Anh Đặng Hải Lộc - người sáng lập dự án công nghệ Cứu hộ miền Trung trong mùa mưa bão tại miền Trung, Việt Nam năm 2020, cho biết lũ hiện đang dâng cao tại các tỉnh thành phía Bắc như Phú Thọ, Yên Bái, Thái Nguyên, Hà Nội... sau bão số 3.
Trên mạng xã hội có nhiều lời kêu gọi cứu trợ, cứu nạn sau bão số 3; rất nhiều nhóm tình nguyện tham gia hỗ trợ kết nối thông tin cứu trợ, cứu nạn sau bão số 3.
Từ kinh nghiệm làm dự án cứu hộ miền trung qua 4 cơn bão liên tiếp hồi năm 2020, trong thời điểm hiện nay, anh Lộc nêu 5 điều tuyệt đối người dân đừng làm trong cứu nạn sau bão số 3.
1. Tuyệt đối đừng tham gia cứu nạn tự phát, kẻo chính bạn trở thành người cần cứu nạn.
Mọi người cần phân biệt rõ cứu nạn và cứu trợ. Giai đoạn bão lũ hiện tại chủ yếu là công tác cứu nạn, là việc rất nguy hiểm đòi hỏi phải thông thuộc địa hình, có chuyên môn và theo điều phối của đơn vị chức năng. Mọi người không nên tự ý đi cứu ai hoặc làm thay chức năng điều phối đội cứu nạn của cơ quan chức năng. Sau khi lũ đi qua, người dân cần viện trợ thực phẩm, thuốc men... thì lúc đó mới đến giai đoạn tham gia cứu trợ.
2. Thứ hai, đừng gọi vào số Hotline của các đội cứu nạn/hotline trực phòng chống bão lũ khi không cần thiết vì sẽ khiến hết pin và nghẽn mạng, không tiếp nhận được các cuộc gọi cứu nạn quan trọng; cũng đừng chia sẻ tuỳ tiện số điện thoại của cán bộ phụ trách cứu nạn từng khu vực với lý do tương tự. Mọi người hãy gửi thông tin tới các nhóm tình nguyện có tính liên kết tới đơn vị điều phối cứu nạn địa phương để nhóm này giúp xác minh, xử lý và cung cấp tới đơn vị cứu hộ.
3. Đừng share lại lời kêu cứu trên mạng xã hội vì sẽ khiến một nội dung bị nhân lên nhiều lần, gây khó khăn cho các đội ngũ tổng hợp thông tin. Thay vào đó, hãy cố gắng cung cấp thông tin bằng comment dưới lời kêu cứu (như làm rõ địa điểm, bổ sung thêm thông tin hữu ích số điện thoại ai đó gần khu vực...) để các tình nguyện viên dễ dàng xác minh hơn.
4. Đừng tạo các giải pháp cứu nạn/cứu trợ mà yêu cầu người gặp nạn cung cấp toạ độ GPS, vì các đội cứu nạn cũng đi cứu nạn theo cụm chứ không cứu nạn theo từng điểm toạ độ.
5. Đặc biệt đừng tổ chức đoàn cứu trợ lương thực, thực phẩm, thuốc men, quần áo... mà chưa xác nhận được với chính quyền địa phương là ở đó thực sự cần. Việc đón tiếp các đoàn cứu trợ với các vật phẩm không thiết yếu có thể tạo thêm gánh nặng cho cán bộ cơ sở trong quá trình khắc phục hậu quả sau bão lũ.
Anh Lộc cũng cho biết vào 5 giờ 40 phút sáng 10-9-2024 website Cứu hộ miền Trung (https://cuuhomientrung.com) đã hoàn toàn khôi phục hoạt động, cũng trong một đêm mạng xã hội tràn ngập những lời kêu cứu, tìm kiếm người thân như cái đêm mà hệ thống này ra đời cách đây gần đúng 4 năm.
Cứu hộ miền Trung xuất phát là một website tự phát tổng hợp, xác minh những lời kêu cứu của người dân vùng bão lũ, được đăng tải qua mạng xã hội. Dự án được ra đời ngay trong những ngày đầu của đợt mưa lũ kỉ lục miền Trung Việt Nam 2020. Do đáp ứng kịp thời mong muốn chung của xã hội trong việc hỗ trợ khẩn cấp người gặp nạn, chỉ trong vài ngày, dự án đã thu hút được hơn 40 kĩ sư, chuyên gia, và trên 2.500 tình nguyện viên cùng tham gia phát triển mã nguồn, hoàn thiện quy trình nhập liệu, xác minh thông tin người gặp nạn, kết nối thông tin tới các đội cứu nạn...
Chỉ trong 10 ngày đầu ra mắt, dự án Cứu hộ miền Trung đã đưa được hơn 2.000 thông tin hộ dân cần cứu trợ, cứu nạn lên hệ thống. Hơn 1.160 đội cứu trợ từ khắp đất nước được kết nối và sẵn sàng tiếp nhận thông tin ứng cứu. Gần 700 hộ dân được xác minh và phân luồng đến các đội cứu trợ. Khoảng 300 trường hợp khẩn cấp đã được cứu trợ thành công.