Thôi thì thu tiền gì, khoản nào, trùng lắp ra sao... không mấy phụ huynh phản ứng nếu nó đã được “ban phụ huynh” thông qua và tổng số tiền phải nộp không quá lớn (trong phạm vi 1,5-2,5 triệu/học kỳ được xem là mức trung bình). Tuy nhiên, nếu ngoài khoản này mà lại phát sinh các khoản khác bất hợp lý thì phụ huynh lại vô cùng lo ngại, mà “biến tướng” ở một số trường ở Hà Nội đầu năm học này là ví dụ.
Cụ thể, theo Thông tư 17/2012 của bộ trưởng Bộ GD&ĐT về quản lý dạy thêm thì giáo viên đang hưởng lương tại các trường “Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó”. Vì thế sau thông tư này các lớp do “ban phụ huynh” đứng ra tổ chức cho giáo viên “dạy thêm” cho chính các học sinh chính khóa của mình đã phải “biến chuyển” sang hình thức khác: Thành lập các trung tâm dạy thêm có pháp nhân để học sinh “tự nguyện” xin học và trung tâm thuê chính giáo viên chính khóa về dạy các học sinh “tự nguyện” đó, mức học phí vẫn như cũ!
Điều đáng nói là sau hai năm thực hiện quy định này, các trung tâm ngày một phát triển và số tiền học sinh phải nộp cũng “phát triển” theo, như việc một số trung tâm dạng này đã bắt đầu thu thêm khoản tiền “quản lý phí” với mức thu ngày một cao. Lẽ dĩ nhiên không phụ huynh nào dám ra mặt phản đối bởi đương nhiên đó là khoản thu hợp pháp của một pháp nhân hoạt động theo pháp luật và theo cơ chế thị trường và nhất là con em họ vẫn nằm trong “vòng tay” giáo viên đang dạy chính khóa.
Đến đây nhiều người giật mình. Hóa ra quy định của Bộ GD&ĐT tưởng chặt chẽ đã bị vô hiệu hóa một cách dễ dàng và thậm chí đã tạo điều kiện cho “các nhà đầu tư giáo dục” tăng phí một cách công khai, hợp pháp mà phụ huynh ít dám kêu ca. Thương mại hóa giáo dục tưởng là cụm từ xa xôi nào đó chứ thật ra nó đã bắt đầu như thế...
P.MAI