Quân đội Myanmar từ chối chuyến thăm của đặc sứ LHQ

Hãng AFP đưa tin chính quyền quân sự Myanmar ngày 9-4 đã từ chối chuyến thăm của bà Christine Schraner Burgener - đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) về vấn đề Myanmar - đến nước này.

Các quan chức LHQ cho biết bà Burgener muốn đến Myanmar để gặp trực tiếp các tướng lĩnh, nhưng một phát ngôn viên của quân đội đã từ chối.

Bà Christine Schraner Burgener - đặc phái viên của LHQ về vấn đề Myanmar. Ảnh: AFP

"Chúng tôi không cho phép chuyện đó. Chúng tôi cũng không có kế hoạch cho chuyện đó vào thời điểm này" - ông Zaw Min Tun, người phát ngôn quân đội Myanmar, nói với AFP.

Người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric cho biết bà Burgener muốn đối thoại với chính quyền Myanmar nhằm giúp chấm dứt tình trạng hỗn loạn tại nước này.

Bà Burgener đang có chuyến công du các nước châu Á nhằm tìm ra lối thoát cho tình trạng hỗn loạn đang bao trùm Myanmar.

Ngoài Thái Lan, bà Burgener cũng sẽ đến thăm Trung Quốc, song thông tin chi tiết và thời gian chính xác liên quan lịch trình công du của bà Burgener vẫn chưa được công bố.

Chuyến công du của bà Burgener diễn ra trong bối cảnh tình trạng khủng hoảng tại Myanmar tiếp tục diễn biến phức tạp.

Theo thống kê của một tổ chức độc lập chuyên theo dõi tình hình Myanmar, tính đến ngày 9-4, ít nhất 600 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối chính biến và khoảng 3.000 người đã bị chính quyền quân sự Myanmar bắt giữ.

Các quan chức của LHQ cho biết quân đội Myanmar đang sử dụng ngày càng nhiều vũ khí hạng nặng như lựu đạn phóng tên lửa và lựu đạn phân mảnh, súng máy hạng nặng và lính bắn tỉa. Phía quân đội Myanmar khẳng định đang phản ứng tương xứng với những gì họ nói là những người biểu tình bạo lực.

Theo AFP, trước tình trạng bạo lực gia tăng và làn sóng người tị nạn ra khỏi biên giới Myanmar, các quốc gia trong khu vực đang tăng cường nỗ lực tìm kiếm giải pháp.

Phát biểu trước Hội đồng Bảo an hôm 9-4, bà Nathalie Broadhurst - Phó Đại sứ Pháp tại LHQ - cho biết hội nghị thượng đỉnh về Myanmar của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20-4.

Các nhà ngoại giao cho biết cuộc họp dự kiến sẽ được tổ chức tại thủ đô Jakarta của Indonesia, trụ sở chính của ASEAN, song nhận định sẽ có sự chia rẽ trong khối 10 quốc gia này.

AFP dẫn lời một nhà ngoại giao nhận định: "Ở một phía, có Thái Lan, Lào và Campuchia, những nước đang ở chế độ 'quay lưng lại, không có gì để xem, đó là một vấn đề về chính trị nội bộ', trong khi Singapore, Malaysia và Indonesia thì cởi mở với vai trò tích cực hơn đối với ASEAN”.

Theo AFP, Trung Quốc hôm 9-4 cho biết đang tiếp xúc với "tất cả các bên" ở Myanmar để thúc đẩy giải quyết khủng hoảng, trong đó có thông tin Bắc Kinh đã liên lạc với Ủy ban đại diện Quốc hội Myanmar (CRPH - một tổ chức đối lập gồm các nhà lập pháp bị bãi miễn sau cuộc chính biến).

"Mục đích của Trung Quốc là muốn đóng một vai trò trong việc thúc đẩy hòa bình và thảo luận, hạ nhiệt tình hình và duy trì ổn định ở Myanmar, giải quyết khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn, tiếp tục quá trình chuyển đổi dân chủ" - Đại sứ quán Trung Quốc tại Myanmar cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới