Sáng 12-7, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia Trần Lưu Quang đã chủ trì hội nghị Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác đảm bảo trật tự, ATGT quý II và nhiệm vụ trọng tâm quý III-2024.
Hội nghị được kết nối trực tuyến đến Ủy ban ATGT của 63 tỉnh, thành trong cả nước.
Số vụ tai nạn tăng, số người chết giảm
Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Lê Kim Thành, cho biết 6 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 12.350 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.343 người, bị thương 9.552 người. So với cùng kỳ năm 2023, tăng 1.665 vụ, giảm 634 người chết, tăng 2.426 người bị thương.
Có 40 tỉnh, TP có số người chết do tai nạn giao thông giảm so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Cà Mau, Lai Châu, Bình Thuận giảm trên 45% số người chết do tai nạn giao thông.
Dù vậy, vẫn còn 23 địa phương có số người chết do tai nạn giao thông tăng so với cùng kỳ 2023, trong đó, 2 tỉnh có số người chết tăng trên 40% trở lên là Thừa Thiên Huế, Bến Tre...
Cạnh đó, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng CSGT tiếp tục xử lý vi phạm theo 5 nhóm chuyên đề với trên 2,1 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền 4.052 tỉ đồng, tước 407.703 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn. Trong đó, có 501.435 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; 2.901 trường hợp lái xe dương tính với chất ma túy; 501.009 trường hợp chạy quá tốc độ cho phép;...
Đại diện Uỷ ban ATGT Quốc gia cũng cho hay, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo đảm trật tự ATGT trong 6 tháng đầu năm 2024 vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Cả nước ghi nhận 9 vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng tại Lào Cai, Ninh Bình, Quảng Ninh, Tuyên Quang, Thanh Hoá, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Đắk Lắk và Trà Vinh.
Nguyên nhân ban đầu là do không chấp hành quy định về tốc độ, không đi đúng chiều đường, phần đường, làn đường quy định. Ý thức chấp hành trật tự ATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp chưa cao...
Đối với các tỉnh, TP có tai nạn giao thông tăng cao trong 6 tháng đầu năm 2024, Uỷ ban ATGT quốc gia đề nghị tổ chức kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm của từng địa bàn, từng lĩnh vực, gắn trách nhiệm người đứng đầu trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
Đồng thời, đưa nội dung bảo đảm trật tự ATGT vào cuộc giao ban hàng tháng của các cấp Ủy, HĐND, UBND các cấp để phân tích, kiểm điểm và đề xuất giải pháp hiệu quả trên địa bàn…
Cũng tại hội nghị, nhiều ý kiến, kiến nghị của các địa phương được nêu ra. Trong đó, TP Hà Nội kiến nghị nâng cao mức phạt đối với những hành vi là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, vi phạm tốc độ…
TP.HCM kiến nghị Bộ Công an, Bộ GTVT có kịch bản đóng các tuyến cao tốc tại TP để tránh ùn tắc.
Xử lý nghiêm hành vi vi phạm
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nêu rõ số vụ tai nạn giao thông và người bị thương còn tăng, tạo gánh nặng rất lớn cho gia đình và xã hội. Còn xảy ra các vụ tai nạn nghiêm trọng, số vụ chống người thi hành công vụ tăng gần 60%...
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an, Bộ GTVT tập trung hoàn thành việc xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trật tự ATGT đường bộ và Luật Đường bộ.
Phải ưu tiên từng bước chuyển biến ý thức của người tham gia giao thông và cả người không tham gia giao thông (người bán hàng trên vỉa hè); quản lý tốt phương tiện để phòng ngừa nguy cơ gây tai nạn giao thông; tập trung cải thiện và quản lý tốt cơ sở hạ tầng.
Đối với các địa phương, Phó Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu các địa phương phải quan tâm hơn, quyết liệt hơn trong công tác bảo đảm trật tự ATGT.
"Các lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi vi phạm trật tự ATGT, không có ngoại lệ, không có vùng cấm", Phó Thủ tướng quán triệt.
Về đề xuất tăng mức phạt đối với những hành vi phạm trật tự ATGT, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là tăng tính răn đe nhưng phải nằm trong khuôn khổ của pháp luật, trong đó có Luật Trật tự ATGT đường bộ và Luật Đường bộ.
Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đánh giá lại vai trò của cơ quan thường trực của Uỷ ban ATGT quốc gia để có sự điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, quản lý hệ thống hạ tầng giao thông, xử phạt vi phạm...
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh, hội nghị lần này có hai điểm đáng lưu ý.
Một là, 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế phát triển, GDP tăng trưởng 6,42%, điều này đồng nghĩa với việc giao thông đi lại, buôn bán, vận chuyển hàng hóa tăng, gây áp lực với công tác đảm bảo trật tự ATGT.
Hai là, Quốc hội vừa thông qua hai luật gồm: Luật Trật tự ATGT đường bộ và Luật Đường bộ, đây là cơ chế hành lang pháp lý mới để chúng ta thực hiện tốt hơn nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành thành viên Ủy ban ATGT Quốc gia, các địa phương trao đổi về những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc, chỉ ra nguyên nhân và đề xuất giải pháp với tinh thần 6 tháng cuối năm đạt kết quả tốt hơn về cả ba mặt: số vụ, số người chết và bị thương.