Trong thông tin vừa gửi đến các cơ quan báo chí, Bộ GTVT cho biết thời gian vừa qua một số báo chí phản ánh nghi vấn lúa chết do sử dụng cát biển làm đường cao tốc xảy ra ở tỉnh Hậu Giang.
Về vấn đề này, Bộ GTVT khẳng định, các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam giai đoạn hai (2021-2025) nói chung, dự án thành phần đoạn Cần Thơ – Cà Mau nói riêng đều sử dụng cát sông.
Cụ thể, đoạn Cần Thơ - Cà Mau đang sử dụng duy nhất nguồn vật liệu cát đắp từ các mỏ cát sông được UBND các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long cấp cho dự án theo cơ chế đặc thù.
Quá trình khai thác và vận chuyển cát khu vực trên đưa về công trình giao thông luôn được kiểm soát nghiêm ngặt, chặt chẽ bởi nhiều cơ quan, đơn vị liên quan. Trong đó, các đơn vị của địa phương thực hiện kiểm soát việc đăng ký phương tiện vận chuyển cát của nhà thầu, lắp đặt định vị hành trình phương tiện vận chuyển, lắp đặt, định vị camera giám sát thiết bị khai thác.
Về phía chủ đầu tư, tư vấn giám sát, các nhà thầu phải thực hiện thí nghiệm vật liệu trước khi chấp thuận nguồn. Khi đưa cát về công trường đều được thí nghiệm thành phần hạt, các chỉ tiêu cơ lý theo quy định của chỉ dẫn kỹ thuật và phải đáp ứng yêu cầu mới được tư vấn giám sát, chủ đầu tư chấp thuận; công tác thí nghiệm, kiểm tra đều được thực hiện theo tần suất.
Ngoài ra, nguồn vật liệu cát khi đến công trường còn có sự kiểm soát của các cơ quan khác về nguồn gốc xuất xứ, hoá đơn chứng từ…
Về sử dụng cát biển để thi công thí điểm mở rộng, Bộ GTVT cho biết hiện nay BQL dự án Mỹ Thuận, các nhà thầu đang làm việc với tỉnh Sóc Trăng để hoàn thiện thủ tục. Mục đích là thi công các đoạn tuyến thuộc dự án Cần Thơ - Cà Mau, nơi có điều kiện môi trường tương đồng với khu vực đã thí điểm trước đây. Ngay cả như vậy phải cuối tháng 6 tới mới có thể bắt đầu triển khai.
“Vì vậy, các thông tin như một số báo chí phản ánh là thiếu cơ sở”, Bộ GTVT hàm ý thông tin lúa ở một số khu vực sát tuyến dự án này bị chết với nghi vấn do dùng cát biển làm nền thay vì cát sông truyền thống.
Tuy nhiên, để đánh giá một cách toàn diện, khoa học, khách quan, về lo ngại lúa chết do sử dụng cát biển làm đường cao tốc Bộ GTVT sẽ mời Bộ NN&PTNT, Bộ TN&MT cùng chính quyền sở tại lập đoàn liên ngành kiểm tra, xác định nguyên nhân.
Những lo ngại về việc sử dụng cát biển vốn chứa nhiều muối mặn làm nền các dự án hạ tầng, giao thông sẽ ảnh hưởng đến môi trường khu vực dự án đã xuất hiện ngay khi phương án này được tính đến.
Gần đây, GS Nguyễn Ngọc Trân, từng là Đại biểu Quốc hội 3 khóa, có phản ánh tới Thủ tướng một sự việc được cho là lúa chết tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, do sử dụng cát biển để làm nền đường cao tốc ở bán đảo Cà Mau.
Thủ tướng đã giao Bộ trưởng Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với bộ liên quan xem xét vấn đề này và thông tin đầy đủ cho GS Nguyễn Ngọc Trân.
“Trường hợp cần thiết, Bộ GTVT làm việc trực tiếp với GS để thông tin đầy đủ về chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với việc nghiên cứu thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp tại một số công trình hạ tầng giao thông trọng điểm và thực tiễn hoạt động thí điểm trong thời gian qua” - Thủ tướng lưu ý.
Thời gian qua, Bộ GTVT mới chỉ cho phép đơn vị liên quan thí điểm dùng cát biển làm nền đường trên chiều dài 300m của đoạn tuyến hoàn trả đường tỉnh 978, thuộc dự án đường cao tốc Hậu Giang - Cà Mau qua Bạc Liêu.
Trên cơ sở kết quả thí điểm, tháng 3 Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh, thành căn cứ nhu cầu, điều kiện thực tế triển khai dự án của địa phương để thí điểm mở rộng sử dụng cát biển làm nền đường cho dự án có điều kiện tự nhiên, môi trường tương tự như dự án thí điểm.