Pò Hèn - Ký ức còn mãi

Pò Hèn - Ký ức còn mãi

(PLO)- Lịch sử dân tộc mãi khắc ghi sự hy sinh của 45 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn, Quảng Ninh đã anh dũng ngã xuống khi chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc trong ngày 17-2-1979.

Trang sử vẻ vang của Đồn biên phòng Pò Hèn ghi lại: “Vào lúc 4 giờ 43 phút ngày 17-2-1979, địch dùng các loại hỏa lực như súng cối 120 ly, 82 ly… bắn dồn dập vào khu vực trận địa chiến đấu của đồn. Sau khoảng 30 phút bắn cấp tập, khoảng 2.000 lính đối phương tràn sang. Trong khi lực lượng của đồn lúc này chỉ có hơn 50 người nên dù đã kiên cường chiến đấu, tiêu diệt và bắn bị thương nhiều tên địch nhưng do không cân sức dẫn đến đại bộ phận lực lượng của đồn đã hy sinh anh dũng...”.

Ngoài 45 cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn hy sinh, còn có 27 công nhân Lâm trường Hải Sơn, 1 nhân viên thương nghiệp Pò Hèn cũng ngã xuống trong ngày 17-2 năm ấy. Và cho đến ngày 25-6-1991, còn thêm 13 liệt sĩ nữa hy sinh trong khi đang làm nhiệm vụ.

Hôm nay, đúng 45 năm sự kiện 17-2, hàng nghìn cán bộ các cấp chính quyền, quân binh chủng, cựu chiến binh và người dân đã tới thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã mãi mãi gửi lại tuổi thanh xuân nơi miền biên viễn này.

Po-Hen-ky-uc-con-mai.png
Đoàn đại biểu chính quyền các cấp tỉnh Quảng Ninh, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, Quân khu 3 do các ông Nguyễn Văn Ký - UVTW Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh, Trung tướng Lê Đức Thái - UVTW Đảng, Tư lệnh BTL BĐBP và Trung tướng Nguyễn Quang Ngọc - UVTW Đảng, Tư lệnh Quân khu 3 dẫn đầu, dành phút mặc niệm tưởng nhớ anh linh các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn, ngày 17-2. Ảnh: Vững Nguyễn.

Phóng viên PLO được các cựu chiến binh (CCB) Đồn Biên phòng Pò Hèn kể nhiều câu chuyện về sự chiến đấu gan dạ, anh dũng của các liệt sĩ. Đó là Trung úy Đồn phó Đỗ Sỹ Họa, tuy bị thương vẫn không rời trận địa, chiến đấu đến hơi thở cuối cùng; chiến sỹ Nông Văn Điều - người đã phát hiện ra địch sớm nhất và tiên phong chiến đấu với quân địch khi chúng mới bắt đầu tấn công vào cổng đồn; chiến sỹ Hoàng Văn Túc đã kiên cường chiến đấu đến khi hết đạn lại đến chốt khác của đơn vị để chiến đấu và hy sinh trong tư thế đang chiến đấu; cô nhân viên thương nghiệp Hoàng Thị Hồng Chiêm – người con gái dũng cảm sát cánh cùng người yêu là Thượng sĩ Bùi Anh Lượng, đã anh dũng hi sinh để bảo vệ mảnh đất quê hương, bảo vệ biên cương Tổ quốc…

Po-Hen-ky-uc-con-mai-2.JPG
Đoàn Ban Liên lạc Công an vũ trang Pò Hèn (nay là Bộ đội Biên phòng Pò Hèn) đến viếng đồng đội. Ảnh: Vững Nguyễn.

Với những thành tích xuất sắc trong cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ Quốc ngày 19-12-1979, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn đã được Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Po-Hen-ky-uc-con-mai-1.jpg
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn thời điểm trước ngày 17-2-1979. Ảnh: Tư liệu

45 năm đã trôi qua, nhưng nỗi đau mất mát và sự khốc liệt của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc vẫn chưa thể nguôi ngoai trong trái tim người lính trinh sát Đồn Biên phòng Pò Hèn Hoàng Như Lý, người trực tiếp chiến đấu với quân thù trong ngày 17-2-1979.

Điều trăn trở nhất của ông Lý là đến nay vẫn chưa tìm được hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Hiện quê Đông Triều, Quảng Ninh, người lính biên phòng Pò Hèn hi sinh sáng 17-2 năm ấy...

Po-Hen-ky-uc-con-mai-4.JPG
Ngày 17-2 năm nay, ông Lý đưa con trai, con dâu, cháu nội, cháu ngoại đến thắp hương tri ân các các Anh hùng liệt sĩ Đồn Biên phòng Pò Hèn. Ảnh: Vững Nguyễn.
IMG_8774.JPG
Những CCB Đồn Biên phòng Pò Hèn ngậm ngùi tìm lại dấu tích trận chiến năm xưa trên đồi Quế sau Đài tưởng niệm liệt sĩ, nơi các đồng đội đã ngã xuống. Ảnh: Vững Nguyễn.
Po-Hen-ky-uc-con-mai-6.JPG
Với đạo lý uống nước nhớ nguồn, sáng 17-2, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh đã đến Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn thành kính dâng hương tri ân. Ảnh: Vững Nguyễn.

Khu di tích lịch sử Pò Hèn không chỉ là bằng chứng lịch sử về tinh thần, ý chỉ quyết tâm, sự chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, quyết tâm bảo vệ chủ quyền từng tấc đất thiêng liêng nơi biên giới của Tổ quốc của những người lính Đồn Biên Phòng 209 Pò Hèn, của cán bộ, nhân viên Lâm trường Hải Sơn và nhân dân nơi đây. Đây còn là một địa chỉ đỏ để giáo dục truyền thống yêu nước nơi biên giới.

Po-Hen-ky-uc-con-mai-1.png
Đoàn học sinh Trường THPT Chuyên Hạ Long, Quảng Ninh thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn và học tập truyền thống ngoại khóa.
Em Đỗ Phương Linh, học sinh Lớp 10C2 chia sẻ: "Là người con đất Quảng Ninh nhưng hôm nay em mới có dịp đến Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, được nghe các bác CCB kể chuyện truyền thống của Đồn và sự anh dũng của các liệt sĩ, em xúc động vô cùng. Buổi học tập dã ngoại này đã giúp em thêm yêu quê hương, đất nước mình hơn". Ảnh: Vững Nguyễn.
Po-Hen-ky-uc-con-mai-3.png
Rất đông các tầng lớp Nhân dân tới thăm viếng, tri ân các Anh hùng liệt sĩ Pò Hèn trong ngày 17-2. Ảnh: Vững Nguyễn.
Po-Hen-ky-uc-con-mai-3.JPG
Thiếu tá Trần Đại Dương, Chính trị viên Đồn Biên phòng Pò Hèn cho biết, dịp lễ trọng 17-2 năm nay, Đồn đã quán triệt sâu sắc nhiệm vụ đón tiếp chu đáo các đoàn đại biểu nhân dân và các cấp các ngành đến thăm viếng Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ của Đồn đều được học tập truyền thống và nắm chắc các sự kiện lịch sử của Đồn để tuyên truyền tới quần chúng nhân dân, cũng như đông đảo nhân dân đến thăm viếng Khu di tích. Ảnh: Vững Nguyễn.

Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn nay đã được xây dựng khang trang để tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi mảnh đất này.

Trên những mảnh đất ngày nào là bom đạn, chết chóc giờ đã nảy nở cuộc sống mới bình yên. Khép lại quá khứ và mở ra tương lai với việc vận hành tốt lối mở Pò Hèn (Việt Nam) và Thán Sản (Trung Quốc) đã góp phần to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giao thương hàng hóa biên mậu giữa hai 2 nước.

Đọc thêm