Chiều 19-2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính (CCHC) năm 2018 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2019.
Sự hài lòng của người dân là thước đo của cải cách
Tại hội nghị, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho biết có tám kết quả nổi bật về CCHC trong năm qua mà ông cho là rất có ý nghĩa. Đặc biệt, ông Nhân cho biết một trong những thành tựu đáng chú ý năm qua là bắt đầu có những sản phẩm của đô thị thông minh được sử dụng có lợi cho người dân. Ví dụ như quận Bình Thạnh với “Bình Thạnh trực tuyến”, là nơi tiếp nhận phản ánh của người dân qua phần mềm trên điện thoại. Hay như Sở Xây dựng đã cấp giấy phép xây dựng qua mạng; Sở Quy hoạch-Kiến trúc hình thành phần mềm để người dân tra cứu quy hoạch...
Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác CCHC vẫn còn một số hạn chế. Cụ thể như trong khi các quận/huyện và sở/ngành có tỉ lệ giải quyết hồ sơ đúng thời hạn là 99,6% nhưng tại Văn phòng UBND TP không công bố thời hạn giải quyết các hồ sơ; vấn đề chuẩn hóa phần mềm đánh giá sự hài lòng trên toàn TP... và những điều này cần sớm khắc phục.
Nhiều lần nhắc tới đột phá trong CCHC, Bí thư Nhân cho rằng đột phá đầu tiên là phải làm triệt để, đồng bộ và tăng tốc.
Để làm được điều này, ông đề nghị Văn phòng UBND TP phải vào cuộc. Cùng với đó, 100% quận/huyện triển khai hệ thống tiếp nhận ý kiến người dân trực tuyến qua điện thoại và có đánh giá sự hài lòng của người dân. Ngoài ra, cần nâng tỉ lệ dịch vụ công trực tiếp mức 3-4 (từ 20% lên 30%-40%).
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cùng các lãnh đạo TP đang trao đổi bên lề hội nghị. Ảnh: T.LÂM
Đột phá thứ hai trong CCHC là phải sâu sắc, xuất phát từ trái tim người cán bộ và chạm đến trái tim người dân. “Chúng tôi rất xúc động và bất ngờ khi ở phường 4, quận Tân Bình có để sẵn những cái kính (kính cận thị, viễn thị - PV) để lỡ người dân quên kính, không thấy đường ký văn bản thì lấy đeo vô mà ký. Cái đó chỉ làm được khi cái tâm của người công chức hướng đến người dân” - ông Nhân nói và cho rằng khi thấy dân đợi lâu, người cán bộ phải biết bức xúc, tìm các giải pháp giảm các thủ tục hành chính để dân bớt khổ.
Đột phá kế tiếp, theo Bí thư Thành ủy TP.HCM, là phải coi sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là thước đo của mình.
Cuối bài phát biểu, ông Nguyễn Thiện Nhân nêu nhiều giải pháp đột phá CCHC, trong đó ông nhấn mạnh đến giải pháp mở rộng dịch vụ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân qua mạng.
Đấu tranh với vô cảm, nhũng nhiễu
Tại hội nghị, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, cho rằng đánh giá hiệu quả CCHC trước hết là đánh giá sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, đánh giá trách nhiệm người đứng đầu của từng đơn vị, đánh giá hiệu quả hoạt động của từng cán bộ, công chức. Từ đó xem xét tăng thu nhập cho cán bộ, công chức một cách chính xác, hiệu quả, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54 của Quốc hội.
“Không bao giờ có chuyện cán bộ, công chức bị người dân đánh giá không hài lòng hoặc hài lòng không cao mà được chi thu nhập tăng thêm. Cũng không bao giờ có chuyện tỉ lệ hài lòng của đơn vị ngày càng thấp hơn mà được đánh giá để tăng thu nhập. Chuyện này UBND TP sẽ có giám sát cụ thể” - ông Tuyến nói.
Ông Tuyến cam kết chính quyền TP.HCM kiên quyết đấu tranh với những biểu hiện vô cảm, những biểu hiện nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, đồng thời thực hiện nghiêm việc xin lỗi khi hồ sơ trễ hạn. Và nếu trễ hạn sẽ xác định rõ nguyên nhân, số lần trễ hạn và đánh giá cụ thể trách nhiệm cán bộ, công chức, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu đơn vị.
Trước đó, báo cáo tổng kết CCHC năm 2018, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Huỳnh Công Hùng cho biết tỉ lệ hồ sơ trễ hạn được kéo giảm còn dưới 1% nhưng vẫn gây bức xúc cho người dân.
Để giảm lượng hồ sơ trễ hạn, ông Hùng cho biết TP sẽ xử lý nghiêm (kiểm điểm, luân chuyển công tác) đối với cán bộ, công chức giải quyết hồ sơ trễ hạn nhiều lần mà không có lý do chính đáng.
Tiết kiệm 15 tỉ đồng nhờ dùng thư mời điện tử Ông Võ Sĩ, Phó Chánh Văn phòng UBND TP.HCM, cho biết trong hai năm qua Văn phòng UBND TP đã áp dụng nhiều giải pháp trong CCHC, trong đó áp dụng thư mời điện tử, qua tin nhắn SMS. Việc làm này giúp thông tin về cuộc họp được chuyển tải nhanh đến những người liên quan và tiết kiệm được chi phí. “Việc gửi thư mời điện tử, thư mời SMS giúp Văn phòng UBND TP tiết kiệm chi phí rất lớn: Năm 2017 tiết kiệm gần 7 tỉ đồng, năm 2018 hơn 8 tỉ đồng” - ông Võ Sĩ nói. Tại hội nghị, người đứng đầu 29 sở, ban, ngành và chủ tịch UBND 24 quận/huyện đã ký cam kết quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ CCHC năm 2019. |