chứ không thổi vào.

Chiều 12-3, PGS-TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt, cho biết sau khi xảy ra sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 ở Nhật, Viện đã quan trắc theo dõi diễn biến tình hình ngày đêm để sẵn sàng đưa ra cảnh báo phóng xạ khi cần thiết.

Theo kết quả nghiên cứu của Viện, độ phóng xạ đo được là 100 lần mức bình thường và với vận tốc gió mùa Đông Bắc như hiện nay thì nếu phóng xạ bị rò rỉ có phát tán đến Việt Nam cũng phải mất khoảng một tuần. Tuy nhiên, phóng xạ sẽ bị pha loãng trong không khí nên cho dù có đến Việt Nam thì cũng ở mức rất thấp hoặc không phát hiện được.

X.VŨ - G.NGUYÊN - P.ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm