Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Bảo vệ cán bộ dám đổi mới, tạo xung lực phát triển cho TP.HCM

Để cán bộ dám nghĩ, dám làm được bảo vệ - Bài 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Bảo vệ cán bộ dám đổi mới, tạo xung lực phát triển cho TP.HCM

(PLO)- TP.HCM sẽ triển khai nhiều biện pháp và chính sách khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, vượt qua thái độ hoài nghi, e ngại để thử nghiệm cách làm mới.

LTS: Chính phủ vừa ban hành Nghị định 73/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Vấn đề đặt ra là phải hiện thực hóa các quy định này trên thực tiễn và đồng bộ với các quy định liên quan khác, tạo động lực để cán bộ năng động, sáng tạo, đi đầu trong việc dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Từ đó đem lại hiệu quả cao hơn trong công việc, đặc biệt là với TP.HCM – địa phương đang được trao quyền để thực hiện nhiều cơ chế đặc thù. Pháp Luật TP.HCM mời độc giả theo dõi loạt bài "Để cán bộ dám nghĩ, dám làm được bảo vệ".

***********

TP.HCM đã có những bước đi đầu tiên đầy vững vàng trên hành trình thực hiện Nghị quyết 98/2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hành trình đó sẽ đạt hiệu quả cao hơn nếu ngày càng có nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về vấn đề này, ông Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định TP.HCM sẽ triển khai nhiều biện pháp và chính sách động viên, khuyến khích cán bộ TP phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trên mọi lĩnh vực, giúp cán bộ vượt qua thái độ hoài nghi, e ngại khi thử nghiệm phương pháp, cách làm mới.

Bảo vệ cán bộ dám đổi mới, tạo xung lực phát triển cho TP.HCM.jpg
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng các cán bộ tại hội nghị gặp gỡ giữa Chủ tịch UBND TP.HCM và chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn năm 2023 ngày 27-4. Ảnh: THANH THÙY

TP rất cần có cán bộ dám đổi mới, sáng tạo

. Phóng viên: Thời gian qua, có dư luận cho rằng một bộ phận cán bộ của TP sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, e dè… Nguyên nhân của việc này là gì, thưa ông?

+ Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi: Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (gọi chung là cán bộ) của TP rất tích cực, năng động và có nhiều nỗ lực trong thực hiện công vụ. Nếu không, chắc chắn khó có thể đảm đương được khối lượng công việc khổng lồ của TP trong thời gian qua, nhất là sau khi Nghị quyết 98 của Quốc hội đi vào vận hành.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận tình trạng có một bộ phận cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm, né tránh, e dè… Nguyên nhân của vấn đề này cần được nhìn nhận đa chiều, phân tích cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan.

Về nguyên nhân chủ quan, tôi cho rằng nhận thức, trách nhiệm của một bộ phận cán bộ trong nghiên cứu và chấp hành pháp luật, quy chế làm việc còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vai trò của người đứng đầu chưa nghiêm, còn mờ nhạt, thiếu quyết đoán trong chỉ đạo, điều hành, chưa tạo điều kiện cho cán bộ phát huy tư duy sáng tạo, đổi mới lề lối làm việc. Ngoài ra, kỷ luật, kỷ cương, giám sát, kiểm soát nội bộ cũng chưa được chú trọng đúng mức.

Về khách quan, với vị trí kinh tế đầu tàu của cả nước, bộ máy hành chính của TP phải phục vụ cho hơn 10 triệu dân, đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều của cán bộ để đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong khối lượng công việc đồ sộ ấy, nhiều cán bộ TP đang gặp tình trạng quá tải, không còn thời gian cũng như động lực để đổi mới, sáng tạo, đề ra giải pháp, sáng kiến, cách làm mới.

Các quy định về pháp luật ngày càng hoàn thiện nhưng vẫn còn chồng chéo, chưa có sự đồng bộ dẫn đến tình trạng nhận định vấn đề khác nhau, áp dụng khác nhau, đôi khi có những quy định chưa theo kịp thực tiễn.

Bối cảnh này ít nhiều cũng ảnh hưởng đến sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ TP.

can-bo-dam-nghi-dam-lam-quan-7-bao-phuong.JPG
Việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của TP.HCM mà còn đối với cả nước. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Cán bộ dám nghĩ, dám làm sẽ được xem xét ưu tiên quy hoạch, bổ nhiệm

. Vậy việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám làm, dám chịu trách nhiệm có ý nghĩa thế nào đối với sự phát triển của TP.HCM?

+ Theo tôi, việc bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung không chỉ có ý nghĩa đối với sự phát triển của TP.HCM mà còn đối với cả nước.

Lịch sử TP từng ghi nhận những tấm gương cán bộ lãnh đạo bản lĩnh, sáng tạo, quyết đoán trong từng quyết sách, mạnh dạn vượt qua những rào cản về cơ chế, “xé rào”, “bung ra”, thí điểm những cách làm mới giúp TP giải quyết khó khăn, là tiền đề cho quá trình đổi mới của cả nước.

Chẳng hạn như chủ trương cho phép nhà máy, xí nghiệp thử nghiệm “kế hoạch ba phần”, về miền Tây mua gạo cứu đói cho 3 triệu dân TP của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy TP.HCM.

Sau giai đoạn đó, TP.HCM đã đề xuất nhiều mô hình sáng tạo, thí điểm và được Trung ương cho phép nhân rộng ra cả nước…

Có tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm

Có ba vấn đề còn tồn tại, hạn chế dẫn đến những khó khăn của đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Thứ nhất, việc phân cấp phân quyền đạt kết quả chưa cao, chưa rõ ràng. Có nhiều việc quyền hạn không rõ nên phải đi hỏi. Mà mỗi lần hỏi như vậy mất tối thiểu ba tháng, trung bình là sáu tháng và thậm chí có vấn đề tới chín tháng để nhận được một văn bản trả lời rằng làm theo quy định của pháp luật. Cùng đó là tư duy là thích ôm đồm trong xây dựng chính sách nên không chịu phân cấp.

Thứ hai, việc xử lý trách nhiệm trong xây dựng pháp luật chưa thực hiện được. Cán bộ làm sai bị xử rất nặng, cán bộ nói sai đường lối, chủ trương, nghị quyết cũng từng bước xem xét kỷ luật. Vậy nhưng cán bộ ban hành một nghị định, thông tư, thậm chí cao hơn là một luật mà khi triển khai gặp nhiều vướng mắc, rắc rối thì “chưa ai bị làm sao hết”.

Thứ ba, tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm. Tuy nhiên, cán bộ sợ sai thì đúng bởi làm mà không sợ sai mới nguy hiểm. Sợ sai để làm kỹ hơn, nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, cân nhắc trước sau lợi hại đến quốc kế dân sinh trước khi quyết định là một phẩm chất cần thiết của cán bộ.

Chủ tịch nước VÕ VĂN THƯỞNG phát biểu tại phiên thảo luận tổ ngày 24-10

Đây là những minh chứng sinh động cho thấy từ trong thực tiễn của TP.HCM, đã và luôn xuất hiện những cán bộ lãnh đạo, quản lý phát huy được vai trò nêu gương của người đứng đầu, luôn sáng tạo trong từng suy nghĩ và việc làm, “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” vì lợi ích chung của nhân dân.

. Vậy TP.HCM có những chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung ra sao?

+ TP đã có kế hoạch thực hiện Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị và đang xây dựng kế hoạch triển khai Nghị định 73/2023 về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

TP cũng đang xây dựng đề án về nền công vụ TP.HCM hoạt động hiệu lực, hiệu quả, dự kiến sẽ được thông qua trong năm 2023 và sớm triển khai thực hiện. Đề án đang được nghiên cứu theo hướng chuẩn hóa quy trình công vụ trên tinh thần tinh gọn, rõ việc, rõ người, minh bạch, dễ đánh giá, tổ chức bộ máy phù hợp, cải thiện điều kiện làm việc và hiện đại hóa nền hành chính. Đề xuất nhiều chính sách vượt trội về tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật và nhiều chính sách về thu nhập, nhà ở, phát triển bản thân…

Những chính sách này được kỳ vọng sẽ làm chuyển biến bộ máy hành chính của TP, hướng đến mục tiêu xây dựng nền công vụ hiệu lực, hiệu quả, phục vụ nhân dân, kiến tạo phát triển. Đặc biệt, khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Mới đây, TP đã tổ chức gặp gỡ cán bộ lãnh đạo cấp phòng của các cơ quan TP và đã thống nhất cơ chế tham mưu, đề xuất vừa đảm bảo thực hiện đúng quy định, vừa mở ra không gian vận dụng vì lợi ích chung.

Trên cơ sở đề xuất của cán bộ thì lãnh đạo sở, ngành và UBND TP có trách nhiệm quyết định và chịu trách nhiệm. UBND TP sẽ tiếp tục chỉ đạo cụ thể hóa nội dung này để cán bộ mạnh dạn thực hiện “dám nghĩ, dám làm”.

bao-ve-can-bo-dam-nghi-dam-lam.JPG
Những cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao sẽ được ưu tiên bố trí quy hoạch, bổ nhiệm. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Mở rộng không gian giúp cán bộ sáng tạo, hiến kế

. Với những cơ chế trong đề án riêng của TP và những cơ chế trong Nghị định 73, ông kỳ vọng sẽ có hành lang pháp lý vững chắc, ổn định bảo vệ cán bộ ra sao?

+ Như tôi thường nói, không một văn bản nào có thể giải quyết tất cả mọi vướng mắc, Nghị định 73 vừa ban hành hay đề án nền công vụ của TP cũng vậy. Tuy nhiên, đây được xem là một bước cụ thể hóa quan trọng, thêm hành lang pháp lý cần thiết để cán bộ tự tin hơn trong thực hiện chức trách, mạnh dạn đề xuất các cách làm mới.

Thời gian tới, TP sẽ đặt trọng tâm vào việc phát huy vai trò nêu gương, đi đầu của người đứng đầu các cấp. Tôi cho rằng việc này có ý nghĩa hết sức quan trọng. Người đứng đầu phải nêu gương, tránh mọi biểu hiện ngại rủi ro, sợ mạo hiểm, ngại va chạm. Đồng thời cũng hết sức chú ý phòng ngừa, ngăn chặn các hiện tượng “tranh công, đổ lỗi”.

Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương phải thường xuyên quan tâm, lắng nghe, tạo môi trường thuận lợi để cấp dưới thuộc quyền quản lý cảm nhận được không khí thoải mái, mạnh dạn đề xuất, hiến kế, thể hiện năng lực, tài năng.

TP sẽ tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới, sáng tạo hiệu quả. Qua đó, kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hóa thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp.

Khi thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp. Nếu cán bộ thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm. Việc này giúp cán bộ có thêm niềm tin, toàn tâm toàn ý hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ, hiện thực hóa ý tưởng sáng tạo, không bị áp lực đè nặng làm suy giảm động lực, nhiệt huyết.

TP cũng sẽ theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và kịp thời biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao.

Ngược lại, những trường hợp lợi dụng cơ chế để bao che, dung dưỡng cho hành vi cố ý vi phạm pháp luật, vụ lợi, tham nhũng, chạy thành tích để tiêu cực trong công tác cán bộ sẽ bị xử lý nghiêm.

. Xin cảm ơn ông.

Luật hóa quy định bảo vệ cán bộ vì lợi ích chung

Cán bộ có nghĩa vụ phải chấp hành thực hiện theo các quy định pháp luật. Thực tế đúng là tình trạng chồng chéo, vướng mắc, bất cập trong quy định pháp luật chưa kịp thời được sửa đổi, bổ sung điều chỉnh, đã ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình thực thi pháp luật tại TP.HCM.

Lãnh đạo TP đã chỉ đạo cán bộ nghiên cứu kỹ, việc gì không vướng mắc thì phải làm thật nhanh để giải quyết cho người dân, doanh nghiệp. Những việc có khó khăn, vướng mắc trong quy định thì phải mạnh dạn đề xuất các phương án giải quyết và báo cáo lãnh đạo. Đặc biệt, lãnh đạo xem xét quyết định thì lãnh đạo phải chịu trách nhiệm về việc đó.

Ngoài ra, khi sơ kết, tổng kết các đề án, giải pháp thực hiện Kết luận 14 của Bộ chính trị và Nghị định 73, TP.HCM sẽ có đánh giá chính xác hơn, kiến nghị với Trung ương sửa đổi, bổ sung Luật Công chức, Luật Viên chức để luật hóa quy định bảo vệ cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình thực thi công vụ, vì lợi ích chung của nhân dân.

Chủ tịch UBND TP.HCM PHAN VĂN MÃI

***********

Nghị định 73 - cơ chế minh bạch để bảo vệ cán bộ

ĐB NGUYỄN THỊ VIỆT NGA, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương:

Lãnh đạo phải là điểm tựa, cán bộ mới dám nghĩ, dám làm

Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2023 để cụ thể hoá Kết luận 14 của Bộ Chính trị về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm. Như vậy cơ sở chính trị và pháp lý trong bảo vệ cán bộ là khá đầy đủ nhưng để có hiệu quả trong thực tế thì phụ thuộc lớn vào vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Người đứng đầu phải có tầm nhìn xa để không vì áp lực phải đổi mới, sáng tạo mà nôn nóng ủng hộ những ý tưởng chưa chín muồi, không phù hợp với thực tế và khó mang lại hiệu quả.

p3-nguyen-thi-viet-nga-3287-786.jpeg
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga. Ảnh: QH

Lãnh đạo mỗi cơ quan đơn vị phải khuyến khích cán bộ cấp dưới có sự sáng tạo trong công việc, mang lại hiệu quả thiết thực. Song, trường hợp hy hữu mà sự đổi mới không mang lại kết quả như mong muốn, người đứng đầu cũng cần chia sẻ trách nhiệm.

Nếu có lãnh đạo bảo vệ, làm điểm tựa chắc chắn cán bộ cấp dưới sẽ phát huy tính sáng tạo, không còn thấy băn khoăn, sợ sai khi giải quyết việc công.

Tuy vậy, tôi cho rằng cũng cần nhận diện rõ ranh giới giữa việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm và những người lợi dụng để làm sai. Nghị định 73 đã quy định tương đối rõ, mấu chốt để nhận diện đó là động cơ, mục đích của việc dám nghĩ, dám làm. Nếu cán bộ làm vì lợi ích chung, không có động cơ tư lợi cá nhân thì cần được bảo vệ. Ngược lại nếu núp bóng để vun vén, thu lợi cho cá nhân, nhóm lợi ích của mình thì phải xử lý nghiêm.

-----

ĐB HOÀNG ANH CÔNG, Phó Trưởng ban Dân nguyện:

Phải loại những cán bộ không chịu ký, không chịu làm

Hiện đã có cơ chế để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tôi tin tưởng mỗi cán bộ, công chức giải quyết công việc, thực thi chức trách của mình một cách công minh, chính trực, không vụ lợi, vì lợi ích chung thì nhất định sẽ được tổ chức, pháp luật bảo vệ.

p3-hoang-anh-cong-8627-9986.jpeg
ĐB Hoàng Anh Công. Ảnh: QH

Vừa qua có rất nhiều cán bộ bị kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự do không tôn trọng pháp luật trong thực thi công vụ, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, xã hội và người dân.

Tuy nhiên, tôi cho rằng còn một hiện tượng nữa cũng cần lên án và có giải pháp xử lý triệt để là căn bệnh sợ trách nhiệm. Bởi có những cán bộ thấy đúng quy định rồi mà “không dám ký, không dám làm” khiến cho cả bộ máy cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội bị trì trệ.

-----

ĐB PHẠM VĂN HÒA, Đoàn ĐBQH tnh Đồng Tháp:

Đừng c i “ầu ơ, ví dầu”, đổ lỗi cho cơ chế, chính sách

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm là vấn đề được đề cập từ lâu, gần đây có nhiều ý kiến và đã có văn bản chính thức. Tuy nhiên, từ lời nói, văn bản đến khâu tổ chức thực hiện là cả chặng đường dài. Lâu nay khi làm không được ta vẫn hay đổ cho cơ chế, chính sách, hay đổ cho mặt này, mặt nọ. Nếu là cơ chế, chính sách thì phải nói cho rõ vướng cái gì rồi đề xuất giải pháp chứ không thể đổ lỗi chung chung.

p3-pham-van-hoa-1-4702-5366.jpeg
ĐB Phạm Văn Hòa. Ảnh: QH

Hiện nay, cơ sở chính trị lẫn pháp lý có rồi (Kết luận 14 của Bộ chính trị và Nghị định 73) thì các nơi, các ngành phải tổ chức triển khai. Chứ không thể để “ầu ơ, ví dầu” mãi, không thể đổ lỗi mãi cho cơ chế, cho khâu tổ chức hay phối hợp thực hiện. Mỗi cán bộ, mỗi cấp khi làm hết trách nhiệm của mình thì công việc tự nhiên sẽ trôi chảy.

Để bảo vệ cán bộ “dám nghĩ, dám làm” một cách thực chất, tôi cho rằng cần sửa ngay những văn bản, quy định pháp luật bất cập, không còn phù hợp với thực tiễn.

Mỗi cán bộ, công chức cũng cần xem lại cách làm việc của mình để làm sao thể hiện hết tinh thần trách nhiệm với công việc, vị trí được giao. Ai làm được việc thì phải khen, khuyến khích, làm không tốt phải kiểm điểm, phê bình. Có như vậy mới kích thích được tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chủ động của các cá nhân, tập thể trong bộ máy.

-----

Ông TRẦN CHÍ DŨNG, Phó Bí thư thường trực quận 7, TP.HCM

Cán bộ trăn trở trước bức xúc của người dân sẽ dám nghĩ, dám làm

Thời gian qua, nhiều vụ việc tham nhũng, tiêu cực được đưa ra ánh sáng và xử lý kỷ luật cán bộ mạnh mẽ đã tác động đến tư tưởng của một bộ phận không nhỏ cán bộ.

Kết luận 14 của Bộ Chính trị ra đời như là liều thuốc về tinh thần, cổ vũ, động viên đối với những cán bộ năng động, sáng tạo, dám làm vì lợi ích chung, giúp những người có tâm huyết không cảm thấy lẻ loi. Đồng thời, tạo ranh giới để phân biệt cái sai do nóng lòng vì dân, vì nước, vì bức xúc trước cái trì trệ, chậm tiến với cái sai do tiêu cực, tham nhũng, do lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân tác động. Tạo sự công bằng khi xử lý cán bộ vi phạm và bảo vệ cán bộ có tâm huyết vì lợi ích chung.

Từ Kết luận 14, Chính phủ đã ban hành Nghị định 73/2023, tạo cơ chế rõ ràng, minh bạch trong việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ và cũng đặt ra trách nhiệm cụ thể cho các cấp trong tổ chức thực hiện.

p3-tran-chi-dung-quan-7-7752-3684.jpg
Ông Trần Chí Dũng, Phó Bí thư thường trực quận 7, TP.HCM. Ảnh: BẢO PHƯƠNG

Để đảm bảo Nghị định 73 thực hiện hiệu quả thì các bộ, ngành cần rà soát và có những hướng dẫn, đề xuất mạnh mẽ về phân cấp, phân quyền cho TP, tạo điều kiện cho TP.HCM có thể thực sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Từ thực tế kinh nghiệm của quận 7, khi nói đến dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm thì người cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu phải có khí chất, dũng khí. Bởi dù là cán bộ tốt nhưng thiếu quyết đoán thì làm sao dám nói, dám nghĩ, dám làm.

Cùng đó, cán bộ phải luôn được đào tạo, rèn luyện để trưởng thành, để phát huy được phẩm chất, luôn biết trăn trở vì lợi ích chung. Người cán bộ biết trăn trở trước những bức xúc chính đáng của người dân thì khi đó chắc chắn sẽ trăn trở, suy nghĩ cách làm đổi mới, sáng tạo vì lợi ích chung.

Tôi cũng cho rằng trong đổi mới, sáng tạo, ngoài dũng khí còn phải vận dụng tư tưởng “dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Bất biến” ở đây là cán bộ phải xác định được tư tưởng trong sáng, không tư lợi trong suy nghĩ và hành động, mọi cái mình làm vì người dân nhưng không gây hại cho lợi ích chung. Trên cơ sở đó thì ứng đối xem có dám làm, dám quyết không.

Thực tế, đôi khi cán bộ cũng băn khoăn có nên làm hay không, sợ này, sợ kia. Nếu vậy, khi vận dụng tư tưởng “bất biến” này và đảm bảo hành động của mình là trong sáng vì lợi ích chung, không có ý nghĩ tư lợi thì chắc chắn sẽ dám quyết.

TRỌNG PHÚ - LÊ THOA - BẢO PHƯƠNG ghi

Đọc thêm