Phức tạp kéo dài từ 1 bản án không rõ ràng

(PLO)- Các cơ quan chức năng ở tỉnh Bạc Liêu hiểu khác nhau về một bản án; hai bên đương sự cũng không có cách hiểu thống nhất, gây nên nhiều cuộc ẩu đả.

Ngày 21-7, một lãnh đạo ở tỉnh Bạc Liêu đã trả lời PV báo Pháp Luật TP.HCM rằng đơn khiếu nại mà bà Âu Thu An (phường 5) gửi từ tháng 11-2019 sắp được tỉnh giải quyết.

Vụ việc phức tạp đối với cả người dân và chính quyền tỉnh Bạc Liêu do bản án phúc thẩm không nêu được cách xử lý đối với “phần đất thuộc phạm vi lộ giới”. Đến khi có sự thay đổi quy hoạch thì nhiều rắc rối đã phát sinh do có nhiều cách hiểu đối với phán quyết của tòa.

Tháng 4-2023, nhiều người trong gia đình bà An xô gãy một cây cột nên bị phạt hành chính về hành vi hủy hoại tài sản. Ảnh: TRẦN VŨ

Tòa không nêu cách xử lý “phần đất thuộc phạm vi lộ giới”

Ngày 26-9-2011, TAND tỉnh Bạc Liêu xét xử và ban hành Bản án phúc thẩm số 106 về tranh chấp quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà Âu Thu An và bị đơn là bà Lý Ngọc Nương.

Tòa đã sửa án sơ thẩm, tuyên buộc bà Nương trả cho bà An 23,3 m2 đất. Theo tòa, qua đo đạc khảo sát lại, đất tranh chấp có diện tích 385,6 m2, trong đó có 362,3 m2 thuộc phạm vi lộ giới - Bút lục 213. Tuy nhiên, bản án phúc thẩm lại không nêu cách xử lý đối với “phần đất thuộc phạm vi lộ giới” này.

Gần bốn năm tỉnh chưa giải quyết xong khiếu nại

Ngày 11-11-2019, UBND tỉnh Bạc Liêu thụ lý giải quyết đơn khiếu nại lần hai của bà Âu Thu An. Tuy nhiên, từ đó đến nay, bà An chưa nhận được kết quả giải quyết.

Từ tháng 5-2023, PV đã đề nghị UBND tỉnh Bạc Liêu giải thích sự chậm trễ này và hướng giải quyết. Tuy nhiên, đến ngày 21-7, qua điện thoại, một lãnh đạo văn phòng UBND tỉnh Bạc Liêu giải thích cho PV rằng “do vụ việc quá phức tạp, vài ngày nữa tỉnh sẽ họp thông qua kết quả giải quyết khiếu nại cho bà An”.

Đến năm 2014, sau khi có sự thay đổi quy hoạch, phần đất nằm trong phạm vi lộ giới tại vụ án này được đưa ra khỏi phạm vi lộ giới. Phía bà Nương đã làm thủ tục xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCN QSDĐ). Từ thời điểm này, vụ việc bắt đầu phức tạp kéo dài, do các cơ quan chức năng ở tỉnh Bạc Liêu có cách hiểu trái ngược nhau về phán quyết của bản án phúc thẩm.

Ban đầu, UBND phường 8 từ chối thực hiện các thủ tục để bà Nương được cấp GCN QSDĐ, với lý do thửa đất đang còn tranh chấp. Bị khiếu nại, UBND phường 8 làm công văn hỏi TAND tỉnh Bạc Liêu rằng thửa đất 362,3 m2 thuộc phạm vi lộ giới đã được giải quyết hay chưa.

Trong một lần phía bà An và phía bà Nương tranh cãi.

Rắc rối kéo dài do nhiều cách hiểu

TAND tỉnh có công văn ngày 17-8-2015, giải thích bản án đã tuyên “bà An có quyền đăng ký kê khai thửa đất 23,3 m2, bà Nương có quyền đăng ký kê khai thửa đất 362,3 m2”. Từ đó, UBND TP Bạc Liêu hiểu thửa đất tranh chấp đã được tòa giải quyết bằng bản án phúc thẩm nên đã cấp GCN QSDĐ cho bà Nương.

Tháng 1-2015, TAND tỉnh có công văn giải thích nội dung bản án cho bà An rằng “tại thời điểm giải quyết vụ án thì đất trong phạm vi lộ giới không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa”.

Tại công văn trả lời bà An ngày 13-4-2015, Ban Nội chính Tỉnh ủy Bạc Liêu cũng cho rằng phần diện tích đất còn lại (362,3 m2) thuộc phạm vi lộ giới nên không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa.

Bà An đã khiếu nại việc UBND TP Bạc Liêu cấp đất cho bà Nương khi đất đang tranh chấp nhưng bị bác đơn. Tháng 11-2019, bà An được UBND tỉnh Bạc Liêu thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai nhưng gần bốn năm nay chưa trả kết quả.

Trong tháng 6-2022 và tháng 4-2023, gia đình bà An và phía bà Nương đã xảy ra những cuộc xô xát có thương tích, có tổn thất tài sản, nhiều người bị phạt hành chính. Phía bà Nương khẳng định phần đất đã được giải quyết rồi nên UBND TP Bạc Liêu mới cấp giấy cho mình. Trong khi đó, bà An thì đưa ra nhiều chứng cứ thể hiện phần đất chưa được giải quyết tranh chấp. Từ đó, bà Nương cứ làm hàng rào, bà An cứ quyết liệt ngăn cản.

Nội dung tranh chấp

Nguyên đơn Âu Thu An đề nghị tòa tuyên buộc bị đơn Lý Ngọc Nương trả cho mình thửa đất có diện tích 380,18 m2 tại phường 8, TP Bạc Liêu. Lý do đòi đất, theo bà An là đất của gia đình mình, trong khuôn viên Nhà máy xay xát lúa gạo Liên Phong.

Bà An cho rằng trước đây Nhà nước trưng dụng đất của gia đình bà, có cho một số công nhân mượn ở. Khi Nhà nước trả lại Nhà máy Liên Phong, một số người không chịu di dời trả đất mà còn bán qua lại với nhau, trong đó có bà Nương.

Trong khi đó, phía bị đơn không đồng ý, với lý do đất do mình đã mua và được chính quyền chứng thực đúng pháp luật.

Tòa sơ thẩm chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà An. Tuy nhiên, xét xử phúc thẩm, TAND tỉnh Bạc Liêu sửa án, tuyên bà Nương chỉ trả cho bà An 23,3 m2 đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới