Từ bao giờ mà việc đóng tiền trường vào đầu các năm học trở thành nỗi lo lắng, thậm chí “hồi hộp” của hàng triệu phụ huynh? Dù có con em học trường công hay trường tư thục thì nỗi lo của các bậc cha mẹ là như nhau.
Đến hẹn lại lên, cứ đầu năm học, vào ngày họp phụ huynh, nhiều trường sẽ ban hành một thông báo rất rõ ràng, lịch sự những khoản thu, đóng góp có tính chất “bắt buộc tự nguyện” gửi đến phụ huynh. Có trường linh hoạt hơn, chỉ thông báo miệng để phụ huynh tự ghi chép.
“Hàng chục khoản thu, từ học phí chính khóa, tiền học tăng cường, phí bảo trì, bảo dưỡng, mua sắm, nước uống, phục vụ, đồng phục, cây xanh, quỹ A, quỹ B… chóng cả mặt. Tại sao bây giờ trường thu nhiều khoản vậy?”, một phụ huynh bức xúc.
Muôn hình vạn trạng biến tướng tiền trường
Tình trạng lạm thu của các trường đang trở thành vấn nạn của xã hội. Không chỉ xảy ra ở đô thị mà đến cả các vùng nông thôn. Cách đây một năm, trường Trường Tiểu học Đông Hà, xã Nghĩa Hà (Tư Nghĩa-Quảng Ngãi) đã khiến phụ huynh một phen bất ngờ khi đưa ra danh sách 16 khoản thu với số tiền lên đến 1,2 triệu đồng/em. Ở một vùng quê thuần nông như Nghĩa Hà, con số này quả là một vấn đề. Vấp phải sự phản đối quyết liệt của phụ huynh và báo chí vào cuộc, trường Đông Hà đã giảm xuống… 13 khoản thu.
Theo phản ánh của phụ huynh học sinh trường mầm non Nam Sơn (Hải Phòng), đầu năm học này, nhà trường thông báo tới phụ huynh một số khoản phí khá… khó hiểu như: tiền hỗ trợ lương giáo viên 82.000 – 126.000đ/1 tháng/; trông ca 100.000đ/1 tháng, trông xe máy 20.000/đ 1 tháng, xe đạp 10.000đ/ tháng; sân vườn 100.000đ/năm, chất đốt 50.000đ; đồ dùng học tập 300.000đ/ năm; đồ dùng phục vụ ăn ngủ 100.000đ/ năm; khuyến học 20.000đ, sửa chữa điện nước 100.000 đ/năm.... tổng các khoản tạm thu lên tới 2.000.000đ.
Danh mục các khoản phí tại trường mầm non Nam Sơn
Chưa dừng ở đó, đến cuối tháng 8, trường lại thông báo sẽ xây thêm một dãy phòng học, vận động phụ huynh học sinh ủng hộ thêm tiền hỗ trợ giải phóng mặt bằng là 1.000.000đ/1trẻ, lắp máy lạnh 1.000.000đ/1 trẻ, sửa chữa nhà vệ sinh 400.000VNĐ/1 trẻ… khiến nhiều phụ huynh ngã ngửa, không biết là đang cho con đi học hay đang là… chủ đầu tư của nhà trường.
Vừa qua, vụ bê bôi lạm thu tiền trường ở trường THPT Hùng Vương đã đi quá giới hạn, đến mức thanh tra Sở GD&ĐT TP.HCM phải vào cuộc. Ở trường này, theo phản ánh của các học sinh lớp 11, hàng năm các em phải đóng một khoản gọi là tiền hỗ trợ giáo viên (trong khi giáo viên đi dạy là đã có lương). Năm nay, khoản tiền này đã được đổi mới tên gọi thành “Tiền hỗ trợ dạy và học”. Ngoài tiền học chính, học phụ, hỗ trợ thì còn một khoản tên là “khác” 100.000 đồng.
Trường này có gần 80 lớp với khoảng 3.500 học sinh. Trong năm học trước, trường đã thu được khoảng trên 1 tỷ 500 triệu đồng cho khoản thu hỗ trợ dạy và học.
Trường PTTH Hùng Vương đang bị thanh tra kiểm tra các khoản lạm thu trong năm học mới
Phụ huynh được nghe gì?
Nhiều phụ huynh phản ánh nhà trường thu tiền quá kỹ. Từ chuyện to như sửa trường, mua thiết bị công nghệ… đến việc chi ly như tiền ghế nhựa để ngồi chào cờ.
Trong khi nhà trường hoạt động đều có ngân sách của Bộ, Sở… thêm khoản học phí hàng năm, thế nhưng tất cả mọi chi phí lớn bé của trường vẫn vận động từ túi tiền phụ huynh. “Còn nhớ cách đây 20 năm, lần đầu tiên ba mẹ tôi phải đóng tiền cho trường để mua phần thưởng cho tôi vào lễ tổng kết năm học. Bây giờ khi chính mình đi đóng tiền trường cho con, tôi thấy những khoản phụ phí kiểu này đã được “sáng tạo” đến mức không ngờ”, chị Hoàng Hà (Tân Bình) chia sẻ.
Từ cấp mầm non, tiểu học (Hình ảnh chỉ có tính minh họa)
Chị Anh Thư, phụ huynh có con học tại một trường điểm trên địa bàn TP. Quảng Ngãi cho hay: “Để con được lên sân khấu diễn văn nghệ, mỗi phụ huynh phải đóng tới 450.000 đồng. Đã vậy, con còn dặn dò cha mẹ là đi họp phụ huynh không được phàn nàn, như thế con sẽ bị phân biệt đối xử ”.
Trả lời cho những thắc mắc của phụ huynh, thường phía nhà trường đều đưa ra lời cam đoan đây hoàn toàn là những khoản thu chính đáng, đúng theo chỉ đạo của cấp trên và đã được thông qua Hội cha mẹ học sinh. Những thầy cô Hiệu trưởng các trường như bà Nguyễn Thị Xuân Hương, trường THPT Bình Hưng Hòa (Bình Tân), ông Lê Kim Giang, hiệu trưởng Colette (Quận 3) đều tuyên bố rõ ràng “tất cả khoản thu này đều đã thống nhất trong hội nghị cha mẹ học sinh”. Chỉ cần như vậy là hợp thức hóa được vấn đề.
Đến bậc phổ thông trung học, nhiều trường vẫn đang tiếp tục thu các khoản phí "trời ơi" từ túi phụ huynh. (Hình ảnh chỉ có tính minh họa)
Tuy nhiên, có thực sự 100% cha mẹ học sinh đều biết và tán thành kiểu thu phí như vậy hay không? Hay vẫn có trường hợp thắc mắc không biết kêu ai, còn muốn kêu lại sợ con mình bị phân biệt đối xử. Đa phần phụ huynh đều cố nhắm mắt cho qua. Với gia đình khá giả có lẽ vấn đề không nghiêm trọng, nhưng với nhiều gia đình khó khăn hơn, tiền trường đôi khi trở thành nỗi ám ảnh. Hơn nữa, cần hiểu rõ đây là việc làm sai, không tuân thủ các quy định, thông tư của Bộ GD&ĐT, gây thiệt hại trực tiếp đến phụ huynh-học sinh trên diện rộng.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đã yêu cầu tăng cường kiểm tra, rà soát tình trạng lạm thu đầu năm học, có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Để phát hiện ra những biến tướng của việc lạm thu tiền trường, báo Pháp luật TP.HCM mời bạn đọc kể câu chuyện của chính mình khi đứng trước các khoản thu vô lý như trên.
Mọi thông tin cá nhân của người phản ánh sẽ được bảo mật. Tất cả ý kiến của quý phụ huynh có thể gửi về hộp thư chonglamthu@phapluattp.vn hoặc trực tiếp gõ vào phần bình luận dưới bài viết này. Quý phụ huynh có quyền nêu rõ tên trường, địa phương xảy ra lạm thu, hình thức và con số cụ thể, kèm theo chứng từ càng tốt. Chúng tôi sẽ cử phóng viên đến từng trường để chất vấn những người có trách nhiệm nhằm góp phần xóa bỏ vấn nạn nhức nhối này.
Rất mong được đón nhận những ý kiến, thông tin từ quý bạn đọc.