Như trong lần trao đổi với chúng tôi ở số báo đầu xuân năm nay, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kỳ vọng rằng khi thực hiện tốt cải cách hành chính, hoạt động của bộ máy chính quyền cũng như năng lực cạnh tranh và thu hút đầu tư của TP sẽ được phát huy hiệu quả...
Và quyết tâm này đã được thể hiện mạnh mẽ trong các cuộc làm việc triển khai nhiệm vụ đầu năm của người đứng đầu chính quyền TP với các sở, ngành bên dưới. Điển hình như trong cuộc làm việc mới đây với Sở Nội vụ, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong kể bản thân ông đã phải “xấu hổ” không dám ký một quyết định cho một doanh nghiệp. Bởi nếu cứ theo tiêu chuẩn đã có thì cả các sở, ngành cũng có thể quyết định (được hay không được) ngay. Nhưng không, mất gần một năm rưỡi sau hồ sơ của doanh nghiệp tham gia chương trình kích cầu mới đến tay ông.
Chưa biết việc chậm trễ trên có liên quan đến tệ “hành là chính” hay tệ tham nhũng vặt hay không nhưng rõ ràng sự trì trệ trong giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp như trường hợp này không tương xứng chút nào với sự năng động vốn có của TP.HCM. Từ đây mới thấy đột phá trong cải cách thủ tục hành chính được lãnh đạo TP xác định là trọng tâm đột phá trong năm 2019 là vô cùng cần thiết.
Có cơ sở để tin rằng đột phá về cải cách hành chính ở TP sẽ có hiệu quả. Bởi chính người đứng đầu TP.HCM đã hiểu một cách sâu sắc và nói rất ngắn gọn về nguyên tắc “tiếp cận phủ định” hay nôm na “im lặng là đồng ý” rằng: Phải quy định cụ thể thời gian giải quyết hồ sơ đề xuất của các doanh nghiệp, người dân. Nếu sau thời gian đó sở, ngành không trả lời coi như đồng ý. Sau này xảy ra vấn đề gì sai sót, sở, ngành đó phải chịu trách nhiệm.
Đương nhiên, ai cũng có thể hiểu được rằng nguyên tắc đó được thực thi triệt để sẽ tạo sự đồng bộ, thống nhất giữa các sở, ngành trong giải quyết thủ tục hành chính và hạn chế được nhũng nhiễu, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân.
Nên nhớ rằng dù còn nhiều khó khăn, thách thức và có cả câu chuyện khiến ông Phong phải “xấu hổ”, thế mà năm 2018 TP còn hoàn thành thu ngân sách ở mức 100,47% với hơn 378.000 tỉ đồng. Nếu sự “xấu hổ trên” không còn tái diễn nữa thì TP.HCM có thể sẽ còn đạt được những kết quả cao hơn trong năm 2019.
Muốn thế, sự “xấu hổ” của người đứng đầu chính quyền TP.HCM cần phải trở thành nỗi xấu hổ tự thân trong mỗi cán bộ, công chức nếu vì lý do nào đó mà hành, ngâm hồ sơ của người dân, doanh nghiệp. Bởi sự tắc trách ở đâu đó, trong một vài sở, ngành, công chức, cán bộ tưởng rằng nhỏ nhưng cũng có thể kéo lùi sự phát triển của TP nói riêng và cả nước nói chung.
Hy vọng rằng khi Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã bắt được bệnh thì căn bệnh “hành là chính” sẽ được điều trị tốt và mũi đột phá cải cách hành chính của TP sẽ phát huy sức mạnh tốt nhất cho đầu tàu kinh tế của cả nước.