Đây là chiến thắng lớn đầu tiên của lực lượng do Mỹ đào tạo kể từ sau khi sụp đổ trước các cuộc tấn công của IS cách đây 18 tháng.
Đánh bật IS
Ramadi là thành phố lớn nhất mà IS chiếm được vào năm 2015 khi quân đội chính phủ phải rút chạy khỏi thành phố và khiến Washington phải nhìn nhận lại chiến lược sử dụng không quân liên tục để chống lại phiến quân.
Sau nhiều tuần vây hãm thành phố, quân đội Iraq đã tiến hành chiến dịch giành lại Ramadi vào tuần trước và đến Chủ nhật đã chiếm được trung tâm hành chính của tỉnh.
"Việc chiếm được trung tâm hành chính tức là chúng ta đã đánh bại được chúng ở Ramadi" - Sabah al-Numani, phát ngôn viên ban chỉ huy chiến dịch, cho biết. "Bước tiếp theo là phải xóa các cụm kháng cự rải rác trong lòng thành phố".
Cư dân Ramadi di cư khỏi thành phố hướng vào Baghdad trước khi chiến dịch tấn công nổ ra. Nguồn: AP
Kênh truyền hình nhà nước đã cho phát cảnh quân lính cùng với xe bọc thép và xe tăng tiến qua đường phố Ramadi giữa đống đổ nát và các ngôi nhà bị sập. Một số khu vực có vẻ như đã bị phá hủy hoàn toàn từ trước.
Một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết chiến dịch do Mỹ dẫn đầu chống lại Nhà nước Hồi giáo hiện tại chưa thể xác nhận liệu lực lượng IS đã bị quét sạch khỏi khu trung tâm hành chính hay chưa.
Truyền hình cũng phát cảnh người Shiite ở phía nam Baghdad ăn mừng chiến thắng ở Anbar, người dân nhảy múa trên đường phố và vẫy tay chào cờ Iraq.
Tuy nhiên, chính quyền nước này không cung cấp thông tin về con số thương vong trong trận chiến. Chính phủ cho biết hầu hết người dân đã được sơ tán trước khi trận đánh diễn ra.
Thành viên Hội đồng tỉnh Anbar Falih al-Essawi kêu gọi chính phủ nhanh chóng cho phép khôi phục lại sinh hoạt tại Ramadi và bắt đầu xây dựng lại thành phố để giúp cư dân tái định cư.
"Sẽ không dễ dàng thuyết phục các gia đình trở về một nơi thiếu các dịch vụ cho nhu cầu cơ bản của con người" - ông nói với Reuters.
Nhà nước Hồi giáo IS đã quét qua một phần ba lãnh thổ Iraq vào tháng 6-2014 và tuyên bố thánh chiến nhằm cai quản toàn bộ người Hồi giáo trên lãnh thổ Iraq và Syria, đồng thời thực hiện các vụ giết người hàng loạt và áp đặt lên người dân một bộ luật đạo Hồi hà khắc.
Sự bành trướng của IS còn được hỗ trợ nhờ sự sụp đổ nhanh chóng của quân đội Iraq sau khi quân đội nước này lần lượt rút khỏi các thành phố lớn và bỏ lại nhiều thiết bị, phương tiện vũ khí của Mỹ vào tay phiến quân.
Kể từ đó, cuộc chiến chống lại lực lượng này ở cả hai quốc gia phải dựa vào các cường quốc toàn cầu và khu vực, dưới hình thức các đồng minh cạnh tranh lẫn nhau trên chiến trường trong các cuộc nội chiến nhiều phe phái.
Hiện tại liên minh do Mỹ dẫn đầu đang tiến hành chiến dịch không kích chống lại Nhà nước Hồi giáo nhưng để xây dựng lại quân đội Iraq để Iraq có thể tự chiếm giữ và bảo vệ lãnh thổ của mình được xem một trong những thách thức lớn nhất.
Trong các trận chiến trước, bao gồm đợt tái chiếm TP Tirkit - quê hương của cựu độc tài Saddam Hussein vào tháng 4, chính phủ Iraq phải dựa vào lực lượng dân quân người Shiite được Iran hậu thuẫn để chiến đấu dưới mặt đất, còn quân đội chính phủ chỉ ở vai trò hỗ trợ.
Kiểm soát hoàn toàn
Ramadi là thành phố lớn đầu tiên được quân chính phủ chiếm lại được mà không dựa vào dân quân người Shiite nhằm tránh căng thẳng sắc tộc với dân cư thành phố chủ yếu là người Sunni.
Thủ tướng Chính phủ người Shiite Haider al-Abadi cho biết Ramadi sẽ được bàn giao cho cảnh sát địa phương và lực lượng người Sunni một khi thành phố đã hoàn toàn không còn phiến quân. Đây được coi là một biện pháp giành lấy cộng đồng nơi này để chống Nhà nước Hồi giáo.
"Chúng tôi đã đào tạo hàng trăm binh lính tại địa phương có vai trò canh giữ khu vực" - Thiếu tướng Yahya Rasool, phát ngôn viên của bộ chỉ huy tác chiến, cho biết. "Người dân sẽ thoải mái hơn khi thấy chính dân địa phương canh phòng an ninh". Theo đó, việc này cũng sẽ giúp thuyết phục những người di tản trở về thành phố.
Xe tăng quân đội chính phủ Iraq tiến vào TP Ramadi. Nguồn: AFP
Phương pháp cũng tương tự cách Mỹ từng sử dụng vào năm 2006-2007 khi chống lại một lực lượng tiền thân của IS, khi đó Washington cũng chú trọng giành sự ủng hộ của các cư dân Sunni địa phương để chống lại phiến quân. Tỉnh Anbar, bao gồm Ramadi, là một trong những chiến trường lớn trong trong cuộc chiến tranh tại Iraq từ 2003 đến 2011.
Chính phủ Iraq cho biết mục tiêu tiếp theo sau Ramadi sẽ là TP Mosul, trung tâm dân cư lớn nhất chịu sự kiểm soát của IS ở cả Iraq và Syria.
"Chiến thắng dễ dàng ở Ramadi là tin vui cho dân cư TP Mosul" - phát ngôn viên Numani nói. Chính quyền Mỹ từng hy vọng Baghdad sẽ phát động một cuộc tấn công vào TP Mosul trong năm 2015 nhưng hy vọng này bị dập tắt khi quân IS chiếm được Ramadi vào tháng 5.
Một khi đánh bật các chiến binh khỏi TP Mosul, vốn có dân số trước chiến tranh khoảng 2 triệu người, tổ chức hệ thống của IS tại Iraq sẽ dễ dàng bị tiêu diệt. Đồng thời IS cũng sẽ mất đi một nguồn thu nhập lớn từ dầu mỏ và thuế địa phương.