Theo hồ sơ, năm 2010, ông Vũ Tất Thắng mua một mảnh đất nông nghiệp rộng 620 m2 thuộc quy hoạch khu công viên Bàu Trũng (phường Nguyễn An Ninh, TP Vũng Tàu) bằng giấy tay (chưa sang tên). Lúc đó trên đất đã có một căn nhà cấp 4.
Xây dựng nhà gỗ không phép
Tháng 9-2011, ông Thắng gửi đơn đề nghị UBND phường Nguyễn An Ninh và Phòng Quản lý đô thị (QLĐT) TP Vũng Tàu cho sửa lại nhà cấp 4 thành nhà lắp ghép bằng gỗ. Ông cam kết khi Nhà nước thu hồi đất sẽ tự nguyện tháo dỡ, không yêu cầu đền bù. Chủ tịch phường khi đó đã xác nhận, đóng dấu vào đơn của ông và chuyển Phòng QLĐT TP xem xét.
Theo ông Thắng, sau đó Phòng QLĐT TP không trả lời nên ông mặc nhiên cho rằng đó là sự cho phép và xây dựng nhà gỗ. Tháng 12-2011, Đội Trật tự đô thị của phường đến lập biên bản, ghi nhận ông đã dựng móng, cột gỗ, kèo trên diện tích 153 m2. Tháng 1-2012, UBND TP Vũng Tàu đã ra quyết định xử phạt hành chính ông Thắng 12,5 triệu đồng và buộc phá dỡ phần xây dựng sai phạm". Tháng 9-2015, chủ tịch UBND phường ban hành quyết định cưỡng chế khác với nội dung buộc ông phá dỡ căn nhà gỗ.
Ông Thắng khởi kiện yêu cầu TAND TP Vũng Tàu hủy quyết định trên vì cho rằng mình chỉ “sai phạm 50%” là làm nhà chưa có giấy phép xây dựng. Còn việc ông làm nhà tạm trên đất quy hoạch và cam kết tự phá dỡ nếu Nhà nước thu hồi là không sai. Quyết định cưỡng chế năm 2012 đã hết hiệu lực, việc chủ tịch phường ra một quyết định cưỡng chế khác năm 2015 là vi phạm thời hiệu. Mặt khác, quyết định năm 2015 ban hành sai thẩm quyền bởi người ra quyết định cưỡng chế nhà ông phải là chủ tịch UBND tỉnh hoặc UBND TP Vũng Tàu chứ không phải cấp phường…
Căn nhà gỗ xây không phép trên đất nông nghiệp của ông Thắng. Ảnh: K.LY
Sơ thẩm bác đơn, phúc thẩm hủy quyết định
Tại phiên xử sơ thẩm tháng 12-2015 của TAND TP Vũng Tàu, đại diện UBND TP Vũng Tàu khẳng định: Phòng QLĐT TP chưa bao giờ tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép xây dựng của ông Thắng. Việc ông Thắng có đơn gửi phường không được coi là hồ sơ xin cấp phép xây dựng hợp lệ. Đất nông nghiệp, thuộc quy hoạch, việc chuyển nhượng chưa đúng quy định nên ông Thắng không thể được cấp phép xây nhà tạm.
“Ông Thắng cho rằng chủ tịch UBND cấp phường không có quyền ký ban hành cưỡng chế phá dỡ đối với căn nhà xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, thuộc quy hoạch của ông là chưa đúng. Những năm qua TP Vũng Tàu đã, đang huy động, tập trung mọi nguồn lực để xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. Việc chậm xử lý vi phạm các căn nhà gỗ không phép, trong đó có nhà ông Thắng khiến người dân mất niềm tin, đặt vấn đề nghi ngờ” - đại diện UBND TP Vũng Tàu nói.
Đồng tình, TAND TP Vũng Tàu đã bác yêu cầu của ông Thắng. Sau đó, ông Thắng kháng cáo.
Tại phiên phúc thẩm mới đây của TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đại diện UBND phường Nguyễn An Ninh và UBND TP Vũng Tàu tiếp tục khẳng định việc phường ban hành quyết định cưỡng chế là đúng thẩm quyền, không vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, khác với cấp sơ thẩm, cả đại diện VKS tỉnh và HĐXX phúc thẩm đều nhận định căn nhà gỗ của ông Thắng thuộc diện được UBND TP Vũng Tàu cấp phép xây dựng nên chỉ cấp này mới có thẩm quyền ký quyết định cưỡng chế phá dỡ. Do đó, tòa đã hủy quyết định cưỡng chế năm 2015 của chủ tịch UBND phường Nguyễn An Ninh.
Tòa phúc thẩm áp dụng sai luật?
Sau phiên tòa trên, Phòng QLĐT TP Vũng Tàu đã có văn bản gửi Sở Xây dựng tỉnh hỏi về thẩm quyền ký quyết định cưỡng chế phá dỡ với những công trình vi phạm do lỗi không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng, trong đó có nhà ông Thắng.
Ngày 4-4, ông Võ Văn Dũng (Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã có văn bản trả lời. Theo đó, Sở Xây dựng tỉnh khẳng định phường Nguyễn An Ninh đã làm đúng luật khi ra quyết định cưỡng chế phá dỡ căn nhà gỗ của ông Thắng. Bởi lẽ theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 180/2007 của Chính phủ (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Xây dựng về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị), đối với những nhà xây dựng không phép thì thẩm quyền xử lý thuộc về UBND cấp xã. Còn đối với những nhà được cấp phép xây dựng nhưng quá trình thi công có sai phạm so với giấy phép đã được cấp thì nơi nào cấp giấy phép nơi đó sẽ ký ban hành quyết định xử lý. Trong trường hợp này, nhà ông Thắng không thể xếp vào diện công trình có giấy phép xây dựng.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Tuấn Khang (Chánh Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết thêm: “Tại Bàu Trũng chỉ có một số vị trí có đất ở ổn định lâu dài, được xem xét cấp giấy phép xây dựng tạm khi dự án chưa triển khai. Căn nhà gỗ của ông Thắng không nằm trong diện này và hoàn toàn không được Sở Xây dựng tỉnh hay UBND TP Vũng Tàu cấp phép. Thẩm quyền xử lý nhà không phép thuộc về phường Nguyễn An Ninh. Không riêng gì TP Vũng Tàu mà cả tỉnh này và cả nước trước nay đều áp dụng như thế. Theo tôi, ở đây tòa phúc thẩm đang hiểu nhầm luật. Tòa tuyên như vậy thì không riêng gì Bà Rịa-Vũng Tàu mà cả nước, không chủ tịch phường, xã nào dám ký quyết định cưỡng chế phá dỡ nhà không phép”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
TAND TP Vũng Tàu sẽ kiến nghị chánh án TAND tỉnh xem xét Trong phiên họp giao ban định kỳ mới đây của TAND tỉnh, tôi đã có ý kiến về bản án phúc thẩm. Qua nghiên cứu bản án, chúng tôi nhận thấy HĐXX phúc thẩm có điểm sai khi đánh đồng thẩm quyền cấp phép xây dựng với thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Trường hợp nhà ông Thắng xây dựng trên đất nông nghiệp, chưa có giấy tờ hợp pháp, không đúng quy hoạch nên cơ quan quản lý ở đây là TP Vũng Tàu không cấp giấy phép xây dựng. Khi ông Thắng vi phạm sẽ thuộc thẩm quyền xử lý của phường Nguyễn An Ninh. Trường hợp này hoàn toàn khác với các công trình nhà ở trong đô thị đủ điều kiện để cấp phép xây dựng nhưng sau khi cấp lại xây sai so với giấy phép đã được cấp hoặc dù đủ điều kiện cấp phép nhưng khi xây dựng lại chưa làm thủ tục xin giấy phép xây dựng. Các trường hợp này nếu phải cưỡng chế phá dỡ thì UBND TP Vũng Tàu sẽ là nơi ban hành quyết định cưỡng chế. Ngày 7-4, chúng tôi sẽ có kiến nghị gửi chánh án TAND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xem xét đề nghị giám đốc thẩm bản án phúc thẩm này. Vụ án này ảnh hưởng rất lớn đến việc quản lý trật tự xây dựng tại địa phương. Nếu lấy bản án này là “án lệ” thì gần như việc xử lý vi phạm nhà xây không phép tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gần như bị đình trệ. Số lượng quyết định mà cấp phường ban hành để cưỡng chế phá dỡ các căn nhà xây không phép là rất lớn. Chưa kể các vụ việc phát sinh sắp tới sẽ bị dồn về UBND TP Vũng Tàu, có thể người dân sẽ khiếu nại hoặc khởi kiện ra tòa để yêu cầu hủy quyết định. Ông NGUYỄN THANH SƠN, Chánh án TAND TP Vũng Tàu 319 quyết định cưỡng chế phá dỡ Theo thống kê của TP Vũng Tàu, trong năm 2015 và đầu quý I-2016, chủ tịch UBND các phường, xã trên địa bàn TP này đã ký 319 quyết định cưỡng chế phá dỡ các căn nhà vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn. |