Vào đầu năm học, nhiều phụ huynh phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM tình trạng nhà trường tổ chức thu tràn lan nhiều khoản tiền. Phụ huynh cho rằng các khoản thu cứ mỗi năm tăng dần về số khoản và mức thu, trong khi cuộc sống của họ ngày càng khó khăn, nhất là thành phần lao động nghèo, cán bộ viên chức ăn lương nhà nước.
Thu tiền nước bán trú rồi thêm tiền nước chính khóa!?
Một phụ huynh tên N. đưa cho chúng tôi xem một danh sách gồm 17 khoản thu “theo thỏa thuận” do Trường THCS Colette (quận 3, TP.HCM) ban hành. “Các khoản thu dài như sớ Táo quân thật tình làm tôi choáng” - vị phụ huynh nói. “Phụ huynh chúng tôi đã đóng học phí rồi, sao lại lòi ra các khoản này? Đây không phải là học phí sao, vậy hiểu như thế nào là học phí?” - phụ huynh này thắc mắc.
Cũng theo vị phụ huynh, hàng loạt khoản thu “khủng” này của Trường Colette phải “thống nhất” trước với phụ huynh nhưng thực tế ở các lớp đã bắt đầu thu. Cụ thể một số khoản thu gồm: Đầu tư trang bị phòng máy tính: 30.000 đồng/tháng; máy lạnh và máy chiếu: 100.000-500.000 đồng/năm (theo khối lớp); video và lab: 60.000 đồng/tháng; tiền điện: 20.000 đồng/tháng; tiếng Anh + toán nâng cao: 200.000 đồng/tháng…
Phụ huynh N. cho rằng trong đó có những khoản thu khó hiểu như phụ huynh đã trả “học phí bán trú”, “tiền phục vụ bán trú” sao lại phải trả thêm các khoản “vệ sinh bán trú”, “nước uống bán trú”; tiền “học phẩm” được giải thích là tiền đề thi, giấy thi là sao… “Tôi bực mình nhất là đã có “tiền nước bán trú” lại thêm “tiền nước chính khóa”…” - chị N. nói trong bức xúc.
Theo giải thích của ông Lê Kim Giang, Hiệu trưởng nhà trường, các khoản thu đã thống nhất trong ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) trường, trong đó có những khoản thu từ năm trước nên năm nay tiếp tục thu như tiền máy lạnh, đèn chiếu.
Ngày 21-9, Trường Colette tổ chức đại hội CMHS, kêu gọi phụ huynh đóng góp để cải tạo khu nhà vệ sinh, phòng thực nghiệm với số tiền lên đến 2 tỉ đồng. Bình quân mỗi phụ huynh phải đóng khoảng 500.000 đồng/năm. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh bày tỏ không đồng tình chủ trương này.
Chưa biết mặt mũi bảng thông minh cũng phải đóng
Anh Phạm Phú Thái, phụ huynh có con học ở Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), gọi điện thoại đến Pháp Luật TP.HCM cho biết: “Vợ chồng tôi là công nhân lao động, đầu năm nhà trường đã thông báo đóng tất cả khoản tiền ngót nghét 2 triệu đồng. Cho con đi học bây giờ sao tốn kém quá!”.
Danh sách 17 khoản thu “theo thỏa thuận” của Trường THCS Colette.
Anh Thái cho biết cụ thể mỗi phụ huynh phải đóng 280.000 đồng trang bị bảng thông minh, phí hoạt động phong trào 50.000 đồng, 200.000 đồng/năm lắp hệ thống âm thanh cho 45 phòng học, 200.000 đồng tiền hỗ trợ phong trào HS, 200.000 đồng mua balô có logo trường, gần 500.000 đồng với một bộ đồng phục đi học và một bộ đồ thể thao, học phí… “Tôi thấy phi lý nhất là đóng tiền mua bảng thông minh. Địa bàn dân ở đây nghèo, mua đồng phục và sách vở cho con còn dè dặt, nói gì bỏ tiền mua bảng thông minh mà phụ huynh chẳng biết mặt mũi nó ra sao. Chưa kể, xã hội hóa thì phải chờ họp phụ huynh rồi mới thống nhất là có đồng ý mua hay không. Đằng này chưa họp phụ huynh đã bị bắt đóng tiền rồi!” - anh Thái bức xúc.
Trả lời về các khoản thu này, bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết tất cả khoản thu này đều đã thống nhất trong hội nghị CMHS cuối năm học 2013-2014. Riêng tiền trang bị dàn âm thanh, lúc đầu trường có kế hoạch lắp với giá 5 triệu đồng/phòng học, chia đều mỗi HS phải đóng 200.000 đồng. Sau vì thấy mắc quá, trường đã tính toán lại với đơn vị cung cấp để lắp giá rẻ hơn, khoảng 1,7 triệu đồng/phòng. Số tiền dôi ra trường sẽ trang bị một dàn âm thanh chung của trường và bổ sung vào quỹ tấm lòng vàng để hỗ trợ HS. “Tất cả khoản thu đều được công khai, minh bạch và có sự đồng thuận trong hội phụ huynh của trường. Số tiền chia theo bình quân nhưng không bắt buộc phụ huynh phải đóng một lần. Phụ huynh chỉ cần ghi giấy hẹn đóng hoặc sẽ được miễn, giảm nếu thuộc diện khó khăn” - bà Hương cho hay.
Điệp khúc “đã thông qua ban đại diện CMHS”
Chị TQ, có con đang theo học tại Trường Tiểu học Tạ Uyên (huyện Nhà Bè), thắc mắc việc nhà trường thu quá nhiều khoản tiền và ấn định phụ huynh phải đóng như nhau. Cụ thể, chị phải đóng hơn 1 triệu đồng, trong đó đã thu tiền “kiểm tra định kỳ” 20.000 đồng/năm, trường còn thu thêm tiền “kiểm tra thường xuyên” 50.000 đồng/năm; đã có tiền “tăng cường tiếng Anh” 70.000 đồng/tháng, trường còn thu thêm tiền “học tiếng Anh với người bản xứ” với 170.000 đồng/tháng...
Bà Trần Thị Lợi, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết các khoản nhà trường thu đều dựa theo hướng dẫn từ Phòng Giáo dục huyện và đã thông qua ban đại diện CMHS. Về tiền kiểm tra định kỳ và thường xuyên, nhà trường thu tiền để in đề kiểm tra luôn, HS khỏi mất công tự bỏ giấy và chép lại đề như trước đây. “Dù ấn định mức chung nhưng nhà trường không bắt buộc” - bà Lợi lý giải.
PHẠM ANH
Các khoản thu biến tướng đều trái quy định Việc các trường học công lập kêu gọi phụ huynh đóng góp các khoản tiền liên quan đến việc học của HS ngoài học phí là sai. Cho dù các khoản này được thể hiện dưới dạng “thu chi theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh” thì cũng là vi phạm, bởi lẽ về bản chất chúng là các khoản thu biến tướng ngoài quy định tại Điều 105 Luật Giáo dục. Việc này cũng vi phạm Điều 33 Nghị định 75-2006 của Chính phủ khẳng định ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, HS trường công lập hoặc gia đình người học không phải đóng khoản tiền nào khác. Theo đó hành vi biến tướng các khoản thu này thuộc thẩm quyền kiểm tra, xử lý của thanh tra giáo dục các cấp. Nếu có chứng cứ khẳng định rõ trường nào vi phạm thì cơ quan này căn cứ theo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục của Chính phủ để đưa ra mức hình phạt. Tùy theo tính chất, mức độ gây thiệt hại, người bị thiệt hại (HS và gia đình HS) có thể khởi kiện trường đó ra tòa yêu cầu hủy bỏ các khoản thu trái quy định và hoàn lại tiền cho mình. Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC, Đoàn Luật sư TP.HCM T.TÙNG ghi Khi được hỏi về các khoản thu do phụ huynh phản ánh, lãnh đạo nhà trường hầu hết đều có trả lời giống nhau: “Đã thông qua ban đại diện CMHS”, coi đó như một cơ sở pháp lý để hợp thức hóa các khoản thu trong nhà trường. Tuy nhiên, theo Thông tư 55 do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2011 quy định về điều lệ ban đại diện CMHS có ghi rõ: “Ban đại diện CMHS không được quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các CMHS”. Thông tư này còn nhấn mạnh: “Ban đại diện cha mẹ không được quyên góp của người học hoặc gia đình người học các khoản sau: Các khoản ủng hộ không theo nguyên tắc tự nguyện; các khoản ủng hộ không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của Ban đại diện CMHS như vệ sinh lớp học, vệ sinh trường; khen thưởng cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhà trường; mua sắm máy móc, trang thiết bị, đồ dùng dạy học cho trường, lớp học; hỗ trợ công tác quản lý, tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục; sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới các công trình của nhà trường…”. Như vậy căn cứ vào Thông tư 55, rõ ràng nhiều trường đã làm sai! |