Ngày 15-8, TAND tỉnh Phú Yên xử vụ án hủy hoại rừng tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân. Bốn bị cáo bị VKSND tỉnh truy tố cùng tội danh trên gồm Phạm Xuân Trình (41 tuổi, ngụ xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân), Huỳnh Anh Khương (37 tuổi, nguyên cán bộ Phòng TN&MT huyện Đồng Xuân), La O Kinh (39 tuổi, ngụ xã Xuân Quang 1), La Lan Thập (32 tuổi, ngụ xã Phú Mỡ).
Đây là vụ phá rừng quy mô lớn, liên quan đến hàng loạt cán bộ trong quá trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rừng (gọi tắt là GCN) và thuê người phát trắng rừng.
Biến rừng thành của riêng rồi phát trắng
Cáo trạng xác định: Tháng 5-2015, Phạm Xuân Trình tự làm các hồ sơ đứng tên ba người dân tộc thiểu số ở xã Phú Mỡ để đăng ký hồ sơ cấp GCN ba thửa đất tại tiểu khu rừng 90 ở địa phương này. Được sự tác động của các ông Đỗ Minh Tân - Trưởng Công an huyện Đồng Xuân và Nguyễn Thành Chung - cán bộ điều tra công an huyện, ba hồ sơ trên đã được chủ tịch UBND xã và cán bộ địa chính xã Phú Mỡ xác nhận, hoàn tất thủ tục niêm yết công khai.
Tiếp đó, cán bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện (nay là Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai), Phòng TN&MT không kiểm tra hiện trạng vẫn lập biên bản kiểm tra phản ánh không đúng thực tế để tham mưu cho lãnh đạo đơn vị xác nhận, hoàn tất các thủ tục của ba hồ sơ trên. Ông Nguyễn Hồng Đức - Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, ông Cao Thanh Lương - Trưởng phòng TN&MT cũng không kiểm tra, thẩm định hồ sơ, ký xác nhận và trình UBND huyện cấp ba GCN.
Tương tự, Phạm Xuân Trình cùng Huỳnh Anh Khương lập ba hồ sơ khác đứng tên người dân tộc thiểu số và được UBND huyện cấp bốn GCN với tổng diện tích hơn 83 ha rừng. Sau đó, Phạm Xuân Trình lập khống các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ tên các hộ được cấp sang cho mình, rồi làm đơn xin phát dọn thực bì. Các giấy tờ này đều được UBND xã Phú Mỡ ký xác nhận.
Cuối tháng 3-2016, Trình thuê gần 30 người sử dụng cưa máy, rựa phát trắng rừng. Thấy vậy, La O Kính, La Lan Thập cũng thuê người chặt phát rừng để lấy đất canh tác.
Sở NN&PTNT kết luận có gần 110 ha bị chặt phá. Trong đó có 33 ha rừng, gồm 25 ha rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Có 77 ha có cây gỗ tái sinh nhưng chưa thành rừng.
Cơ quan chức năng xác định Trình, Khương tổ chức chặt phá hơn 6 ha rừng phòng hộ, 8 ha rừng sản xuất. La O Kính và La Lan Thập tổ chức chặt phá gần 19 ha rừng phòng hộ. Cơ quan chức năng cũng kết luận việc cấp GCN trên là trái pháp luật và UBND huyện Đồng Xuân đã hủy các GCN này.
Bốn bị cáo trực tiếp tổ chức phát trắng gần 110 ha rừng trước phiên tòa ngày 15-8. Ảnh: TẤN LỘC
Vai trò của trưởng công an huyện đến đâu?
Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, Phạm Xuân Trình khai nhiều cán bộ huyện đã trực tiếp tham gia trong quá trình chặt phá rừng trên. Theo bị cáo Trình, đầu năm 2015, ông Đỗ Minh Tân - Trưởng công an huyện và ông Nguyễn Thành Chung - cán bộ công an huyện đến xã Xuân Quang 1 gặp Trình bàn bạc, thống nhất việc tìm đất rừng để trồng cây. Các ông Tân, Chung cùng Trình trực tiếp đến gặp lãnh đạo UBND xã Phú Mỡ tác động, nhờ ký các hồ sơ xin cấp GCN.
“Ông Tân, ông Chung cùng bị cáo và lãnh đạo UBND xã Phú Mỡ hai lần đi ăn nhậu để bàn bạc. Bị cáo và hai ông Tân, Chung cùng làm chung với nhau trong việc tổ chức thuê người chặt phát tổng cộng hơn 44 ha. Về chi phí cho việc tổ chức chặt phát cây, ông Tân và ông Chung mỗi người đưa cho bị cáo 20 triệu đồng để trả tiền thuê nhân công chặt phát. Riêng bị cáo bỏ ra 15 triệu đồng” - Trình khai.
Trong phần làm thủ tục phiên tòa, luật sư bào chữa cho bị cáo Trình đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa do sự vắng mặt của ông Đỗ Minh Tân - người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với vai trò quan trọng trong vụ án này.
Sau khi hội ý, chủ tọa phiên tòa cho biết trước khi đưa vụ án ra xét xử, TAND tỉnh đã có công văn gửi công an tỉnh thông tin về trường hợp ông Tân. Sau đó, giám đốc công an tỉnh đã có công văn yêu cầu trưởng Công an huyện Đồng Xuân phải có mặt tham gia tố tụng tại phiên tòa này. Tuy nhiên, ông Tân vẫn có đơn xin xử vắng mặt.
Trong cáo trạng được công bố, VKSND tỉnh cho rằng kết quả điều tra không đủ cơ sở xác định việc các cán bộ huyện Đồng Xuân như các ông Tân, Chung cùng góp tiền tham gia chặt phá rừng với Trình nên CQĐT không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Riêng việc hai cán bộ Công an huyện Đồng Xuân tác động để chủ tịch UBND xã Phú Mỡ xác nhận hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất không đúng pháp luật, CQĐT đã đề nghị giám đốc công an tỉnh xem xét, xử lý theo thẩm quyền.
Quan chức đất đai, môi trường cũng liên can?
Ngoài ra, bị cáo Trình còn khai ông Nguyễn Hồng Đức - Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và ông Cao Thanh Lương - Trưởng phòng TN&MT cũng góp tiền tham gia chặt phá hơn 14 ha rừng, trong đó trên 6 ha là rừng phòng hộ, còn lại là rừng sản xuất. Trình nói rằng diện tích rừng đó là của ông Lương, ông Đức và Huỳnh Anh Khương bỏ tiền ra làm chung với nhau chứ không phải của Trình.
Về chi phí cho việc chặt phát diện tích rừng này, bị cáo Trình khai ông Lương và ông Đức mỗi người đưa 10 triệu đồng, Khương đưa ba lần tổng cộng 37 triệu đồng. Trình nói mình chỉ là người đứng ra thuê nhân công chặt phát và nhận tiền của các cán bộ trên rồi trực tiếp trả tiền nhân công.
Tuy nhiên, VKS cho rằng không đủ cơ sở xác định lời khai của Trình nên CQĐT không có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ trên.
Luật sư bào chữa cho bị cáo Trình đề nghị HĐXX có biện pháp triệu tập đại diện UBND huyện Đồng Xuân tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhằm làm rõ vai trò, trách nhiệm của nhiều cán bộ trong quy trình cấp GCN.
Hôm nay, 16-8, phiên tòa tiếp tục.
Hàng loạt cán bộ bị kỷ luật Liên quan vụ phá rừng trên, các cơ quan chức năng đã xử lý kỷ luật nhiều cán bộ. Theo đó, ông Cao Thanh Lương bị cách hết các chức vụ trong Đảng, cách chức trưởng Phòng TN&MT, chuyển công tác làm cán bộ Hội Nông dân huyện.
Ông Nguyễn Hồng Đức bị cảnh cáo về mặt đảng, không bổ nhiệm lại chức giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất Đồng Xuân (nay là Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai). Ông So Bếp, Bí thư Đảng ủy xã Phú Mỡ, bị cảnh cáo về mặt đảng. Ông La O Hóa, Chủ tịch UBND xã Phú Mỡ, bị cảnh cáo về mặt chính quyền. Ông La O Hoa, cán bộ địa chính xã Phú Mỡ, bị khai trừ Đảng. Ông Nguyễn Phan Hóa, cán bộ Phòng TN&MT, bị khai trừ Đảng, chấm dứt hợp đồng lao động. Ông Phạm Duy Long, cán bộ địa chính xã Xuân Quang 1, bị cảnh cáo về đảng và chấm dứt hợp đồng lao động… |