Cuộc họp của đội tuyển Malaysia trước trận chung kết lượt đi AFF Cup 2018 với Việt Nam có sự tham dự của chủ tịch LĐBĐ Malaysia (FAM), ông Hamidin, “phù thủy” Rajagobal, Phó Chủ tịch chuyên môn của FAM và tất nhiên có HLV Tan Cheng Hoe.
HLV Tan Cheng Hoe không giấu báo chí Malaysia là ông mời “phù thủy” Rajagobal làm quân sư giúp Malaysia đánh bại tuyển Việt Nam.
"Phù thủy" Rajagobal giảng giải chiến thuật cho học trò
Nhưng câu hỏi đặt ra là quân sư, “phù thủy” Rajagobal có phép gì? Đó là vấn đề lớn. Lục lại ký ức những lần Malaysia gieo sầu cho bóng đá Việt Nam thì không khó để nói về “phép” của Rajagobal.
Đó là thứ bóng đá “chém đinh chặt sắt”, thứ bóng đá cộc cằn, vào bóng rất cứng rắn, va chạm mạnh, đá đau nhằm làn chùn chân đối phương. Khi đối phương cầm bóng thì Malaysia không ngại lao vào rất nhanh, thực hiện những cú “tắc” rất khô khốc và quyết liệt.
Người mặc áo xanh (bìa trái) là Chủ tịch LĐBĐ Malaysia, ông Hamidin
Vòng bảng SEA Games 2009, U-23 Malaysia chơi nhẹ nhàng thì bị U-23 Việt Nam (do HLV Calisto dẫn dắt) đánh bại 3-1. Sau đó hai đội tái đấu ở chung kết thì U-23 Malaysia (tất nhiên do Rajagobal dẫn dắt) “lột xác” đúng nghĩa.
“Những con hổ” chơi vồ vập, mạnh bạo, vào bóng rất cứng, thô ráp bằng cả hai gầm giày, gây va chạm rất đau đớn. Điều đó làm cầu thủ Việt Nam chơi thiên về kỹ thuật, phối hợp nhóm nhỏ không dám giữ bóng lâu sợ… ăn đòn trước lối vào bóng cứng rắn cùng với tiểu xảo của đối phương.
Cuối cùng U-23 Malaysia của Rajagobal đánh bại tuyển Việt Nam 1-0 bằng lối gây áp lực, đá rát đến độ các học trò Calisto bầm dập sau trận chung kết.
Bài đó tiếp tục được Rajagobal áp dụng một năm sau đó ở bán kết AFF Cup 2010 khi tuyển Việt Nam cũng do Calisto dẫn dắt đối đầu với Malaysia của Rajagobal.
Bán kết lượt đi ở Malaysia thì các học trò Rajagobal tiếp tục chơi thứ bóng đá khô khốc và tiểu xảo ấy đánh bại tuyển Việt Nam 2-0. Sau đó sang Mỹ Đình đá lượt về, Malaysia đã cầm hòa 0-0. Malaysia tiếp tục vào chung kết và đánh bại Indonesia để lên ngôi vô địch.
Điển hình cho lối chơi bóng đầy ác ý và tiểu xảo là cựu đội trưởng Malaysia Safiq Rahim (vừa từ giã đội tuyển). Những năm 2010 thì bộ ba Safiq Rahim, Talaha và Safee Sali chơi rất hay và cũng lắm tiểu xảo, nhất là Safiq.
Ngoài thứ bóng đá “hard rock” đó thì Malaysia cũng sở hữu những cầu thủ rất giỏi chơi bóng nhanh, bóng bổng, khỏe, lỳ lợm. Họ tạo sự khác biệt với tuyển Việt Nam bằng sự vốn có, đó là thể hình, sự lì đòn, khỏe, to, cao.