Quản lý tiền chất thuốc nổ yếu kém

Vụ sinh viên (SV) Đoàn Trung Hiếu mua lưu huỳnh, magiê... từ chợ Kim Biên về để chế tạo pháo gây cái chết thương tâm cho bốn SV và làm một SV khác bị thương lần nữa cho thấy sự quản lý lỏng lẻo việc mua bán hóa chất tại TP.HCM.

Việc quản lý lỏng lẻo này không phải các cơ quan chức năng không biết và Sở Công Thương, Công an TP từng chỉ ra điều này…

Những con số biết nói

Trong năm 2013, TP.HCM có tám vụ nổ làm 13 người chết và 13 người bị thương. Trong đó có ba vụ có liên quan đến thuốc nổ, vật liệu nổ.

Theo báo cáo của Sở Công Thương với đại biểu QH và HĐND TP.HCM mới đây, TP.HCM có hơn 200 cơ sở kinh doanh hóa chất. Riêng địa bàn quận 5 đã có 109 cơ sở. Trong số đó chợ hóa chất Kim Biên và khu vực phụ cận (các tuyến đường Vạn Tượng, Phan Văn Khỏe, Hải Thượng Lãn Ông, Phùng Hưng, Gò Công, Kim Biên…) là nơi tập trung nhiều nhất các cơ sở bán hóa chất công nghiệp và phụ gia. Tại các cơ sở này, hàng hóa được bày bán, tồn chứa chung, phần lớn có thực hiện sang chiết, đóng gói hóa chất tại chỗ để kinh doanh nhỏ lẻ, không đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, con người cũng như các quy định về an toàn PCCC...

Đưa nạn nhân vụ nổ ngày 11-1 (do SV Đoàn Trung Hiếu chế tạo pháo gây ra) rời khỏi hiện trường. Ảnh: XUÂN NGỌC

Theo quy định hiện hành, các cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp thuộc danh mục hóa chất sản xuất, kinh doanh có điều kiện hoặc hạn chế sản xuất, kinh doanh phải đáp ứng rất nhiều các thủ tục và phải có các giấy phép liên quan như: giấy chứng nhận đủ điều kiện PCCC, giấy xác nhận Đề án bảo vệ môi trường, giấy phép vận chuyển hàng nguy hiểm, giấy xác nhận biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất... Tuy nhiên, đến nay trên tổng số 230 lượt hồ sơ, Sở Công Thương chỉ mới cấp giấy chứng nhận cho 50 cơ sở.

Ngoài ra, chỉ có một doanh nghiệp thực hiện thủ tục xin cấp giấy xác nhận khai báo hóa chất sản xuất và có 20/70 lượt hồ sơ của cơ sở được cấp giấy xác nhận biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp.

Quản không nổi

Qua thanh, kiểm tra năm 2013 với 28 cơ sở sản xuất, kinh doanh hóa chất (10 cơ sở chợ Kim Biên, ba cơ sở trên đường Tô Hiến Thành, 15 cơ sở ở các địa bàn khác), Sở phát hiện 20 cơ sở không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hóa chất. Số còn lại vi phạm việc xây dựng biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất…

Theo Sở Công Thương, hiện thiếu quy định về chế tài xử phạt và hướng xử lý đối với trường hợp kinh doanh tiền chất thuốc nổ không có giấy phép. Chưa hết, việc quản lý chồng chéo giữa nhiều ban ngành về hoạt động sản xuất, kinh doanh hóa chất nên phát sinh nhiều thủ tục gây khó khăn cho công tác quản lý. Các thủ tục cấp phép, kiểm tra chưa đồng bộ, danh mục hóa chất chưa cụ thể, chưa cập nhật và thiếu cán bộ đủ trình độ làm công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra hóa chất.

Thủ tục đề nghị cấp giấy chứng nhận phức tạp, mất nhiều thời gian (trung bình từ sáu tháng đến một năm) gây tâm lý chán nản cho doanh nghiệp, dẫn đến tình trạng sản xuất, kinh doanh hóa chất bất chấp các quy định pháp luật.

Những thiếu sót trên đã được Sở báo cáo UBND và kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh, bổ sung nhằm phục vụ công tác quản lý hoạt động hóa chất trên địa bàn được chặt chẽ và thuận lợi.

ÁI NHÂN

Lưu huỳnh, magiê, acid đậm đặc… bán đầy ở chợ Kim Biên

Theo Thiếu tướng Trần Triều Dương, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP.HCM, vụ cháy, nổ khiến các SV thiệt mạng là tai nạn đáng tiếc xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật chế tạo thuốc nổ của SV.

Qua vụ này, Sở PCCC kiến nghị các cơ quan cần kiểm tra, giám sát được tình hình bán buôn các loại hóa chất có thể gây nổ, cháy cao; các chủ nhà trọ, cho thuê, cơ sở lưu trú cần quản lý, kiểm soát, phát hiện kịp thời các hoạt động có nguy cơ cao gây nổ, cháy tại cơ sở của mình. Người dân cần lưu tâm đến các hoạt động chế thuốc pháo, hóa chất dễ gây nổ, cháy để ngăn chặn hoặc báo cho chính quyền địa phương.

“Sau vụ Phương “khói lửa” vào đầu năm 2013 làm 11 người chết, UBND TP đã cùng với sở, Công an TP.HCM, lực lượng quân đội... kiểm tra tình hình buôn bán hóa chất tại chợ Kim Biên, phát hiện rất nhiều hóa chất nguy hiểm có thể gây nổ, cháy như lưu huỳnh, magiê, acid đậm đặc... bày bán tại đây. Sở cũng đã xử phạt về lỗi vi phạm công tác an toàn PCCC, còn việc quản lý sâu hơn về hóa chất là do Sở Công Thương quản lý. Thực tế là có quá nhiều loại hóa chất nguy hiểm được bán, mua dễ dàng ở đây.

Trong vụ nổ ngày 11-1, hiện SV Lê Văn Hạ đã qua cơn nguy kịch nhưng sức khỏe còn yếu. UBND quận 10 đã quyết định hỗ trợ 10 triệu đồng cho gia đình có SV tử vong và 5 triệu đồng cho SV bị thương. Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng quyết định hỗ trợ mỗi nạn nhân (tử vong và bị thương) 10 triệu đồng.

Quản lý buôn bán tiền chất thuốc nổ, vật liệu nổ còn nhiều thiếu sót, yếu kém. Bất cứ ai ra chợ Kim Biên hoặc các cửa hàng hóa chất đều có thể mua và chế tác thuốc nổ. Công an TP đã có báo cáo, UBND TP có chỉ đạo kiến nghị về công tác quản lý nhưng việc quản lý tiền chất thuốc nổ được giao cho Bộ Công Thương, Sở Công Thương quản lý. Tại TP không có bất cứ doanh nghiệp nào được cấp phép mua bán tiền chất thuốc nổ nhưng tình trạng mua bán vẫn xảy ra.

Thiếu tướng PHAN ANH MINH, Phó Giám đốc Công an TP.HCM, nói tại cuộc họp sơ kết vào ngày 8-12-2013

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm