Quả vải Việt Nam đứng thứ ba thế giới về sản lượng

Theo số liệu tại Hội nghị quốc tế nhãn, vải lần thứ 6 được tổ chức tại Hà Nội sáng 7-6, trên thế giới hiện đang có khoảng 20 quốc gia trồng vải và 15 quốc gia trồng nhãn.

Trong đó đứng đầu là Trung Quốc với sản lượng hơn 2 triệu tấn/năm, thứ hai là Ấn Độ với 677 nghìn tấn/năm, Việt Nam đứng thứ ba với sản lượng 380 nghìn tấn/năm, tiếp theo là Thái Lan với 48 nghìn tấn/năm và Bangladesh với khoảng 12 nghìn tấn/năm.

Đánh giá về những khó khăn trong việc phát triển cây vải ở các quốc gia, các đại biểu đều cho rằng các nước đều có những khó khăn giống nhau. Đó là tác động về biến đổi khí hậu, các vườn cây đã lâu năm, không đủ cơ sở vật chất kỹ thuật về dây chuyền chế biến quả vải, kho dự trữ, công nghệ bảo quản, quá trình vận chuyển... do đó ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng quả vải.

Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Quốc Hùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết:"So với diện tích nhãn vải của Trung Quốc thì diện tích trồng nhãn vải của Việt Nam chỉ chiếm một phần nhỏ. Tuy nhiên, thời vụ thu hoạch cũng như chất lượng giống của các nước khác nhau, do đó Việt Nam hoàn toàn có cơ hội đưa các sản phẩm của mình vào các thị trường nhập khẩu của các quốc gia trên thế giới".

Đồng quan điểm, PGS.TS Hoàng Thị Lệ Hằng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả cho biết, theo phản ánh của những doanh nghiệp xuất khẩu vải của Việt Nam, hiện chất lượng quả vải của nước ta được đánh giá tốt nhất so với các nước như Ấn Độ, Trung Quốc...

Tuy nhiên, theo bà Hằng, hiện quả vải của Việt Nam đang chịu áp lực về phí vận chuyển. Ví dụ như để vận chuyển quả vải sang Úc, Canada, các doanh nghiệp Việt phải chịu chi phí đắt gấp hai lần so với quả vải Trung Quốc. Chi phí cao khiến doanh nghiệp Việt không cạnh tranh được về giá cả. Cạnh đó, mẫu mã bao bì của quả vải Việt Nam cũng chưa được thiết kế đẹp, bắt mắt như của nước bạn.

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang, cho biết hiện vải thiều chính vụ đang bước vào thu hoạch. Giá vải bán tại vườn tăng cao, dao động trong khoảng 70.000 đồng/kg, tăng hơn 30.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm ngoái.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới