TP.HCM đang tìm hướng giải quyết “nỗi khổ” lâu nay của các quận/huyện là hỏi, xin ý kiến mà sở/ngành chậm, thậm chí không trả lời. Trong đó có đề xuất: “Trong vòng 15 ngày làm việc, nếu cấp trên, sở/ngành không trả lời thì coi như cơ quan được hỏi đã đồng ý với nội dung hỏi”.
Trước đề xuất này, chúng tôi đã xuống các quận/huyện để tìm hiểu thực tế.
Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong khẳng định giải quyết thủ tục hành chính cho dân không thể “ngâm” mãi được. Ảnh minh họa: LÊ THOA
Văn bản đi, không thấy… về
Ông Nguyễn Gia Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết vừa qua quận đã nhiều lần gửi văn bản hỏi Sở Xây dựng về phương án tiến hành cưỡng chế với 40 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng ở quận. Lý do là theo quy định, 40 công trình vi phạm này thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở nhưng Sở đã ra quyết định cưỡng chế mà không chịu ra phương án cưỡng chế, phá dỡ. “Những công trình này tồn tại từ năm 2018. Đến nay chúng tôi đã hỏi và hỏi nhiều lần nhưng vẫn phải chờ và chờ chưa biết đến bao giờ mới có phương án từ Sở Xây dựng để làm cơ sở tổ chức thực hiện cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm” - ông Bình nói.
Lãnh đạo UBND quận Bình Tân nhìn nhận công tác phối hợp với các sở/ngành hiện nay chủ yếu qua hình thức gửi văn bản nên gặp nhiều khó khăn. Do vậy, nhiều vụ sở/ngành chậm phản hồi nên kéo dài quá trình xử lý vụ việc và có vụ thì quận không nhận được văn bản trả lời.
Cũng theo ông Nguyễn Gia Thái Bình, người dân ở một số chung cư tại quận phản ứng về việc để xe nhưng hỏi thì Sở Xây dựng rề rà, gây khó cho quận.
Cụ thể, tại chung cư Ehome 3 (phường An Lạc, quận Bình Tân), cư dân phản ánh việc khu để xe tạm không đảm bảo phòng cháy chữa cháy, để xe lấn vào khu vực vui chơi của các bé… Quận đã làm việc với chủ đầu tư, đơn vị này khẳng định họ làm đúng. Vì vậy, quận phải xin ý kiến Sở Xây dựng để có cơ sở trả lời cho cư dân, tránh khiếu kiện đông người. “Trong năm 2018, quận đã ba lần gửi kiến nghị nhưng không có phản hồi trong khi người dân ở chung cư giăng băng rôn phản ứng…” - ông Bình cho biết.
Cũng về công tác phối hợp với các sở/ngành, ông Đặng Nguyễn Thanh Minh, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức, cho biết: “Có nhiều văn bản quận Thủ Đức xin ý kiến nhưng chưa được sở/ngành TP có ý kiến phúc đáp đã gây khó khăn cho quận trong quá trình giải quyết các vụ việc”.
Điển hình, trong quá trình thực hiện dự án kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1, quận đã nhận 169 đơn kiến nghị, phản ánh của người dân với các vấn đề: Đề nghị xem xét lại ranh giải tỏa của dự án; không đồng ý đơn giá đất bồi thường; không đồng ý với phương thức bố trí tái định cư bằng căn hộ chung cư…
Nhưng tất cả vấn đề này cho đến nay các sở/ngành vẫn chưa tham mưu cho UBND TP ban hành văn bản trả lời nên các hộ dân dựa vào đó không hợp tác, gây khó khăn cho phía quận khi thực hiện bồi thường, giải tỏa. “Đối với các vụ việc liên quan đến các dự án lớn… nếu phía quận bồi thường, giải tỏa khi chưa có văn bản phúc đáp của sở/ngành, lỡ có sai sót sẽ ảnh hưởng đến ngân sách, đến quyền và trách nhiệm của quận” - ông Minh nói.
Ngại đụng nên không nói
Theo ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ, việc chậm trả lời, không trả lời là tâm tư của cả quận/huyện và sở/ngành. Họ ưu tư, thắc mắc lắm nhưng khi đứng trước hội nghị chính thức thì không dám nói, vì nói lại sợ đụng chạm. Chính vì thế, Sở Nội vụ mới trình đề xuất “15 ngày không trả lời coi như đồng ý” với mong muốn việc giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp (DN) được nhanh hơn, tránh gây phiền hà, nhũng nhiễu… “Tôi nghĩ phải mạnh tay, dứt khoát thì mới làm được” - ông Lắm nói và cho rằng quy định “15 ngày” đòi hỏi cấp trên, cấp dưới phải nghiêm túc thì mới thực hiện đồng bộ được.
Đối với Văn phòng UBND TP, ông Lắm cho rằng khi tiếp nhận đề xuất của các sở/ngành, quận/huyện thì cũng phải thông báo, còn không thì coi như đồng ý với đề xuất đó.
Ở góc độ từ cơ sở, theo lãnh đạo quận Bình Tân, để thuận lợi cho công tác xử lý công việc ở địa phương, việc nào có thể giao cho quận/huyện chủ động thì TP nên giao; sở/ngành chỉ hướng dẫn thủ tục, tránh việc “cà kê” quá lâu làm ảnh hưởng quyền lợi người dân. Hoặc có hình thức tăng tính trách nhiệm của sở/ngành thông qua công tác thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, có thể ứng dụng công nghệ như lập group trên mạng để truyền đạt, theo dõi, trao đổi thông tin, tránh việc gì cũng gửi văn bản giấy.
Không thể “ngâm” mãi
Trả lời Pháp Luật TP.HCM liên quan đến đề xuất 15 ngày, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết hiện nay có tình trạng chủ tịch quận này hỏi thì các sở đùn đẩy nhau, làm cho vụ việc kéo dài, giữa các cơ quan nhà nước cũng còn có tình trạng đó. “Nên tới đây phải ra quy định như đề xuất của Sở Nội vụ trình “15 ngày không trả lời coi như đồng ý”” - Chủ tịch Nguyễn Thành Phong nói.
Tuy nhiên, ông Phong cho biết ông đang xem lại đề xuất này, bởi theo ông mỗi loại thủ tục hành chính có thời gian giải quyết theo đúng quy trình. “Có những loại thủ tục hành chính tôi có thể xử lý trong ba ngày nhưng cũng có những thủ tục hơn 15 ngày. Giải quyết thủ tục hành chính phải có thời hạn chứ không thể vô hạn, vấn đề ở chỗ anh phải trả lời cho người ta biết thời hạn giải quyết chứ không thể “ngâm” mãi được” - ông Phong nói và cho rằng trong giao dịch giữa DN với Sở Kế hoạch và Đầu tư, giữa các sở/ngành và quận/huyện với nhau phải có thời gian cụ thể, nếu giải quyết không được phải trả lời cho người dân, DN chứ không thể cứ kéo dài mãi.
Chủ tịch UBND TP.HCM: Có hồ sơ lòng vòng một năm rưỡi Ông Nguyễn Thành Phong kể một câu chuyện thực tế với PV Pháp Luật TP.HCM về việc hồ sơ DN bị “ngâm”. Cụ thể, một DN gửi hồ sơ xin tham gia chương trình kích cầu. Trong khi quy định về chuẩn DN được tham gia chương trình đã có, các sở/ngành có thể trả lời ngay cho DN. Tuy nhiên, phải mất 1,5 năm, hồ sơ chuyển lòng vòng qua các phòng, ban cuối cùng mới trình lên chủ tịch UBND TP và tham mưu trả lời là không được. “Nếu hồ sơ, chuẩn DN không đúng quy định thì trả lời ngay cho người ta là không được. Đằng này cả năm trời mới trình lên bàn tôi để ký cái quyết định không đồng ý. Đặt mình vào hoàn cảnh đó mới thấy khổ, bức xúc lắm!” - ông Phong nói. |