Ngày 26-6, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam tổ chức sự kiện thường niên VIAC Symposium 2024 với chủ đề “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong thời kỳ kinh tế biến động: Tranh chấp và Trọng tài”.
Tại chuỗi sự kiện này, VIAC ra mắt nền tảng quản lý nộp đơn điện tử và quản lý vụ tranh chấp trực tuyến - VIAC Ecase nhằm bắt kịp xu hướng chuyển đổi số của thị trường. Đây là sự thích nghi của VIAC với nhịp với sự vận động chung của trọng tài quốc tế.
Giao dịch điện tử cần cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến
Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC, ở góc nhìn vĩ mô, kinh tế số hiện là một trong 3 trụ cột của chuyển đổi số quốc gia.
Các chỉ số thương mại điện tử cũng cho thấy những tiềm năng của nền kinh tế số ở Việt Nam: quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam ước đạt 14,7 tỉ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 23,77 tỉ USD vào năm 2029. Mua sắm hàng hóa qua thương mại điện tử hiện đã trở thành phương thức phân phối chủ yếu, phát huy hiệu quả, góp phần duy trì chuỗi cung ứng và chuỗi lưu thông.
Kinh tế số được triển khai từ nền tảng là các giao dịch thực hiện trên không gian số - Giao dịch điện tử (các Hợp đồng điện tử).
Hợp đồng điện tử cũng như các hợp đồng thông thường, muốn được các chủ thể dân sự sử dụng thì cần có các yếu tố đảm bảo cho việc giao kết, việc thực hiện và nếu trong quá trình thực hiện gặp trục trặc thì phải có cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng hiệu quả.
“Nền tảng VIAC eCase ra mắt ngày hôm nay sẽ là cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng phù hợp cho các hợp đồng điện tử, góp phần vào mục tiêu hướng tới Kinh tế số của đất nước” - ông Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh.
Tạo thuận lợi, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp
Giới thiệu về cách thức nộp đơn giải quyết tranh chấp điện tử, ông Vũ Ánh Dương, Tổng Thư ký VIAC, dẫn ví dụ: Một doanh nghiệp Việt Nam giao kết hợp đồng với đối tác là doanh nghiệp Nhật Bản để xuất khẩu quả vải thiều của Việt Nam sang thị trường Nhật Bản. Rất không may, tranh chấp phát sinh vì hai bên có những tranh cãi về việc cung cấp thư tín dụng đúng thời hạn và quyết định đưa tranh chấp ra trọng tài tại VIAC.
Với việc nộp đơn và giải quyết tranh chấp trực tuyến qua VIAC eCase, doanh nghiệp Nhật Bản không cần bay sang Việt Nam và tới văn phòng trực tiếp của VIAC để nộp đơn khởi kiện; luật sư của doanh nghiệp Nhật Bản cũng không cần phải di chuyển tới VIAC nhiều lần để nộp các tài liệu. Toàn bộ quá trình có thể giải quyết trực tuyến qua VIAC eCase.
Các doanh nghiệp và luật sư thực hiện truy cập vào nền tảng VIAC eCase trực tiếp tạo đơn khởi kiện, những thông tin cơ bản của người trực tiếp thực hiện thao tác nộp đơn được hệ thống lưu lại để đảm bảo tính trung thực của việc nộp đơn.
"Như vậy, trong quá trình tố tụng trọng tài, các bên tranh chấp bao gồm cả doanh nghiệp Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam và các luật sư đều có thể đệ trình các tài liệu, chứng cứ tới VIAC và Hội đồng trọng tài thông qua việc tải các tài liệu lên VIAC eCase dù họ đang ở đâu, múi giờ nào mà không phụ thuộc giờ làm việc của các văn phòng của VIAC" - ông Dương cho biết.
Hệ thống sẽ tự động tạo Biên nhận điện tử để xác nhận việc tài liệu đã gửi lên thành công.
Trong suốt quá trình giải quyết vụ tranh chấp, các bên đương sự, các luật sư và các trọng tài viên có thể tra cứu tài liệu, quản lý lịch biểu tố tụng, trong suốt quá trình tố tụng trọng tài.
Các lịch tổ chức các cuộc họp, các phiên họp giải quyết tranh chấp và các lịch quan trọng khác (như các thời hạn thực hiện việc đệ trình của các bên) được cập nhật trên hệ thống.
Cuối cùng, các phiên họp cũng được tổ chức trực tuyến nhằm tạo thuận lợi cho các bên tranh chấp.
Ông Vũ Ánh Dương cho biết thêm: VIAC eCase là thành quả 5 năm nghiên cứu, đánh giá, quan sát và tìm hiểu các xu hướng trên thế giới, sự vận động của thị trường và các yếu tố cơ sở hạ tầng số tại Việt Nam. VIAC cam kết chuyển đổi số, trực tuyến hóa hoạt động giải quyết tranh chấp bằng trọng tài sẽ được thực hiện một cách cẩn trọng, đảm bảo quyền lợi cho các bên.