Tăng tốc giải phóng mặt bằng làm cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu

(PLO)- Nhiều vấn đề người dân quan tâm tại buổi đối thoại như giá bồi thường thu hồi đất, điều kiện để xét tái định cư, các chính sách bồi thường, hỗ trợ trong quá trình thực hiện dự án.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng 26-10, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã có buổi đối thoại với hơn 200 người dân đại diện cho hơn 3.400 hộ dân thuộc diện di dời của dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Đồng Nai thực hiện dự án còn quá chậm

Mở đầu buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhận định quy mô của Cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Cái Mép đang thúc đẩy phát triển kinh tế cho cả khu vực. Vì vậy, việc xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và sắp tới là cầu Phước An sẽ tạo kết nối hướng đông của Đồng Nai và kết nối với Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

“Công việc quan trọng hiện nay là thu hồi đất để bàn giao mặt bằng triển khai dự án, làm sao để đồng bộ đưa dự án vào sử dụng cùng với sân bay Long Thành vào năm 2026. Do đó, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh gặp gỡ người dân muốn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng về việc bồi thường, tái định cư (TĐC) để làm sao cho người dân sống tốt nhất” - bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai nhấn mạnh.

Tại buổi đối thoại, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết hiện Quốc lộ 51 có lượng xe lưu thông rất lớn, thường xuyên bị quá tải, xảy ra ùn tắc dẫn đến kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc xây dựng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu rất cần thiết, có vai trò hết sức quan trọng để phát triển kinh tế.

P9-bai-vuhoi-caotoc-2h1-thylan.jpg
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh phát biểu tại buổi đối thoại với người dân bị thu hồi đất trong dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu. Ảnh: VH
P9-bai-vuhoi-caotoc-2h2-thylan.jpg
Người dân đưa ra những thắc mắc trong quá trình bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi bị thu hồi đất. Ảnh: VH

Theo ông Đức, đến nay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thu hồi đất, giải phóng mặt bằng hơn 90% nhưng tại tỉnh Đồng Nai việc thu hồi đất còn quá chậm, chưa có mặt bằng triển khai dự án, mới chỉ hoàn thành kiểm kê hơn 50%. Quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai yêu cầu khi thực hiện việc bồi thường, TĐC phải đảm bảo quyền lợi cho người dân. Trong quá trình lập phương án bồi thường, hỗ trợ, TĐC phải minh bạch, công khai và đảm bảo chính xác, tạo sự đồng thuận của người bị thu hồi đất.

“UBND tỉnh Đồng Nai ghi nhận, cảm ơn sâu sắc sự hy sinh to lớn của người dân bị thu hồi đất vì sự phát triển chung của tỉnh, sự phát triển của đất nước” - ông Đức nói.

Những vấn đề người dân quan tâm

Tại buổi đối thoại, nhiều vấn đề người dân rất quan tâm như giá bồi thường, điều kiện xét TĐC cho người bị thu hồi đất, các chính sách chăm lo đời sống và môi trường khi thực hiện dự án…

Ông Nguyễn Văn Quyết (ngụ TP Biên Hòa) cho biết ông mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm giá nhà đất, an sinh xã hội và đặc biệt về xây nhà trên đất nông nghiệp thì sẽ được bồi thường như thế nào. “Nhiều gia đình xây nhà trên đất nông nghiệp, nhiều gia đình mua đất giấy tờ tay nhưng xây nhà ở ổn định hàng chục năm nay thì sẽ bồi thường, xét TĐC thế nào? Ngoài ra, gia đình có năm người con đều xây nhà ở riêng nhưng trên một thửa đất thì xét TĐC hộ chính, hộ phụ ra sao...?” - ông Quyết đặt câu hỏi.

Ngoài ra, nhiều câu hỏi về việc giá bồi thường sẽ tính ra sao, có sát với giá thị trường để đảm bảo quyền lợi cho người dân; người dân vào khu TĐC có phải đóng tiền không? Khi mảnh đất lớn bị thu hồi một nửa thì đất còn lại được làm sổ mới hay không?

Trả lời những thắc mắc của người dân, ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết về việc bồi thường, TĐC đối với trường hợp đồng sở hữu, nhiều người chung một quyền sử dụng đất thì cơ quan chức năng căn cứ bồi thường cho người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, người này sẽ chia tiền bồi thường cho những người có đất chung.

“Còn về phương pháp định giá đất thì thửa đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thửa đất đủ điều kiện cấp giấy nhưng chưa có giấy chứng nhận vì nằm trong phạm vi dự án thì vẫn được bồi thường như nhau” - ông Thường thông tin.

Về giá đất bồi thường, ông Nguyễn Hồng Quế, Phó Trưởng Ban quản lý dự án bồi thường giải phóng mặt bằng và hỗ trợ TĐC tỉnh, cho biết giá đất bồi thường do UBND tỉnh áp giá vào thời điểm có quyết định thu hồi đất. Giá đất sẽ phụ thuộc vào vị trí, loại đất tương ứng và sẽ niêm yết công khai trước khi Nhà nước bồi thường.

Vấn đề TĐC mà người dân quan tâm nhất như gia đình có nhiều hộ sinh sống, xây dựng nhà trên đất nông nghiệp, hộ đủ điều kiện TĐC, còn hộ nào không đủ điều kiện? Ông Quế cho biết: “Điều này cũng đã có quy định, trường hợp đất chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng xây nhà trước năm 2014 và không còn chỗ ở nào khác thì sẽ được xét TĐC”.•

Đề nghị xây dựng khung giá bồi thường tốt nhất cho người dân

Kết thúc buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đề nghị các đơn vị chức năng nhanh chóng thực hiện việc kiểm đếm nhưng phải chính xác và đúng pháp luật, xây dựng khung giá tốt nhất cho người dân. Thực hiện khu TĐC đảm bảo chất lượng, phải bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ và tạo điều kiện cho con em người dân học hành tốt nhất.

Đồng thời yêu cầu các đơn vị thực hiện dự án phải minh bạch thông tin, công khai dự án, kịp thời trả lời một cách rõ ràng, đầy đủ cho người dân. Lãnh đạo đơn vị phải kiểm soát, ngăn ngừa vi phạm trong quá trình giải phóng mặt bằng, không để xảy ra vi phạm tiêu cực, vi phạm pháp luật. “Chúng ta đã đi chậm rồi, bây giờ được sự ủng hộ của người dân thì phải tăng tốc nhanh hơn nữa” - ông Nguyễn Hồng Lĩnh nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm